| Hotline: 0983.970.780

Quản trị mạng xã hội không chỉ cho cuộc tái chiến Covid-19

Thứ Bảy 01/08/2020 , 08:35 (GMT+7)

Để tránh tâm lý hoang mang cho cộng đồng, quản trị mạng cũng là một thách thức đáng cân nhắc và đáng chú trọng.

Thực hiện phong tỏa các tuyến đường xung quanh các bệnh viện lớn tại Đà Nẵng. Ảnh: Lê Lâm.

Thực hiện phong tỏa các tuyến đường xung quanh các bệnh viện lớn tại Đà Nẵng. Ảnh: Lê Lâm.

Thành phố Đà Nẵng phải thực hiện giãn cách xã hội 14 ngày, kể từ 28/7. Cuộc chiến mới chống lại Covid-19 đã bắt đầu với nhiều cảm xúc khác nhau.

Vì sao phải lưu ý đến mạng xã hội cho cuộc tái chiến Covid-19. Rất đơn giản, những thông tin không được kiểm soát tốt trên Facebook sẽ dẫn đến những hệ lụy không nhỏ. Khi ca lây nhiễm mới được phát hiện tại Đà Nẵng, thì ngay lập tức đã có những trạng thái dè bĩu và chửi bới rất phản cảm.

Trường hợp F0 ở đâu, thì chưa rõ, nhưng việc truy vết F1, F2, F3… các ca lây nghiêm và nghi nhiễm cũng cần được tiến hành một cách bài bản và nghiêm túc. Bất kỳ một thông tin tiêu cực nào trên mạng xã hội cũng có thể dẫn đến nhưng bất an cho cộng đồng.

Đà Nẵng áp dụng giãn cách xã hội, Chủ tịch UBND Đà Nẵng chia sẻ: “Hồi đó phòng thủ là chính, ngăn chặn dịch từ bên ngoài vào. Còn bây giờ đã trở thành tâm dịch. Do đó chúng tôi thay đổi cách thức không chỉ lập các chốt kiểm soát mà phải tìm các ca bệnh từ bên trong”. 

Đà Nẵng cách ly 10 nghìn người. Thế nhưng, những trường hợp đã đến và đã đi qua Đà Nẵng thì vẫn là một ẩn số không nhỏ.

Ngày 26/7, ca nhiễm Covid-19 được nhận diện, vậy thì những đối tượng từng ghé đến Đà Nẵng vào thời điểm nào phải khai báo y tế và thực hiện cách ly? Thật buồn cười, khi những người du lịch Đà Nẵng từ đầu tháng 7 cũng bị kỳ thị trên mạng xã hội.

Nếu đã xác định cột mốc lây nhiễm từ 26/7, thì 14 ngày trước đó vẫn là một không gian an toàn cho du khách đến Đà Nẵng. Những du khách đến Đà Nẵng trước 12/7 có nằm trong diện nghi nhiễm không? Đó là điều các cơ quan chức năng cần có phát ngôn chính thức, thay vì thả nổi những đồn đoán trên mạng xã hội gây xáo trộn những sinh hoạt bình thường khác.

Cuộc tái chiến Covid-19 cần được kiểm soát những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.

Cuộc tái chiến Covid-19 cần được kiểm soát những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.

Không phải đến cuộc chiến chống Covid-19 mới phải dè chừng mạng xã hội, mà việc quản trị mạng xã hội rất quan trọng.

Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong con đường phát triển của họ, đó là sự phản đối chính sách kiểm duyệt nội dung thù địch và kích động bạo lực.

Ban đầu, ông chủ Mark Zuckerberg còn mạnh miệng tuyên bố: “Tôi tin rằng mạng xã hội Facebook không nên đứng ở vị trí kiểm duyệt và có trách nhiệm can thiệp những bài đăng trên mạng. Các công ty tư nhân, đặc biệt hoạt động trong lĩnh vực không nên nhúng tay vào chuyện đó”.

Nhưng khi các thương hiệu lớn như Unilever, Coca-Cola hay Pfizer lần lượt tham gia vào chiến dịch tẩy chay Facebook, thì những người cầm trịch Facebook buộc phải đưa ra những thay đổi hợp lý hơn.

Cụ thể, Facebook đã phải dán nhãn nội dung được xác định là đáng tin cậy, bao gồm cả cả trạng thái của chính trị gia hàng đầu.

Sự điều chỉnh của Facebook nhằm bảo vệ uy tín và tránh bị trừng phạt từ các tập đoàn kinh tế lớn. Còn tại Việt Nam, Facebook vẫn đang tồn tại không ít bất cập. Đành rằng, chúng ta đã có Luật An ninh mạng, nhưng việc quản trị mạng vẫn cần những động thái quyết liệt hơn và khoa học hơn.

Bây giờ, thật khó nói về câu chuyện nào của cuộc sống lại tách rời khỏi mạng xã hội. Kinh tế, giáo dục, văn hóa đều chịu chi phối trực tiếp của mạng xã hội. Do đó, muốn quản trị xã hội một cách hiệu quả, thì không thể không lấy cơ sở từ quản trị mạng.

Sức ảnh hưởng của mạng xã hội thật khó đoán định và tiên liệu. Cái thật cũng có mà cái giả cũng có, nhưng lời nhắc nhở “cái thật vừa xỏ chân vào giày, thì cái giả đã đi vạn dặm” vẫn ám ảnh những người sử dụng mạng xã hội. Trang bị khả năng đề kháng cho cộng đồng, có thể xem là điều kiện cần. Còn kỹ năng và kỷ luật quản trị mạng chính là điều kiện đủ.

Có một thực tế ít ai để ý là mạng xã hội đang được sử dụng như một công cụ để tìm kiếm lợi ích riêng tư. Bán hàng giả trên mạng rất khó kiểm soát, mà bôi nhọ người khác trên mạng càng khó kiểm soát hơn.

Đừng vội tin rằng cộng đồng mạng có thể điều chỉnh lẫn nhau, mà không cần bàn tay can thiệp của cơ quan chức năng. Cho nên, quản trị mạng không thể đùn đẩy hết trách nhiệm cho ngành công an, mà các ngành khác cũng phải góp phần tích cực.

Nếu không quá lời, thì phải sòng phẳng cảnh tỉnh, hầu hết các loại tội phạm đều đang nhảy lên mạng xã hội để tác oai tác quái. Các ứng dụng trăm hồng nghìn tía được bung ra để chiêu dụ người dùng, và không ai đảm bảo thông tin cá nhân không bị đánh cắp để dùng vào các mục đích đen tối. Tài khoản ảo mà kiếm vật chất thật và gây hậu quả thật.

Mới đây, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư sửa đổi, trong đó có quyết định quan trọng là khai tử dịch vụ đòi nợ thuê.

Tuy nhiên, các công ty đòi nợ thuê đã đóng cửa trên đường phố, nhưng các tổ chức tín dụng đen trên mạng thì sao? Các app vay tiền vẫn bủa vây người dân từ thành thị đến nông thôn. Vay tiền thì dễ mà trả tiền thì khó, vì lãi suất cắt cổ chính là sợi dây thòng lọng giăng sẵn để siết cổ người tiêu dùng.

Nếu không có biện pháp chấn chỉnh các app tín dụng đen thì dẫu xóa sổ các công ty đòi nợ thuê thì hệ lụy khác vẫn tái diễn.

Vài năm nay, ngành thuế rất khẩn trương truy thu thuế thu nhập từ các cá nhân và tổ chức kinh doanh online, nhưng hàng lậu và hàng giả lại mặc sức tung hoành.

Thậm chí, những kênh thương mại điện tử được đầu tư trăm tỷ cũng bị phát hiện bán hàng giả và hàng lậu. Nghĩ mà buồn cười, khi những cuốn sách giả không thể đưa vào nhà sách thì lại được bán công khai trên mạng nhân danh phát triển văn hóa đọc.

Tuy nhiên, có tác hại sâu rộng nhất là sự có mặt của những người nổi tiếng với hành vi gây nhiễu loạn trên mạng xã hội.

Ví dụ, trầm hương là một loại đặc sản không phải ai cũng dễ dàng nhận biết chất lượng. Thế nhưng, vài danh hài và ca sĩ đã quảng bá và mua bán trầm hương khá hồn nhiên. Thậm chí, những yếu tố hoang đường và thần bí cũng được lan truyền xung quanh mỗi sản phẩm trầm hương.

Một nữ ca sĩ chia sẻ rằng, công ty của cô thất thoát hơn 10 tỷ đồng, sau khi được bạn bè giới thiệu về vòng trầm nên cô đeo và may mắn ập đến không kịp đỡ. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, công ty của nữ ca sĩ đã nhanh chóng thu hồi được 80% số tiền thất thoát. 

Oái ăm thay, những thông tin kiểu ấy không phải hiếm hoi. Để bán trầm hương, thì người nổi tiếng xây dựng những huyền thoại ly kỳ như trầm hương giúp xua tà khí, tránh tai nạn, khỏi bệnh tật, thoát vận xui…

Nếu những cơ quan quản lý thị trường không ngăn chặn những chiêu trò tương tự như rao bán trầm hương, thì không biết bao nhiêu người tiêu dùng sẽ biến thành nạn nhân của các trò lừa đảo siêu cấp.

Quản trị mạng, không chỉ làm trong sạch môi trường trên internet mà còn tại cơ hội gắn kết các mối quan hệ xã hội. Hiện nay, nhiều chính khách đã sử dụng mạng xã hội để tiếp xúc và lắng nghe ý kiến người dân. Nếu không có hành lang an toàn thì tài khoản đích thực của chính khách cũng chìm nổi giữa những tài khoản mạo danh khác.

Ngăn chặn những động cơ xấu trên mạng xã hội, chính là tiền đề cho những cơ hội giao lưu chân thành và cởi mở giữa người có trách nhiệm và quần chúng. Liệu tài khoản của các chính khách trên Facebook có thể hoạt động một cách hiệu quả không? Đó cũng là một câu hỏi quản trị mạng xã hội.

Quản trị mạng, không hề đơn giản, nhưng không thể phó mặc và buông xuôi. Bởi lẽ, mỗi tài khoản trên không gian ảo, không chỉ liên quan mật thiết đến tài sản, tinh thần và tính mạng của từng cá nhân, mà còn tác động đến sự tiến bộ của xã hội. Từ giá trị Luật An ninh mạng đến nhu cầu quản trị mạng là một con đường tất yếu để quản lý xã hội văn minh.

(Kiến thức gia đình số 31)

  • Tags:
Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.