| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 19/12/2017 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 19/12/2017

Quốc lộ 5 - BOT mà không phải BOT & sự lạm dụng quyền lực?

Về việc các tài xế lái xe qua Quốc lộ 5 phản ứng bằng cách trả tiền lẻ - những đại diện của Bộ GT-VT lý giải: “BOT nhưng không hoàn toàn là BOT” vì do ở đây có “chính sách đặc thù” (!).

“Phái” ủng hộ thu phí qua Quốc lộ 5 bằng 2 trạm, lý giải như sau: Ngày 8/9, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Công khẳng định, do cao tốc có tổng mức đầu tư lớn (khoảng 2 tỷ USD), Thủ tướng nhiệm kỳ trước, đã có quyết định về một số cơ chế chính sách đặc thù vào năm 2009, trong đó có việc giao cho TCty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi) lập trạm thu phí trên QL5, là để bù đắp kinh phí làm đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chứ không phải để hoàn vốn làm QL5.

16-38-37_thu_truong_bo_gtvt_nguyen_ngoc_dong
Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông

Chiều 12/12, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông lặp lại: “Nhà nước dùng quyền thu phí trên QL5 để góp vốn với chủ đầu tư làm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thay vì nhà nước trả một phần tiền mặt cho chủ đầu tư. Vì dù quyết định trao quyền thu phí QL5 cho chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được cấp Thủ tướng ký từ năm 2007, nhưng tới năm 2016, chủ đầu tư mới được thu phí chính thức bằng 2 trạm thu. Còn trước đó, việc thu phí trên QL5 là để nộp ngân sách nhà nước".

Tóm lại, các đại diện của Bộ GT-VT cho rằng, BOT Quốc lộ 5 thực ra không phải là BOT (!?). Và tương tự như ở BOT Cai Lậy, các vị này đều khẳng định: “Nếu tiếp tục giảm phí QL5, sẽ phá vỡ phương án tài chính hợp đồng BOT cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dự án có nguy cơ đổ bể".

Ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT Vidifi - Chủ đầu tư BOT cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đơn vị đang thu phí QL5 cho biết, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng không phải là hình thức đầu tư BOT mà là hình thức đối tác công - tư (PPP), trong đó Nhà nước cam kết hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách 23%, thu từ các dự án phát triển 16% trong tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do không có tiền mặt góp vốn cho doanh nghiệp nên đối ứng bằng quyền thu phí QL5 để bù vào phần góp vốn này và thu hồi vốn cho dự án.

"Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" - đã được trang trọng ghi nhận tại Ðiều 2 Hiến pháp. Ðể kiểm soát được quyền lực, nhà nước có việc kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài, bằng sự kiểm soát của nhân dân, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ GT-VT là cơ quan nhà nước, đã tước bỏ “quyền được biết thông tin về dự án” và “quyền lựa chọn” của dân chúng, tạo nên sự vô lý vì việc lập 2 trạm thu phí trên QL5 để hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, và là một nghịch lý cho chuyện: “Không hề đi trên đường cao tốc, nhưng vẫn phải trả phí cao tốc”.

Đây phải chăng là sự lạm dụng quyền lực nhà nước?!