Triển lãm “Wind Energy Asia 2023” thu hút gần 120 gian hàng của các doanh nghiệp đến từ các quốc gia: Đan Mạch, Hà Lan, Vương Quốc Anh, Scotland, Pháp và PTSC là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất tham gia triển lãm.
Vào cuối năm 2022, Chính phủ Đài Loan đã trao thầu (vòng 3.1) cho 7 dự án điện gió ngoài khơi với mục tiêu phát điện vào năm 2026 - 2027, hứa hẹn sự sôi động trong chuỗi cung ứng dịch vụ cho các dự án nói trên trong thời gian tới.
Thành công từ việc thắng thầu quốc tế chế tạo 2 trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho dự án Hai Long và dự án chế tạo trụ điện gió tại Đài Loan vừa qua, PTSC đang đẩy mạnh công tác marketing, phát triển kinh doanh tại thị trường này.
Tại triển lãm, PTSC đã trao đổi và làm việc với các khách hàng, đối tác lớn trong ngành công nghiệp điện gió để giới thiệu về các hoạt động và lĩnh vực kinh doanh của mình, từ đó mở rộng cơ hội hợp tác, xây dựng chuỗi cung ứng trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi nói riêng, cũng như năng lượng tái tạo ngoài khơi nói chung tại thị trường này và mở rộng ra các nước trong khu vực.
Cũng nhân dịp này, tại Đài Trung, đoàn công tác của PTSC đã đến thăm và tìm hiểu mô hình tổ chức Trung tâm quản lý vận hành và bảo dưỡng điện gió ngoài khơi (O&M Hub) hiện đại bậc nhất châu Á hiện nay của Công ty Orsted - Nhà đầu tư phát triển điện gió số một thế giới.
Kể từ năm 2016, Đài Loan đã theo đuổi chương trình nghị sự chuyển đổi năng lượng và trở thành một quốc gia không có hạt nhân vào năm 2025, với mức tăng năng lượng tái tạo từ 5% năm 2016 lên 20% vào năm 2025. Ngoài ra, Đài Loan đã tăng tốc đáng kể nguồn điện gió ngoài khơi (WP) và phấn đấu đạt mục tiêu 5,7 GW vào năm 2025, từ 2 tua bin 4 MW vào giữ năm 2016.
Đài Loan đặt mức giá điện FIT cao nhất trên toàn thế giới để thu hút sự chú ý của các nhà phát triển năng lượng tái tạo lớn. Tiêu chí cho biểu giá điện FIT cao là yêu cầu về hàm lượng nội địa hóa. Nếu thành công, Đài Loan sẽ trở thành quốc gia có WP ngoài khơi lớn thứ ba về công suất lắp đặt và đạt được điều này với tiến độ nhanh nhất, bất chấp năng lực công nghiệp hiện tại đối với cả điện gió trên bờ lẫn ngoài khơi.
Biểu giá điện hỗ trợ (FIT) của Đài Loan: Trên bờ: 2,6258 TWD (€6,73c)/kWh trong năm 2013. Ngoài khơi: 5,5626 TWD (€14,26c)/kWh trong năm 2013.
Bộ Kinh tế Đài Loan đã thiết lập biểu giá điện hỗ trợ (FIT) cho các dự án điện gió ngoài khơi ký hợp đồng mua bán điện 20 năm (PPA) vào năm 2021 với mức 4.656,8 TWD/MWh (166 USD/MWh). Mức này thể hiện mức cắt giảm 8,6% so với mức giá FIT trước đó được đặt cho năm 2020 (5.094,6 TWD/MWh).
Còn về tiềm năng gió ngoài khơi Đài Loan (ở vùng nước nông từ 5 - 20 m):
- Diện tích: 1.779,2 km.
- Tiềm năng: 9 GW.
- Khả thi: 1,2 GW.
Tiềm năng gió ngoài khơi Đài Loan (ở vùng nước sâu từ 20 - 50 m):
- Diện tích: 6.547 km.
- Tiềm năng: 48 GW.
- Khả thi: 5 GW.
Tiềm năng gió ngoài khơi Đài Loan (ở vùng nước sâu trên 50 m):
- Tiềm năng: 90 GW.
- Khả thi: 9 GW.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, với những dữ liệu liên quan đến tiềm năng, chính sách phát triển nêu trên, có thể là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia làm nhà thầu chế tạo cơ khí, xây lắp... các công trình điện gió ngoài khơi ở Đài Loan trong thời gian sắp tới.