Chiều 28/7, tọa đàm "25 năm Việt Nam tham gia ASEAN: Nhìn lại và đi tới" được tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và nhiều nguyên lãnh đạo ngành ngoại giao như các ông Vũ Khoan, Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Dy Niên, Phạm Gia Khiêm...
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để các thế hệ ngoại giao cùng nhìn nhận lại quá trình 25 năm tham gia ASEAN của Việt Nam, đánh giá lại những điểm tốt và cần đổi mới trong thời gian tới.
"Cộng đồng quốc tế và ASEAN ngày càng có niềm tin vào Việt Nam. Niềm tin đó được xây dựng trong 25 năm chúng ta tham gia và những đóng góp xây dựng cộng đồng ASEAN của Việt Nam", Phó thủ tướng chia sẻ.
Cũng trong chiều 28/7, Bộ Ngoại giao và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã giới thiệu về cuốn sách "25 năm Việt Nam tham gia ASEAN qua góc nhìn người trong cuộc" của nhiều tác giả, những người trực tiếp đóng góp vào quá trình gia nhập và hoạt động của Việt Nam trong ASEAN 1/4 thế kỷ vừa qua.
Ngày 28/7/2020 đánh dấu 1/4 thế kỷ Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đặc biệt năm nay, lễ kỷ niệm sự kiện đáng nhớ này trùng với thời điểm Việt Nam đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch luân phiên lần thứ hai của Hiệp hội.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có bài viết đề cập đến vấn đề gắn kết và thích ứng của Cộng đồng ASEAN.
Theo ông, việc Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 là một trong những mốc quan trọng nhất trong lịch sử đối ngoại của Việt Nam kể từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng như trong quá trình phát triển của ASEAN. Sự kiện lịch sử này có ý nghĩa quan trọng, đưa khu vực Đông Nam Á từ đối đầu sang đối thoại, từ nghi kỵ sang tin cậy, từ chia rẽ sang đoàn kết.
Khi Việt Nam gia nhập ASEAN, khu vực mới bước ra khỏi Chiến tranh Lạnh, vị thế, vai trò và quy mô kinh tế của ASEAN vẫn còn khiêm tốn. Song 25 năm qua đã chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ của Hiệp hội. Để đến nay, cả 10 nước Đông Nam Á trở thành một Cộng đồng thống nhất với uy tín ngày càng cao ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.
Năm 2019, ASEAN đã là mái nhà chung của khoảng 650 triệu người dân, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt hơn 3.200 tỉ USD và kim ngạch thương mại đạt 2.800 tỉ USD.
Phó Thủ tướng đánh giá, Cộng đồng ASEAN hình thành ngày 31/12/2015, đã đưa ASEAN trở thành một Cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và sẻ chia trách nhiệm xã hội. ASEAN ngày nay được coi là hình mẫu thành công về hợp tác khu vực. Các diễn đàn do ASEAN khởi xướng đã quy tụ được nhiều quốc gia, được tất cả các nước lớn coi trọng.
Trên thực tế, vai trò trung tâm của ASEAN đã được khẳng định thông qua việc ASEAN thúc đẩy sự ra đời và dẫn dắt Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mở rộng (ADMM Plus), đóng góp ngày càng quan trọng vào việc giải quyết những vấn đề chung của khu vực.
Tiêu biểu là việc ASEAN đã bày tỏ lập trường kiên định trong việc duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông và khu vực, như Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) đang được kỳ vọng sớm hoàn tất, cùng nhiều tiến triển quan trọng khác.