Tại Hải Phòng, hiện tượng này bắt đầu xuất hiện từ lúc 10h trong thời điểm thời tiết khá oi bức, có mây, nhiệt độ khoảng 30 độ C, đến khoảng 12h30 thì tan dần. Cùng thời điểm, tại một số địa phương giáp ranh với Hải Phòng như Hải Dương, Quảng Ninh…, hiện tượng này cũng được nhiều người dân ghi nhận.
Thấy hiện tượng lạ, nhiều người đã chụp ảnh, checkin rồi đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội để chia sẻ và lưu giữ loại khoảnh khắc hiếm có này. “Tôi đang nấu cơm thì được con gái đi học về gọi ra để xem, thấy rất lạ và đẹp nên có chụp ảnh và gửi cho bạn bè tôi ở tỉnh, thành khác xem, Trước đây có nghe nói rồi nhưng không được chứng kiến”, chị Nguyễn Thị Hà, trú tại xã An Đồng, huyện An Dương chia sẻ.
Về hiện tượng này, trao đổi với PV, đại diện Đài khí tượng thủy văn thành phố Hải Phòng (thuộc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ) cho biết, đây là hiện tượng Sun Halo (tán mặt trời hay quầng mặt trời). Khi xảy ra hiện tượng này, bằng mắt thường có thể quan sát thấy một vòng tròn sáng nhiều màu bao xung quanh mặt trời.
Hiện tượng này xảy ra khi ánh sáng từ mặt trời khúc xạ qua lớp tinh thể băng trong đám mây Ti tầng Cirrostratus (Cs), thường có góc khúc xạ là 22 độ. Thường khi mây Ti tầng Cs xuất hiện sẽ là dấu hiệu cho thấy rằng một frông ấm đang chuẩn bị đến gần và kèm theo đó là một khu vực áp suất thấp đang di chuyển tới. Luồng không khí nóng sẽ đi vào khu vực lạnh và khô hơn.
Theo quá trình này, dòng khí nóng sẽ di chuyển từ từ lên phía trên khối không khí lạnh. Quá trình này có thể sẽ tạo các đám mây và quá trình ngưng tụ hạt nước trong đám mây sẽ diễn ra liên tục dọc theo đường biên của frông ấm. Lượng nước ngưng tụ được phụ thuộc vào độ ẩm của khối không khí trước bề mặt của frông này.
Ngoài ra, theo sau một frông ấm là một khu vực ấm mà các khối không khí trong đó thường là ấm và ẩm, đây là nơi mà các cơn bão mạnh có thể hình thành, trong 48h đồng hồ từ khi hiện tượng này xuất hiện, nhiều khả năng sẽ có mưa giông hoặc trời sẽ nhiều mây hơn, vòng sáng càng rực rỡ thì khả năng có mưa càng cao. Tuy nhiên, không phải lúc nào nó cũng xuất hiện khi xảy ra hiện tượng tán mặt trời này.
“Quầng mặt trời chỉ là hiện tượng thiên văn vật lý bình thường nhưng rất ít khi xảy ra. Đây là hiện tượng tán sắc ánh sáng qua bầu khí quyển, do thời tiết biến đổi nên lượng hơi nước lớn, độ ẩm cao. Về lí thuyết thì đây là dấu hiệu dự báo sắp mưa nhưng theo dự báo trong 3 ngày tới tại Hải Phòng sẽ chưa có mưa”, ông Nguyễn Hồng Sinh – Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn thành phố Hải Phòng cho hay.