Tiêu thụ thịt bò trên thế giới và Việt Nam
Theo Cục Chăn nuôi, đối với nguồn cung thịt bò bình quân đầu người, Argentina đứng đầu danh sách với 46,93 kg thịt bò/người/năm. Tuy nhiên, khi xem xét tổng khối lượng tiêu thụ của một quốc gia, Hoa Kỳ đứng đầu với mức tiêu thụ 21% lượng thịt bò của thế giới, tương đương gần 12,5 tỷ kg (năm 2020). Quốc gia có mức cung cấp và tiêu thụ thấp nhất là Cộng hòa Dân chủ Congo với mức 0,26 kg/người/năm.
Tại Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 378,1 nghìn tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tính bình quân cả năm lượng thịt bò mới chỉ đáp ứng được khoảng 45 - 50% nhu cầu tiêu dùng trong nước, còn lại phải nhập khẩu. Hiện nay, mỗi năm bình quân một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 65 - 68 kg thịt hơi các loại và lượng tiêu thụ thịt bò ở mức rất thấp, khoảng 7 - 8 kg.
Như vậy, mức tiêu thụ thịt bò (thịt xẻ) của Việt Nam thấp hơn mức tiêu thụ thịt bò trung bình của thế giới (9,5 kg), thấp hơn một số nước phát triển như Mỹ 36 kg, Úc 44 kg, Brazil 38 kg, Newzealand 30 kg, Nga 15 kg và một số nước, khu vực xung quanh như Nhật Bản 11 Kg, Hàn Quốc 16 kg nhưng cao hơn một số nước như Indonesia 2,7 kg.
Mức tiêu thụ này mặc dù cao hơn hầu hết các nước trong khu vực châu Á, nhưng vẫn thấp hơn so với các nước có nền kinh tế phát triển. Trong khi đó, mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm ngày càng được cải thiện, mức tiêu thụ thịt các loại của người tiêu dùng Việt Nam cũng tăng lên đáng kể, đặc biệt là xu hướng tiêu dùng thịt bò.
Đây là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội để phát triển hơn nữa ngành chăn nuôi bò thịt tại Việt Nam trong thời gian tới.
Định hướng và giải pháp phát triển
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại (Quyết đinh số 150/QĐ-TTg) và Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 (Quyết định số 1520/QĐ-TTg).
Định hướng đến năm 2030, đàn bò thịt ổn định ở quy mô từ 6,5 đến 6,6 triệu con, trong đó khoảng 30% được nuôi trong trang trại. Phát thải khí nhà kính ngành chăn nuôi giảm 18%, trong đó phát thải khí mê tan trong chăn nuôi không vượt quá 16,8 triệu tấn năm 2025 và 15,2 triệu tấn năm 2030.
Theo Cục Chăn nuôi, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện thể chế ngành chăn nuôi, như: Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Chăn nuôi, các TCVN, QCVN phù hợp với tình hình thực tế.
Đẩy mạnh cải tạo đàn bò địa phương để tạo bò lai có tỷ lệ máu ngoại trên 50%. Khuyến khích phát triển chăn nuôi các giống bò bản địa gắn với du lịch sinh thái, tích hợp đa giá trị (ẩm thực, văn hóa, du lịch, sinh thái và kinh tế).
Nhập khẩu nguồn gen bằng cách nhập bò đực giống cao sản để sản xuất tinh bò thịt đông lạnh trong nước, nhập khẩu một số tinh, phôi bò thịt phục vụ cho lai tạo và nhân thuần giống bò thịt. Xây dựng công thức lai (với các giống bò chất lượng cao như Waguy; Senepol; H’Mong...), xây dựng quy trình chăn nuôi nhằm tạo dòng sản phẩm thịt bò có chất lượng cao.
Chủ động tìm kiếm, phát triển cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu TĂCN trong nước để đa dạng hóa nguồn cung. Tập trung giảm phát thải bằng ứng dụng các giải pháp quản lý, công nghệ; cải thiện khẩu phần ăn cho vật nuôi; ứng dụng công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, chất thải trong chăn nuôi, gắn với sản xuất phân bón hữu cơ và sản xuất năng lượng tái tạo. Xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi bò thịt theo kinh tế tuần hoàn, trang trại chăn nuôi thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát môi trường…