| Hotline: 0983.970.780

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam:

Quốc gia lớn, nhỏ đều phải tôn trọng luật pháp quốc tế

Thứ Sáu 30/05/2014 , 23:18 (GMT+7)

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN của Mỹ.

Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế. Việt Nam rất kiên định và kiên quyết bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền của mình, bằng việc áp dụng tất cả các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển.

Đó là lời khẳng định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN của Mỹ, được  phát sóng vào tối qua (29/5) theo giờ Việt Nam.

Phóng viên Kristie Lu Stout, Kênh Truyền hình CNN, Mỹ: Việt Nam nhìn nhận như thế nào về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam căn cứ về mặt lịch sử và pháp lý. Chị cũng biết, vào năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm Hoàng Sa. Hành động này vi phạm luật pháp quốc tế và chúng tôi không thể chấp nhận điều đó.

Việt Nam sẵn sàng đi xa đến mức độ nào để bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình với vùng lãnh thổ này?

Chúng tôi tái khẳng định rằng, chúng tôi rất kiên định và kiên quyết bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy và áp dụng tất cả các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển để bảo vệ chủ quyền của mình.

Vậy Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã tiếp xúc với người đồng cấp Trung Quốc về vấn đề này và căng thăng trên biển hiện nay chưa?

Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chúng tôi đã thường xuyên liên lạc với phía Trung Quốc để yêu cầu họ đưa giàn khoan và các tàu của họ ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã liên lạc với người đồng cấp Trung Quốc, trong đó có hai cuộc điện đàm để yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu của họ ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tuần qua đã có những tin tức về việc tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam. Đây được coi là một hành động khiêu khích. Điều đó có khiến Việt Nam tức giận không?

Trước hết, tôi phải nói rằng, vào hôm 26/5, một tàu cá của Việt Nam đã bị tàu của Trung Quốc đâm chìm. Đây là một hành động leo thang căng thẳng trong khu vực và là hành động có chủ ý. Chúng tôi đã phản đối hành động này và coi đây là hành động vô nhân đạo. Chúng tôi yêu cầu những hành động vô nhân đạo như vậy phải được chấm dứt trong tương lai.

Ông gọi đây là hành động vô nhân đạo, có phải Trung Quốc đang ức hiếp Việt Nam ở trên biển?

Các bạn đã chứng kiến những gì đang xảy ra hiện nay trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đã và đang có sự leo thang căng thẳng và những hành động đe dọa đối với tàu Việt Nam cũng như đối với an ninh hàng hải và tự do đi lại ở Biển Đông. Tôi phải nói rằng tất cả các hành động đó xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển.

Trung Quốc đang trở thành một cường quốc về kinh tế và quân sự. Nhiều nước trong khu vực trong đó có Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về thương mại và duy trì hoạt động kinh tế. Vậy Việt Nam có kế hoạch như thế nào để đối phó với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và để tuyên bố chủ quyền một cách hợp pháp đối với những gì thuộc về Việt Nam?

Tôi đã nói rằng, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và vùng biển của mình. Chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện điều đó. Chúng tôi đã và đang đối thoại với phía Trung Quốc, đang trao đổi với các nước trên thế giới và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền của mình. Các quốc gia dù lớn dù nhỏ đều phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Đó chính là thế giới của chúng ta ngày hôm nay.

 

(VTV Online)

Xem thêm
Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.