Ông Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa (Lào Cai) cho biết, "Chợ tình" là tên gọi được du khách đặt ra cho phiên chợ Sa Pa vào những năm cuối thế kỷ XX. "Chợ tình" còn là nơi trao truyền tri thức, hẹn hò, giao duyên của những nam, nữ thanh niên các dân tộc.
"Chợ tình Sa Pa" ngày nay đã bị mai một, vì vậy, nhiều người dân và du khách đều mong muốn khôi phục lại chợ tình như xưa.
Việc phục dựng nhằm đưa "Chợ tình Sa Pa" trở thành sản phẩm du lịch, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Mông, Dao ở Sa Pa. Liên quan đến đó cần các giải pháp về quản lý, tổ chức các hoạt động của chợ tình Sa Pa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của cộng đồng các dân tộc thiểu số, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội truyền thống; xây dựng sản phẩm du lịch “sân khấu thực cảnh” tại Sa Pa, nhằm khai thác giá trị văn hóa, tạo động lực phát triển kinh tế du lịch...
Qua đó, giới thiệu và tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc độc đáo của địa phương, góp phần tái hiện những nét đẹp của "Chợ tình Sa Pa" xưa, giúp cho thế hệ trẻ, đồng bào các dân tộc tại Sa Pa và du khách thập phương hiểu đúng về giá trị văn hóa của chợ tình.