| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ngãi: Thấy được gì từ mô hình 'không còn nạn đói'

Thứ Hai 31/08/2020 , 16:38 (GMT+7)

Dù mới được triển khai thí điểm tại Quảng Ngãi nhưng chương trình Dự án “không còn nạn đói” đã từng bước thay đổi nhận thức của bà con nơi đây.

Hiệu quả bước đầu có thể nhận thấy được là người dân đã biết phát triển chăn nuôi, dự trữ thực phẩm và chế biến món ăn đảm bảo dinh dưỡng hàng ngày…

Từ đói nghèo đeo bám

Tính đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ngãi đã có 1 thôn thực hiện thí điểm dự án “không còn nạn đói” là thôn Ra Manh (xã Sơn Long, huyện Sơn Tây). Địa phương này bắt đầu triển khai dự án từ tháng 9/2019. Với sự quan tâm của xã của chính quyền các cấp cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị liên quan, mô hình này đã cho thấy được những thay đổi theo hướng tích cực của bà con trong thôn.

Người dân thôn Ra Manh xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gà, vịt. Ảnh: L.K.

Người dân thôn Ra Manh xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gà, vịt. Ảnh: L.K.

Thôn Ra Manh nằm cách trung tâm xã Sơn Long hơn 3km, tuy nhiên đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Để vào được đây, chúng tôi phải đi bộ vượt qua con đường lầy lội bùn đất và một dòng suối chắn ngang. Hình ảnh đầu tiên hiện lên của ngôi làng là những căn nhà gỗ nhỏ khá đơn sơ nằm chơ vơ dưới chân núi. Phía bên dưới, những đứa trẻ áo quần lấm lem mãi mê nô đùa.

Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long nói với chúng tôi rằng, Ra Manh là một trong những thôn còn khó khăn của xã với đa phần là đồng bào dân tộc Ca Dong sinh sống. Cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào vài ba sào rẫy, khi được mùa thì còn đỡ chứ những năm mất mùa, thiếu lương thực, người dân phải nhờ sự hỗ trợ ngân sách của các cấp chính quyền.

Bởi thế mà, từ trước đến nay, cái khó, cái nghèo cứ thế đeo bám mãi người dân. Được biết, thôn nhỏ này có tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 50%, cùng với đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em cũng lên đến 30%. Đây cũng là điều khiến địa phương vô cùng trăn trở. Dự án “không còn nạn đói” được đưa về địa phương như một biện pháp phần nào giải quyết thực trạng này.

Gần 1 năm đã trôi qua từ ngày bắt đầu thực hiện dự án. Nhìn lại trước đây so với bây giờ thì Ra Manh đã thay đổi rất nhiều. Những đàn gà, vịt mà dự án hỗ trợ cho người dân bây giờ đã được nhân đàn nhiều hơn. Nhiều hộ gia đình đã có nguồn thực phẩm dự trữ và thậm chí còn có sản phẩm để bán, giúp họ có thêm nguồn thu nhập thêm ngoài việc làm nương rẫy mang tính tự cung tự cấp vỗn dĩ đã trở thành thói quen.

Đến những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng

Bên đàn gà, vịt đủ các lứa tuổi của mình, chị Đinh Thị Hời (trú thôn Ra Manh, xã Sơn Long) vui mừng cho biết, số gà vịt này được chị nhân đàn lên từ 25 con gà và 25 con vịt xiêm mà dự án “không còn nạn đói” hỗ trợ. Bên cạnh đó chị cũng được các chuyên viên trong chương trình hướng dẫn kỹ thuật nên gà vịt phát triển nhanh, đẻ trứng rồi ấp nở được như bây giờ.

Từ sự hỗ trợ, hướng dẫn của chương trình 'không còn nạn đói', người dân đã biết phát triển chăn nuôi, lấy thực phẩm để chế biến món ăn đầy đủ dinh dưỡng. Ảnh: L.K.

Từ sự hỗ trợ, hướng dẫn của chương trình "không còn nạn đói", người dân đã biết phát triển chăn nuôi, lấy thực phẩm để chế biến món ăn đầy đủ dinh dưỡng. Ảnh: L.K.

“Ngày được hỗ trợ gà, vịt về đây lúc đầu chúng tôi cũng rất vui. Đến khi được hướng dẫn cách chăn nuôi, phòng dịch bệnh thì bà con mới biết được chăn nuôi phải làm đúng cách mới phát triển được chứ không phải cứ thả tự do, được con nào hay con đó như người trong thôn vẫn hay làm.

Ngoài việc nuôi gà, vịt thì các cán bộ còn hướng dẫn cho chúng tôi trông thêm rau nhằm cải thiện bữa ăn. Từ trước đến giờ, người dân chúng tôi làm được cái gì ăn cái đó chứ chưa nghĩ đến việc dự trữ thức ăn rồi ăn thế nào là đúng, là đủ. Bây giờ được hướng dẫn và làm theo nên cuộc sống gia đình cũng khá hơn, nhất là vấn đề về thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày”, chị Hời chia sẻ.

Cũng giống như chị Hời, gia đình anh Đinh Văn Bốt (trú thôn Ra Manh, xã Sơn Long) được dự án hỗ trợ 25 con gà, 25 con vịt xiêm và 1 phần thức ăn chăn nuôi. Theo hướng dẫn, anh Bốt xây dựng chuồng trại, thực hiện các quy trình kỹ thuật chăn nuôi nên gà, vịt của gia đình phát triển tốt, giảm được thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Việc chăn nuôi theo hình thức này là lần đầu tiên anh Bốt thực hiện, đàn gia cầm của anh bây giờ đã lớn và đẻ trứng thường xuyên, cung cấp 1 nguồn thực phẩm đáng kể cho gia đình. Anh Bốt cho rằng, ngoài cách chăn nuôi thì điều anh thấy hữu ích nhất là từ những nguồn thực phẩm sản xuất ra chế biến, kết hợp thành những bữa ăn đủ dinh dưỡng.

“Vì từ trước đến nay chúng tôi không biết đến thế nào là dinh dưỡng nên con cái sinh ra chịu thiệt thòi, ăn uống không đủ chất và chậm phát triển hơn bạn bè. Qua các lớp hướng dẫn của dự án, chúng tôi biết được các loại thực phẩm như trứng, thịt, cá hay rau quả cung cấp chất gì, ăn như thế nào là đúng, là đủ để chăm sóc con tốt hơn. Đồng thời, chúng tôi còn biết thêm được những kinh nghiệm chăn nuôi, sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế, từ đó mới có được những bữa ăn như vậy”, anh Bốt nói.

Hầu như tất cả 36 hộ trong thôn Ra Manh được nhận gà, vịt hỗ trợ từ dự án “không còn nạn đói” ít nhiều cũng đã có những thay đổi trong cách nghĩ về phát triển kinh tế gia đình như chị Hời, anh Bốt. Dù số lượng được hỗ trợ chưa phải là nhiều những quan trọng nhất vẫn là những gì đã thể hiện được.

Với người dân nơi đây thì quan trọng nhất vẫn là thay thế rồi dần dần xóa bỏ được những cách sản xuất kém hiệu quả theo kiểu truyền thống địa phương. Điều này bắt nguồn từ nhận thức thực tế. Khi họ đã tự thực hiện, tự nhận ra được những cái mới, cái hay và những cái đó mang lại lợi ích cho mình thì sẽ tiếp tục làm và nhân rộng. Với điều này, dự án “không còn nạn đói” ở đây có thể nói là đã đạt được những thành công bước đầu.

Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho biết, đến thời điểm này, trong số 36 hộ thực hiện dự án, ngoài các hộ tăng đàn so với thời điểm được cấp thì có số hộ không tái đàn lại. Xã cũng đã họp và vận động bà con rằng đầy là nguồn thực phẩm, nguồn dinh dưỡng nhưng không đạt được nhiều kết quả.

Tuy nhiên, nhìn chung dự án này cũng đã giúp thay đổi được nhận thức của bà con đặc biệt là trong vấn đề nuôi con nhỏ. Các bà mẹ cũng biết chế biến các món ăn hàng ngày sao cho đủ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, các hộ dân ngoài mô hình nhận thấy hiệu quả của cách làm này cũng đã học tập và làm theo để tăng số lượng đàn gà, vịt của mình”, ông Vượt nói.

Cũng theo ông Vượt thì năm vừa rồi do dự án triển khai vào mùa mưa mà tại địa phương ở đây rất lạnh nên việc cấp gà, vịt ở lứa tuổi nhỏ rất khó chăm sóc, ảnh hưởng đến kết quả của dự án. Năm nay thì tại xã cũng chưa triển khai thực hiện nhưng cũng có thể cũng sẽ rơi vào mùa mưa. Xã đã kiến nghị vấn đề này, nên triển khai dự án sớm hơn nhưng không được. Theo kế hoạch, năm nay dự án sẽ tiếp tục thực hiện ở thôn Ra Manh và sẽ chọn những hộ khác ngoài các hộ đã triển khai thực hiện năm ngoái.

 

 

Bài phụ:

Quảng Ngãi hướng tập trung công tác xóa đói, giảm nghèo

Tỉnh Quảng Ngãi có 6 huyện miền núi là Minh Long, Trà Bồng, Tây Trà, Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây với rất nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Theo báo cáo thống kê kế hoạch 5 năm của Sở Lao động – Thương bình và Xã hội tỉnh này thì năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 15,19%, phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ giảm xuống còn 6,07%.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Ngãi đã thực hiện 3 chương trình, dự án để giảm nghèo bền vững là Dự án chương trình 30a, Dự án chương trình 135 và Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài chương trình 30a, dự án chương trình 135 và dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin.

Các dự án này ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã nghèo, đặc biệt khó khăn, xã vùng biên giới, bãi ngang… thì còn đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, đã dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo cho người dân, giúp người dân nâng cao thu nhập. Hiệu quả đạt được đã giúp cho hàng ngàn cán nhân, hộ gia đình có được việc làm ổn định, là tiền đề để thoát nghèo.

Trong năm 2019, Dự án “không còn nạn đói” được triển khai trên thí điểm trên địa bàn tỉnh đã mang lại những hiệu quả ban đầu. Trước thực tế này, năm 2020, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục triển khai các mô hình ở nhiều địa phương, hướng tới mục tiêu nhân rộng, góp phần vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh.

Ông Lê Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm 2020 tỉnh Quảng Ngãi sẽ thực hiện 3 mô hình gồm: mô hình của Bộ NN-PTNT, tiếp tục mở rộng đối tượng ra một số hộ nghèo, cận nghèo ở thôn Ra Manh (xã Sơn Long, huyện Sơn Tây) và 2 mô hình lấy từ nguồn ngân sách giảm nghèo của tỉnh ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Tây và xã Long Mai (huyện Minh Long).

“Hiện nay 3 mô hình này đã lập kế hoạch và đang trong giai đoạn trình duyệt dự án. Nếu dịch Covid-19 diễn biến theo chiều hướng tốt hơn thì dự kiến đến cuối tháng 8 sẽ triển khai”, ông Dương nói.

LK

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.