| Hotline: 0983.970.780

Quốc tế xây dựng lộ trình phát triển nông nghiệp qua hợp tác Nam - Nam

Thứ Ba 12/12/2023 , 15:23 (GMT+7)

Hậu Giang Trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, chuyên gia nông nghiệp từ khắp nơi trên thế giới gặp mặt, trao đổi về chuyển đổi hệ thống hệ thống nông nghiệp châu Phi.

Hội thảo 'Đối thoại chính sách Việt Nam - Châu Phi: Hợp tác Nam - Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực' chiều 12/12 tại Hậu Giang.

Hội thảo “Đối thoại chính sách Việt Nam - Châu Phi: Hợp tác Nam - Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực” chiều 12/12 tại Hậu Giang.

Chiều 12/12, Bộ NN-PTNT, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) đồng tổ chức Hội thảo “Đối thoại chính sách Việt Nam - Châu Phi: Hợp tác Nam - Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực”. Hướng tới đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, Hội thảo thúc đẩy quy mô, phương thức, hiệu quả hợp tác kỹ thuật giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản.

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với những thách thức phức tạp, ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, đòi hỏi những đối thoại cởi mở. Hợp tác Nam - Nam là sự trao đổi và chia sẻ các giải pháp phát triển, chính sách, công nghệ giữa các quốc gia và tổ chức ở phía Nam bán cầu. Từ Hội nghị lần thứ nhất về hợp tác Nam Nam (tại Buenos Aires, 1996), mô hình này giúp kết nối Chính phủ các nước đang phát triển với đối tác tài chính toàn cầu.

Ngành nông nghiệp toàn cầu phải đối mặt với vô số thách thức, bên cạnh vấn đề biến đổi khí hậu khắc nghiệt. Đối với châu Phi, sản lượng lúa thấp, hạn chế tiếp cận công nghệ tiên tiến, quản lý sau thu hoạch gặp khó khăn, ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Trong khi đó, các vùng trồng lúa châu Á phải giải quyết vấn đề sản lượng lúa gạo tăng chậm do suy thoái đất và tài nguyên nước.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Việt Nam luôn sẵn sàng và cam kết mở rộng hợp tác Nam - Nam'.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Việt Nam luôn sẵn sàng và cam kết mở rộng hợp tác Nam - Nam".

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ: “Việt Nam đã và đang hướng đến là nhà sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững, một nền nông nghiệp xanh, ít phát thải với mục tiêu hướng đến mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Với những kinh nghiệm của mình cùng với sự giúp đỡ của các nhà tài trợ quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng và cam kết mở rộng hợp tác Nam - Nam để hỗ trợ các quốc gia châu Phi bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và thịnh vượng”.

Nhận thấy nhu cầu cấp thiết để chuyển đổi hệ thống lương thực ở châu Phi, Hội thảo hỗ trợ xây dựng lộ trình phát triển nông nghiệp thông qua hợp tác Nam - Nam và 3 bên. Với tình hữu nghị hơn 50 năm và quá trình học hỏi tích cực, hội thảo Đối thoại chính sách Việt Nam - Châu Phi sẽ thu hẹp khoảng cách về địa lý, kiến thức, cũng như khác biệt về truyền thống canh tác giữa hai khu vực.

Nhà khoa học cấp cao châu Phi đến thăm và làm việc tại vùng ĐBSCL nhân dịp Festival quốc tế Ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.

Nhà khoa học cấp cao châu Phi đến thăm và làm việc tại vùng ĐBSCL nhân dịp Festival quốc tế Ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.

Việt Nam đã hỗ trợ 12 nước châu Phi với nhiều ví dụ thành công ở Guinea, Namibia, Mozambique, Senegal, Benin, Madagascar, Mali, Congo… Sản lượng nông sản của các quốc gia này đã tăng đáng kể nhờ trao đổi kinh nghiệm, công nghệ với Việt Nam, nhận hỗ trợ kỹ thuật từ hơn 2.000 chuyên gia, kỹ thuật viên nước ta. Cụ thể, các dự án nông nghiệp Việt Nam tham gia đã tăng năng suất cây trồng từ 2 - 4 lần, góp phần nâng cao đời sống của người châu Phi, giải quyết vấn đề an ninh lương thực trong khu vực.

Giám đốc IRRI khu vực châu Á Jongsoo Shin khẳng định: “Hợp tác Nam - Nam có tiềm năng cách mạng hóa sản xuất lúa gạo ở châu Á và châu Phi. Từ góc nhìn tổ chức nghiên cứu khoa học quốc tế, chúng tôi kêu gọi các quốc gia trao đổi kiến thức, nguồn lực, cách thực hành nông nghiệp tân tiến nhất. Nỗ lực hợp tác sẽ cải thiện an ninh lương thực toàn cầu, xây dựng tương lai bền vững hơn cho hàng triệu người nông dân trồng lúa”.

Hội thảo Đối thoại chính sách Việt Nam - Châu Phi không chỉ củng cố hình ảnh thân thiện, chuyên nghiệp của ngành nông nghiệp nước ta. Việt Nam mong muốn đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và phát triển nông nghiệp nông thôn trong khu vực. 

Các chuyên gia châu Phi mong rằng công nghệ, kỹ thuật Việt Nam đang áp dụng sẽ sớm được chuyển giao về quê nhà.

Các chuyên gia châu Phi mong rằng công nghệ, kỹ thuật Việt Nam đang áp dụng sẽ sớm được chuyển giao về quê nhà.

"Chúng tôi hy vọng sẽ tăng cường quan hệ chính trị, đảm bảo an toàn môi trường đầu tư và phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài. Thông qua mô hình hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT khuyến khích các doanh nghiệp thúc đẩy thương mại song phương với các nước châu Phi”, ông Phạm Ngọc Mậu, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết.

Bên cạnh các bài tham luận tại Hội thảo, phiên tọa đàm về hợp tác Nam - Nam mang đến góc nhìn đa chiều về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm. Các chuyên gia cấp cao từ Việt Nam, Sierra Leone, Liên minh tư vấn nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế - CGIAR, Tổ chức Grow Asia, Viện Trung Đông - Châu Phi, cùng đại diện Tập đoàn Lộc Trời đã đàm thảo về kinh nghiệm, mô hình nông nghiệp thông minh.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mưu sinh lúc mưa dông, một ngư dân bị sét đánh tử vong

QUẢNG NINH Hoàn cảnh gia đình nạn nhân khá khó khăn, đang nuôi 4 con nhỏ ăn học. Nguồn thu chủ yếu của hai vợ chồng từ nghề đánh lồng.