| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh chậm giải ngân vốn

Thứ Ba 15/11/2016 , 08:37 (GMT+7)

200 tỷ đồng được UBND tỉnh Quảng Ninh phân bổ cho công tác xây dựng NTM năm 2016, nhưng đến nay các địa phương mới giải ngân được hơn 26%.

12-19-13_img_0172
Vốn hỗ trợ phát triển SX góp phần quan trọng trong trồng trọt, nâng cao thu nhập cho nông dân
 

Nguyên nhân do chưa chuẩn bị tốt công tác đầu tư và phát triển các dự án SX, thiếu sâu sát trong hướng dẫn, chỉ đạo các xã phân bổ vốn xây dựng NTM; vướng về chính sách...
 

“Điển hình” Hoành Bồ

Hết tháng 10/2016, huyện Hoành Bồ mới giải ngân được 2,657/16,232 tỷ đồng được phân bổ từ đầu năm, đạt 16,4% kế hoạch. Trong đó, vốn hỗ trợ phát triển SX mới được 386,5/7,55 tỷ đồng, đạt 5,1% kế hoạch; vốn hỗ trợ xây dựng hạ tầng 2,27/8,682 tỷ đồng, đạt 26,2% kế hoạch.

Lý giải, lãnh đạo huyện Hoành Bồ cho rằng, việc giải ngân chậm là do các tháng mùa mưa nên việc thi công một số dự án chậm, nhất là những dự án làm đường giao thông cần phải đào đắp nền; do nhu cầu tưới tiêu phục vụ SX vụ mùa năm 2016 của người dân nên các dự án xây dựng kênh mương nội đồng chưa được triển khai, kế hoạch triển khai sau khi gặt xong lúa mùa...

Bên cạnh đó, do nguồn vốn hỗ trợ phát triển SX các xã chỉ được sử dụng để hỗ trợ thực hiện các dự án phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) và các sản phẩm chủ lực của huyện được tỉnh phê duyệt (gồm hoa và cây ba kích), các xã không được triển khai thực hiện các dự án khác. Vì vậy, các dự án đăng ký triển khai từ đầu năm nhưng không nằm trong danh mục sản phẩm chủ lực do tỉnh phê duyệt đã phải dừng lại.

“Một số dự án đã đăng ký thực hiện nhưng sau khi có quyết định phân bổ kế hoạch vốn thì không thực hiện, phải tìm chủ đầu tư khác hoặc phải điều chỉnh sang dự án khác.

Việc lập dự án của các đơn vị thực hiện rất chậm do liên quan đến nhiều thủ tục như: Lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng thuyết minh dự án, thiết kế thi công... Do vậy đến nay mới có 2 dự án đủ điều kiện thẩm định, trình phê duyệt; còn 2 dự án vẫn chưa gửi hồ sơ để phê duyệt”, ông Bùi Xuân Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho hay.

Không chỉ Hoành Bồ, mà nhiều địa phương, số giải ngân vốn xây dựng NTM tính đến hết tháng 10 vẫn rất thấp: TX Đông Triều giải ngân được 14,598 tỷ đồng, đạt 66,5% kế hoạch vốn; huyện Ba Chẽ giải ngân 7,254/17,605 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch; huyện Vân Đồn giải ngân 7,737/17,595 tỷ đồng, đạt 44% kế hoạch...

Nguyên nhân được UBND tỉnh Quảng Ninh xác định là do các địa phương chưa chuẩn bị tốt các dự án đầu tư SX nên khi cấp huyện phân bổ kinh phí hỗ trợ xây dựng NTM hầu hết các xã chỉ quan tâm giải ngân nguồn vốn hạ tầng.

Một số địa phương chưa làm tốt công tác phân cấp cho xã làm chủ đầu tư các dự án, công trình; giữ vốn hỗ trợ SX tại Phòng NN-PTNT nên mất nhiều thời gian cho việc thực hiện các dự án.

Ngoài ra, một số chính sách của tỉnh còn có vướng mắc, địa phương không có sản phẩm và vùng SX được quy hoạch thuộc 17 vùng SX tập trung được UBND tỉnh phê duyệt sẽ không được áp dụng chính sách hỗ trợ phát triển SX tập trung, chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng...
 

Tâm lý thỏa mãn

“Thời gian qua, chương trình NTM tuy đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng hiện các địa phương, sở, ngành đang xuất hiện tư tưởng thoả mãn với kết quả đã đạt được, ngại khó, lúng túng trong chỉ đạo tổ chức thực hiện. Một số tiêu chí đạt thấp hơn bình quân chung các tỉnh vùng ĐBSH”, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, nhận xét.

Vì thế, để tháo gỡ vướng mắc trong việc giải ngân nguồn vốn xây dựng NTM năm 2016, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá lại hiện trạng các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể của từng xã trên địa bàn để xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, tập trung chỉ đạo hoàn thành các tiêu chí chưa đạt.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân hiểu đầy đủ hơn về nội dung, phương pháp, cách làm và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể và mỗi người dân trong xây dựng NTM.

“Đặc biệt, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân vốn trên địa bàn. Các huyện, TX, TP tập trung đánh giá các nguồn vốn đã phân bổ, nhất là nguồn hỗ trợ phát triển SX, nếu xét thấy đơn vị nào khả năng không thể thực hiện giải ngân được cần xem xét điều chuyển cho các đơn vị làm tốt để tránh ứ đọng vốn.

 Việc phân bổ vốn hỗ trợ phát triển SX địa phương cần phải thực hiện đúng theo nguyên tắc đề xuất từ dưới lên; để các DN, HTX, hộ dân lựa chọn dự án”, ông Hậu yêu cầu.

Ngoài ra, các địa phương, nhất là cấp xã cần xác định rõ sản phẩm chủ lực, trên cơ sở đảm bảo phát huy lợi thế của địa phương, có tiềm năng về thị trường và đem lại thu nhập cao, ổn định cho người dân.

Các xã cần quan tâm đến việc xây dựng các đề án, chương trình phát triển SX trình huyện phê duyệt, để tận dụng các nguồn kinh phí hỗ trợ từ chính sách; tập trung chỉ đạo phát triển các mô hình tổ hợp tác, HTX dịch vụ phát triển nông nghiệp, chủ động kêu gọi và tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn...

Năm 2016, UBND tỉnh quyết định phân bổ 200 tỷ đồng hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong đó phân bổ 179,015 tỷ đồng cấp trực tiếp cho các địa phương; 20,985 tỷ đồng thực hiện các nhiệm vụ do tỉnh chỉ đạo.

Hết 9 tháng, khối lượng thực hiện được 115,74/200 tỷ đồng (57,87% kế hoạch); tuy nhiên giải ngân mới chỉ được 52,538/200 tỷ đồng (đạt 26,3% kế hoạch). Trong đó, vốn NTM các địa phương có khối lượng thực hiện là 107,246 tỷ đồng (60% kế hoạch); mới chỉ giải ngân được 46,323 tỷ đồng (26% kế hoạch).

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.