| Hotline: 0983.970.780

Quảng Nam: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới

Thứ Tư 15/01/2020 , 09:43 (GMT+7)

Với điều kiện đa dạng về sinh thái, tự nhiên, văn hóa khu vực nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Quảng Nam có một tiềm năng lớn để phát triển du lịch.

16-50-02_1
Phát triển du lịch cộng đồng được tỉnh Quảng Nam chú trọng để gắn với xây dựng NTM.

Việc xây dựng các điểm đến ở nông thôn, phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư vào công tác quản lý, khai thác hưởng lợi, xem đây là điểm nhấn để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần quan trọng trong chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh.

Để xây dựng NTM bền vững, Quảng Nam đã chú trọng gắn với phát triển du lịch nông thôn, chủ yếu dựa vào nền tảng của hoạt động không gian sản xuất nông nghiệp. Từ định hướng này, một số sản phẩm nông nghiệp, nông thôn gắn với hoạt động du lịch đã được hình thành, phát triển trong những năm qua.

Tỉnh này đã tập trung xây dựng 30 điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở khu vực nông thôn; đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch này, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty lữ hành đưa khách đến tham quan, trải nghiệm. Nhờ đó các điểm đến bước đầu mang lại hiệu quả tích cực như nghề nông ở làng rau Trà Quế (Hội An), làng Triêm Tây (Điện Bàn), làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), làng cây trái Đại Bình (Nông Sơn)…

Các địa phương miền núi phía tây bắc của tỉnh Quảng Nam cũng đã được chú trọng để khai thác du lịch bằng những chương trình tham quan, tìm hiểu về văn hóa, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Bằng những hoạt động như tham gia biểu diễn văn nghệ cùng người dân, thưởng thức ẩm thực (cơm lam, rượu cần), tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm của các địa phương đã mang lại những nét độc đáo, thu hút được khách du lịch, phát triển kinh tế vùng nông thôn.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, Quảng Nam luôn chú trọng việc đẩy mạnh liên kết hợp tác, phát triển du lịch với các địa phương khác trên cả nước như Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Đặc biệt, mô hình liên kết Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên-Huế do tỉnh Quảng Nam đề xuất đã được Tổng cục Du lịch chọn làm điển hình công bố cho cả nước.

Nhờ làm tốt công tác xây dựng hạ tầng, sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch, hàng năm lượng khách tham quan và lưu trú trong tỉnh tăng 20%. Tính riêng trong năm 2018, Quảng Nam thu hút hơn 6,5 triệu lượt khách tham quan du lịch, doanh thu từ du lịch đạt 4.700 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch khoảng 11.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Anh Tài, Trưởng phòng Kế hoạch và Nghiệp vụ thuộc Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc khai thác, phát huy di sản văn hóa, sinh thái và nông nghiệp để phát triển du lịch cộng đồng trong những năm qua trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng.

“Điều này không chỉ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, giúp người dân từng bước thay đổi nhận thức, hành động để giữ gìn cảnh quan làng quê, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng lên, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, môi trường văn hóa nông thôn phong phú, lành mạnh góp phần không nhỏ trong Chương trình xây dựng NTM của tỉnh Quảng Nam”, ông Tài nói.

Bên cạnh những gì đã làm được thì việc khai thác, phát huy các giá trị về di sản, văn hóa, sinh thái và nông nghiệp để phát triển du lịch cộng đồng vẫn còn một số hạn chế như: nguồn lực trong việc trùng tu, tôn tạo di tích còn hạn chế. Một số hủ tục lạc hậu còn tồn tại chi phối trong đời sống cộng đồng, ít nhiều ảnh hưởng đến phát triển du lịch tại địa phương; chưa có nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp phù hợp phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng NTM…

Trước thực tế này, tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần có những giải pháp để khắc phục những hạn chế để nâng cao hiệu quả của việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM trong thời gian tới.

16-50-02_2
Nhiều điểm du lịch ở vùng nông thôn Quảng Nam thu hút khá đông du khách.

Trong đó, những giải pháp được tỉnh này chú trọng là tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đẩy mạnh phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM (hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn).

Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa, gắn xây dựng NTM với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; thực hiện tốt công tác quy hoạch đầu tư tại các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đảm bảo không phá vỡ cảnh quan, môi trường nông thôn; đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp (nông dân, doanh nghiệp lữ hành, địa phương, cơ quan quản lý du lịch…).

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.