| Hotline: 0983.970.780

Quốc hội xem xét chính sách tiền lương của nhà giáo

Thứ Bảy 09/11/2024 , 10:54 (GMT+7)

Chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên, trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp...

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày tờ trình dự án Luật Nhà giáo.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày tờ trình dự án Luật Nhà giáo.

Sáng nay (9/11), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Nhà giáo. Theo đó, Dự thảo gồm 9 chương, 50 điều. So với quy định hiện hành tại các Luật liên quan như Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Bộ luật Lao động, dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới về chính sách tiền lương và tuổi nghỉ hưu của nhà giáo.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, với việc ban hành Luật Nhà giáo, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức đặc biệt, được hưởng mọi quyền lợi và chính sách đối với viên chức trong hệ thống pháp luật, đồng thời có một số chính sách đặc thù để có cơ hội phát triển tốt hơn.

Nhà nước có chính sách thu hút người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo; nhà giáo đến công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Đề cập đến những điểm mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: “So với quy định hiện hành, dự thảo Luật Nhà giáo đã chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập được bình đẳng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập về định danh, chuẩn nghề nghiệp, các quyền, nghĩa vụ cơ bản và một số chính sách như đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, xử lý vi phạm”.

Bên cạnh đó, chính sách tiền lương của nhà giáo sẽ được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.

“Ngoài ra, nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW”, ông Sơn cho biết thêm.

Đối với nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo…được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác.

Đối với nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Đối với tuổi nghỉ hưu của nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Trong đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Đối với nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.

Xem thêm
Giảm số dự án đầu tư công trung hạn 2026-2030 xuống dưới 3.000

Đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại Hội nghị tổng kết ngành kế hoạch - đầu tư, nhằm giúp nền kinh tế bứt phá hơn nữa.

Ông Lại Thế Nguyên nêu vấn đề 'căn cốt' để phát triển nông nghiệp Thanh Hóa

Năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do thiên tai liên tiếp xảy ra, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa vẫn gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Cứu nạn thành công 2 người bị nước lũ cuốn trôi

Kon Tum Trong lúc qua ngầm Kô Chất, xe tải cùng tài xế và phụ xe bị nước lũ cuốn trôi. 20 người dân dùng dây thừng cứu nạn thành công tài xế và phụ xe.