| Hotline: 0983.970.780

Sa Pa thành vùng cây dược liệu trọng điểm vào năm 2025

Thứ Ba 12/03/2024 , 08:30 (GMT+7)

Thị xã Sa Pa đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển để phấn đấu đến năm 2025 trở thành vùng cây dược liệu trọng điểm của tỉnh Lào Cai.

Trên địa bàn thị xã Sa Pa (Lào Cai) hiện có 240ha cây dược liệu, trong đó chủ yếu là actiso, chùa dù, chè dây, sa nhân tím, đương quy, tía tô và các loại cây dược liệu dùng để chế biến sản phẩm thuốc tắm người Dao đỏ. Thị xã hiện có 6 công ty, hợp tác xã đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và chế biến các sản phẩm từ dược liệu với công suất chế biến khoảng 5.800 tấn dược liệu tươi/năm; doanh thu từ cây dược liệu trên địa bàn thị xã đạt trên 30 tỷ đồng/năm.

Việc phát triển vùng trồng dược liệu giúp bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý, bảo vệ quỹ đất và đa dạng sinh học. Ảnh: Lưu Hòa.

Việc phát triển vùng trồng dược liệu giúp bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý, bảo vệ quỹ đất và đa dạng sinh học. Ảnh: Lưu Hòa.

Thực hiện nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Sa Pa đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đôi khí hậu và bảo vệ môi trường. Cơ cấu lại sản xuất trồng trọt theo 2 nhóm là nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm tiềm năng địa phương gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Bên cạnh đó, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các hình thức ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để chủ động thời vụ, nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường, gia tăng giá trị nông sản, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị đất canh tác.

Người dân Sa Pa có thu nhập tốt từ liên kết trồng cây tía tô. Ảnh: Lưu Hòa.

Người dân Sa Pa có thu nhập tốt từ liên kết trồng cây tía tô. Ảnh: Lưu Hòa.

Cây dược liệu là một trong những ngành hàng chủ lực của tỉnh Lào Cai trong giai đoạn 2022 – 2025 và là một trong những cây trồng có thế mạnh của thị xã Sa Pa. Với những tiềm năng về đất đai, khí hậu thuận lợi để phát triển cây trồng dược liệu, Thị xã đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển để phấn đấu đến năm 2025, Sa Pa trở thành vùng cây dược liệu trọng điểm của tỉnh Lào Cai.

Cây dược liệu trồng tại Sa Pa có chất lượng tốt, dược tính cao hơn so với các địa phương khác. Các sản phẩm sơ chế, chế biến từ cây dược liệu trên địa bàn Thị xã được người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sử dụng.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện trên địa bàn Thị xã có khoảng trên 100 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ cây dược liệu, tạo nguồn thu nhập rất lớn cho bà con. Giá trị sản xuất dược liệu trên một ha trồng đạt trên 100 triệu đồng/ha; doanh thu từ cây dược liệu trên địa bàn Thị xã đạt trên 30 tỷ đồng/năm.

Nông dân Sa Pa thu hoạch lá cây atiso. Ảnh: Lưu Hòa.

Nông dân Sa Pa thu hoạch lá cây atiso. Ảnh: Lưu Hòa.

Các sản phẩm và sản lượng thu mua của các công ty, HTX nổi bật trên địa bàn Sa Pa có thể kể tới như: Công ty Cổ phẩn Kinh doanh các sản phẩm bản địa (Sa Pa Napro) thu mua cây dược liệu tươi hàng năm trên 900 tấn, hiện Công ty 19 sản phẩm đang được bán ra trên thị trường, doanh thu hàng năm trung bình 10,5 tỷ đồng/năm. Công ty Cổ phẩn Thương mại Hùng Dũng thu mua cây dược liệu tươi hàng năm trên 300 tấn, chuyên sản xuất các sản phẩm thuốc tắm, nước ngâm chân, rượu xoa bóp, cao thảo dược với doanh thu hàng năm trung bình 8 tỷ đồng. Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh các sản phẩm thuốc tắm dao đỏ Sa Pa Secrets chuyên các sản phẩm thuốc tắm, nước ngâm chân, xà bông tía tô và các sản phẩm khác từ cây tía tô, hiện HTX có 20 sản phẩm đang được bán ra trên thị trường, doanh thu hàng năm trung bình 1,6 tỷ đồng. Hợp tác xã cộng đồng Dao đỏ thu mua cây dược liệu tươi hàng năm trên 400 tấn, chuyên sản xuất các sản phẩm thuốc tắm, nước ngâm chân và các sản phẩm từ cây chùa dù và ngải cứu, hiện HTX có 11 sản phẩm đang được bán ra trên thị trường, doanh thu hàng năm trung bình 3,5 tỷ đồng...

Du khách thích thú thăm, trải nghiệm vùng trồng dược liệu tại Sa Pa. Ảnh: Lưu Hòa.

Du khách thích thú thăm, trải nghiệm vùng trồng dược liệu tại Sa Pa. Ảnh: Lưu Hòa.

Bên cạnh những điều kiện tự nhiên thuận lợi, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn thị xã Sa Pa cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đất đai của Sa Pa chủ yếu là đồi núi nên việc mở rộng diện tích cây dược liệu trồng tập chung còn gặp nhiều khó khăn; sản xuất vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, các hình thức hợp tác (hợp tác xã, tổ đội sản xuất, hiệp hội, công ty...) còn ít nên việc sản xuất cây dược liệu gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc...

Hiện nay, một số cây dược liệu của Sa Pa chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Chi phí sản xuất cho cây dược liệu cao hơn nhiều so với các cây trồng truyền thống khác (lúa, ngô). Yêu cầu về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công chăm sóc cao nên bà con gặp khó khăn trong việc đầu tư sản xuất nếu không có hỗ trợ từ nhà nước, doanh nghiệp. Các sản phẩm dược liệu chủ yếu là bán tươi hoặc chế biến thô rồi xuất bán nên giá trị kinh tế còn chưa cao...

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.