Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến, tuy nhiên đa số cho rằng, việc tăng lương giáo viên phải được xếp ngang với lương của lực lượng vũ trang là thiếu tính khả thi. Bởi vì số lượng giáo viên đang rất đông (khoảng 2 triệu người), vì vậy xếp ngang bậc lương của lực lượng vũ trang thì ngân sách không thể kham nổi.
Hơn nữa, lực lượng vũ trang có tính đặc thù riêng, nhiệm vụ của họ là giữ gìn sự bình yên của Tổ quốc, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và “sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc…”. Vì vậy, không thể so sánh nhà giáo với lực lượng vũ trang để đề nghị xếp lương ngang nhau được.
Bên cạnh đó, thu nhập của nhà giáo hiện nay là không đồng đều giữa các vùng miền, giữa các môn học, giữa trường tư và trường công lập. Nhiều giáo viên dạy các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hoá…đều tổ chức dạy thêm, nếu giáo viên dạy giỏi thì học sinh theo học sẽ rất đông, thu nhập ngoài lương hàng tháng vài chục triệu là chuyện bình thường.
Trong khi đó nhiều giáo viên đang công tác tại các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa không có điều kiện dạy thêm hoặc giáo viên dạy các môn Sử, Địa lý, Giáo dục công dân thì thu nhập rất hạn chế. Do đó, giữa các giáo viên có khoảng cách về mức thu nhập, cần kéo giảm khoảng cách chênh lệch đó để đảm bảo quyền lợi giữa các giáo viên với nhau, tuyệt đối không nên tăng lương theo kiểu cào bằng.
Để tăng lương giáo viên, trước hết phải tinh giản biên chế, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên trong hệ thống giáo dục, kéo giảm khoảng các thu nhập giữa các giáo viên với nhau; thường xuyên đánh giá chất lượng của đội ngũ giáo viên để trả lương xứng đáng. Ngoài mức lương hiện hưởng của giáo viên, cần phải có chính sách khác để hỗ trợ, phụ cấp đối với các giáo viên đang công tác ở vùng xa, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn hoặc các giáo viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn…