Tại Quảng Bình, áp thấp nhiệt đới đã gây mưa to đến rất to trên diện rộng từ rạng sáng ngày 15/7. Trên vùng biển, gió mạnh cấp 6, giật đến cấp 8, biển động.
Tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều giải pháp để chủ động ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ". Theo ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cho hay: “Các lực lượng “4 tại chỗ” đã triển khai nhân lực, phương tiện, thiết bị để sẵn sàng ứng phó với mưa, lũ có thể xảy ra”.
UBND tỉnh Quảng Bình đã có công điện chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố các sở, ban ngành, lực lượng vũ trang, công an khẩn trương kiểm tra các điểm xung yếu để có giải pháp kịp thời.
“Các địa phương, đơn vị phải có dự trữ lương thực, bố trí lực lượng, phương tiện kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, các bến đò để kịp thời cứu hộ khi có tình huống xấu xảy ra”- ông Đoàn Ngọc Lâm chỉ đạo..
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Quảng Bình có 427 phương tiện, 2216 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, tại khu vực biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có 147 phương tiện, 847 lao động đang trong vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
Ông Trần Xuân Tiến, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, cho hay: “Toàn bộ phương tiện đã nắm được thông tin. Chúng tôi cũng đã liên hệ với các lực lượng cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn các địa phương để có phương án kịp thời hỗ trợ ngư dân khi cần thiết”.
Tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình, công tác chuẩn bị về nhân lực, phương tiện đã sẵn sàng, các đơn vị tổ chức ứng trực quân số 100%.
Theo Đại tá Hoàng Xuân Đông, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng , Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình cho biết: “Các lực lượng đã được tập huấn, diễn tập phòng chống thiên tai nên công tác triển khai rất nhanh và đồng bộ. Hiện, các lực lượng đã đầy đủ phương tiện, trang bị như ô tô, cano, lều bạt, áo phao, lương thực, cơ số thuốc men…để làm nhiệm vụ ứng phó với thiên tai”.
Đặc biệt, tại các khu vực có nguy cơ lũ quét, ngập sâu, sạt lở đất… lực lượng cơ động của bộ đội cùng phương tiện đã có phương án tiếp cận và hỗ trợ người dân ra khỏi vùng hiểm nguy. Phối hợp với chính quyền địa phương sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó, cứu hộ, cứu nạn.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cũng đã chỉ đạo các địa phương thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở cập nhật về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn để người dân chủ động ứng phó.
Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương, đơn vị Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, kịp thời chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.
“Đồng thời, các ngành, chủ đầu tư, nhà thầu có phương án triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình trọng điểm, các công trình đang thi công”- ông Đoàn Ngọc Lâm chỉ đạo.
Mưa lớn cũng đã làm nước tại một số kênh mương, ao hồ nhỏ trên địa bàn một số địa phương lên cao. Nếu mưa lớn kéo dài thì sẽ gây ngập úng cục bộ và ảnh hưởng đến những diện tích lúa vụ hè thu đang vào thời kỳ trổ bông tại các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch….
Ngành NN-PTNT Quảng Bình cũng đã chỉ đạo các địa phương chủ động theo dõi và thực hiện các biện pháp chống úng cho lúa và hoa màu.