Lực lượng công an kiểm tra tàu cá vi phạm |
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, chưa có giai đoạn nào mà công tác quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản lại được triển khai một cách mạnh mẽ, đồng bộ như từ ra khi Chỉ thị 18 ra đời. Từ cấp tỉnh đến các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã ban hành gần 150 văn bản quy định cơ chế phối hợp, kế hoạch, cơ chế chính sách, văn bản chỉ đạo hướng dẫn, đôn đốc...
Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản rất cụ thể, chi tiết như: Cấm khai thác thủy sản trong vùng lõi Vịnh Hạ Long, một số điểm trên vịnh Bái Tử Long và các khu bảo tồn biển; bổ sung các nghề cấm; chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân làm nghề cấm; thành lập đường dây nóng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và xây dựng cơ chế khuyến khích người dân báo tin.
Công tác tuyên truyền ngày càng được đẩy mạnh để ngư dân hiểu, nắm rõ hơn các quy định của tỉnh. Tính trong 1 năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện tuyên truyền trực tiếp cho trên 60.000 ngư dân; phát 723 tin, bài trên báo, đài; in ấn và cấp phát gần 79.000 tờ rơi, 2.000 cuốn tài liệu và 200 băng đĩa hình; treo 350 pano, apich, băng zon; tổ chức đối thoại với 674 ngư dân, cho 2.947 ngư dân ký cam kết; tập huấn kiến thức cho gần 1.900 người...
Điều này không những giúp ngư dân hiểu, từng bước thay đổi nhận thức, hành vi trong khai thác thủy sản, mà còn huy động sự chung tay của cả cộng đồng để cùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững. Thời gian qua, cơ quan chức năng các cấp đã nhận được 200 tin báo từ đường dây nóng, qua đó đã kịp thời ngăn chặn nhiều hành vi vi phạm, xử lý 37 vụ cố tình vi phạm.
Song song với công tác tuyên truyền, các đơn vị chức năng của tỉnh và địa phương đã đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý các vi phạm. Riêng lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản đã tổ chức bám biển 24/24 giờ. Kết quả toàn tỉnh đã phát hiện 2.568 vụ vi phạm, trong đó xử lý 2.568 vụ, thu phạt hành chính gần 9,6 tỷ đồng. So với cùng kỳ trước khi thực hiện Chỉ thị 18, đã tăng hơn 2,9 lần về số vụ bị xử phạt và tăng hơn 4,6 lần về số tiền xử phạt nộp ngân sách nhà nước...
Đối với hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản cũng có những chuyển biến tích cực, như: Thả nhiều đợt trong năm; chủng loại giống thả đa dạng, trong đó có nhiều giống thủy sản bản địa, loài có giá trị kinh tế cao, nguồn lợi đang bị suy giảm; địa điểm thả giống, đồng thời ở cả khu vực ven biển và các thủy vực nội địa nước ngọt... Chỉ sau 1 năm, toàn tỉnh đã thả được 2,9 triệu con giống các loại về ngư trường gần bờ biển, lưu vực sông suối, cao gấp 3,8 lần so với cùng kỳ trước đó.
Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên môn đã đẩy mạnh tiến độ triển khai khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần; nghiên cứu, triển khai phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, bảo tồn, nhân giống nguồn gen thủy sản đặc hữu như sá sùng, tu hài, ngán, cá tráp vây vàng...
Theo điều tra gần đây của Sở NN-PTNT, hiện trên ngư trường Quảng Ninh đã xuất hiện trở lại một số loại thủy sản đặc hữu, quý hiếm mà trước đây ít thấy. Điều này khẳng định quyết sách đúng đắn và mạnh mẽ của tỉnh trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tuy nhiên, trên đây mới là những thành công bước đầu, hiện việc thực hiện Chỉ thị 18-CT/TU về tăng cường công tác quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn gặp một số khó khăn.
Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Khó khăn lớn nhất là toàn tỉnh hiện còn đến trên 5.500 phương tiện khai thác thủy sản gần bờ, chiếm 67% đội tàu khai thác thủy sản trên toàn tỉnh, trong đó gần 1.300 tàu có hoạt động nghề cấm. Vì lợi nhuận nhiều ngư dân vẫn cố tình sử dụng một cách tinh vi các nghề cấm, ngư lưới cụ cấm để khai thác. Bên cạnh đó, chính sách chuyển đổi nghề cho ngư dân làm nghề cấm hiện vẫn chưa được triển khai sâu rộng.
Do đó, để phát huy hiệu quả của Chỉ thị, các đơn vị, địa phương toàn tỉnh cần tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong xây dựng và triển khai các giải pháp thực thi hiệu quả, gắn với đảm bảo đời sống cho ngư dân.