| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác Nam-Nam và Ba bên

Đồng hành cùng bạn bè quốc tế để tăng cường hệ thống lương thực, thực phẩm

Thứ Hai 11/12/2023 , 15:10 (GMT+7)

Đối thoại chính sách, trao đổi chuyên môn sẽ thu hẹp khoảng cách về địa lý, kiến thức, cũng như truyền thống canh tác giữa Việt Nam và khu vực khác.

SSTC tạo điều kiện cho các nước đang phát triển học tập lẫn nhau.

SSTC tạo điều kiện cho các nước đang phát triển học tập lẫn nhau.

Khái niệm hợp tác Nam - Nam và Ba bên 

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với những thách thức phức tạp ngày càng phụ thuộc lẫn nhau và điều đó đòi hỏi phải nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy đối thoại chân thành và xây dựng vì mục tiêu phát triển. Trong bối cảnh đó, hợp tác Nam - Nam và Ba bên (South - South and Triangular Cooperation – SSTC) giúp thúc đẩy liên kết giữa các nước có trình độ phát triển khác nhau, cũng như tìm kiếm những lĩnh vực hợp tác mới. 

Hợp tác Nam - Nam bao gồm các hình thức hợp tác song phương giữa các quốc gia đang phát triển hoặc trong khuôn khổ hợp tác khu vực, toàn cầu vì mục tiêu hợp tác phát triển. Đồng thời, hợp tác Nam - Nam không chỉ đơn thuần là hợp tác phát triển hoặc hỗ trợ kỹ thuật, mà còn bao gồm cả sự kết hợp và hỗ trợ mở rộng thương mại và đầu tư.

Hợp tác Ba bên là hình thức hợp tác giữa các nước đang phát triển với sự tham gia, hỗ trợ của các nước phát triển hoặc các tổ chức quốc tế về tài chính, hỗ trợ kỹ thuật để hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện các mục tiêu hợp tác phát triển phù hợp với ưu tiên, chiến lược hợp tác quốc gia và của các bên tham gia hợp tác. Do vậy, Hợp tác Ba bên có thể được coi là mô hình mở rộng của Hợp tác Nam - Nam với sự trợ giúp của một đối tác phát triển (bên thứ ba). Sự trợ giúp của bên thứ ba có thể dưới hình thức hỗ trợ tài chính, kỹ thuật hoặc hành chính, quản trị.

Nhìn chung, SSTC tạo điều kiện cho các nước đang phát triển học tập lẫn nhau, phát triển nhanh hơn và thu hẹp khoảng cách thu nhập, cũng như xây dựng những xã hội toàn diện hơn. Đây là minh chứng cho giá trị của các phương thức hợp tác khác nhau dựa trên sự trao đổi kinh nghiệm và công nghệ.

Tình hình hợp tác Nam - Nam và Ba bên ở Việt Nam

Việt Nam đang được coi là hình mẫu về phát triển nông nghiệp với chi phí thấp, hiệu quả cao. Nông nghiệp là lĩnh vực có triển vọng nhất trong SSTC của Việt Nam, với lợi thế này, Việt Nam có thể duy trì và mở rộng hợp tác với các đối tác truyền thống tại châu Phi, châu Mỹ Latin và châu Á.

Chuyên gia nông nghiệp Việt Nam tới thăm Sierra Leone tháng 2/2023. Ảnh: FAO.

Chuyên gia nông nghiệp Việt Nam tới thăm Sierra Leone tháng 2/2023. Ảnh: FAO.

Hiện nay, tổ chức FAO, các nước châu Âu, Nhật Bản…  đang coi Việt Nam là bên cung cấp kỹ thuật nông nghiệp tốt nhất cho các nước nghèo trong các dự án ba bên để cung cấp tài chính.

Trong khi đó, phát triển nông nghiệp luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng của các Chính phủ, Đảng cầm quyền các nước nghèo, đặc biệt là các nước châu Phi. Sự hiện diện của hợp tác nông nghiệp với Việt Nam có thể đảm bảo cho sự ủng hộ của cử tri bên cạnh tác dụng đảm bảo an ninh lương thực. Do đó, hợp tác nông nghiệp với Việt Nam luôn là yếu tố thuận lợi cho các ngành khác như viễn thông, dầu khí, xây dựng, khai khoáng… thâm nhập vào thị trường của Bạn. Tuy nhiên, do tính tự phát, chưa được quản lý nên đối tác hợp tác của Việt Nam đôi lúc chưa đúng chuyên môn, chưa đủ năng lực, các kỹ thuật mang tính bí quyết của Việt Nam khi cung cấp cho bạn chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ.

Theo thỏa thuận ba bên đã ký, trách nhiệm của phía Việt Nam là hỗ trợ chuyên gia, kỹ thuật viên để chuyển giao công nghệ và hướng dẫn nông dân các nước sở tại về kỹ thuật sản xuất nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập. Trong khi đó, các nhà tài trợ gồm một nước phát triển hoặc một tổ chức quốc tế (Pháp, FAO, JICA, Nam Phi, Nhật Bản…) giữ vai trò hỗ trợ vốn viện trợ để thực hiện dự án. Các hoạt động chủ yếu là giúp nông dân nắm vững kỹ thuật trong việc thâm canh lúa, làm thủy lợi vùng tưới, trồng rau, hoa màu, chăn nuôi nhỏ, chăn nuôi cá, nuôi ong, đánh giá thủ công, chế biến sản phẩm nông nghiệp…

Việt Nam và vai trò đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu

Điểm qua về những hoạt động hợp tác ba bên đáng chú ý giữa Việt Nam và các nước phải kể đến, hợp tác giữa Việt Nam, Nam Phi và Guine giai đoạn 2008 - 2015 với dự án “Cải tiến sản xuất gạo và rau quả tại Guine (trong đó Nam Phi hỗ trợ 45 triệu ZAR (tương đương 6 triệu USD). Dự án đã đạt được những kết quả tích cực: sản xuất lúa gạo đạt năng suất 2,5-5,2 tấn/ha với giống gạo địa phương và 4-5,6 tấn/ha với giống gạo Việt Nam (cao hơn so với mức trung bình trước đây là 1,5-3,5 tấn/ha); dự án đã tạo ra 5.000 tấn gạo và 4.000 tấn rau với tổng giá trị 4,2 triệu USD; cải thiện an ninh lương thực, tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho 6.826 người dân.

Trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 diễn ra Hội thảo đối thoại chính sách giữa Việt Nam và châu Phi. Đây là sự kiện quy mô lớn với 400 đại biểu trong và ngoài nước, tăng cường cơ hội hợp tác Nam - Nam nhằm chuyển đổi hệ thống lương thực.

Gần đây, Việt Nam đã được mời tham gia sáng kiến “An ninh lương thực Ả-rập” của Tổng thống Sudan trong hợp tác thủy hải sản, trong đó Việt Nam và Sudan có thể hợp tác với sự giúp đỡ của một quốc gia Ả-Rập giữ vai trò đối tác trung gian.

Hợp tác giữa Việt Nam và Tanzania trong sản xuất phân bón hóa học, chế biến chè đen và hạt có dầu, xây dựng chuỗi thực phẩm sạch, sản xuất hạt giống và kinh doanh nông nghiệp.

Hợp tác ba bên giữa Việt Nam và Tchad với sự hỗ trợ của FAO giai đoạn 2011- 2012. Trong 2 năm thực hiện, 4 chuyên gia và 6 kỹ sư của Việt Nam đã chuyển giao thành công công nghệ sản xuất nông nghiệp cho cán bộ và nông dân Tchad trong sản xuất và chế biến lúa gạo, chăn nuôi gia cầm, nuôi trồng thủy sản, nuôi ong và sản xuất sữa. Tchad cử các chuyên gia sang Việt Nam để học hỏi kiến thức và kinh nghiệm của Việt Nam.

Trong mối quan hệ ba bên, Việt Nam - Namibia - FAO (2010), Việt Nam cũng đã cử chuyên gia sang hỗ trợ Namibia nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.

Thông qua hợp tác ba bên, Mozambique cử cán bộ, sinh viên sang học tập tại Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. Việt Nam cử chuyên gia tới Mozambique để hỗ trợ nông dân trong việc xây dựng mô hình sản xuất lúa và trồng thử nghiệm các giống lúa phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Mozambique. Việt Nam cũng hỗ trợ Mozambique trong việc thực hiện cuộc cách mạng xanh và hỗ trợ nước này có thể tự cung tự cấp lương thực và đấu tranh chống đói nghèo và lạc hậu.

Hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên đang giúp nông dân Uganda nâng cao năng suất lúa. Ảnh: FAO.

Hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên đang giúp nông dân Uganda nâng cao năng suất lúa. Ảnh: FAO.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cử chuyên gia và hỗ trợ Cuba trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực; hợp tác triển khai 4 dự án công nghệ sinh học là vắc xin lở mồm long móng (FMD), công nghệ sản xuất thức ăn gia súc và kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch tại Argentina; hỗ trợ Lào tăng cường năng lực công tác khuyến nông, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ sản xuất lúa, rau, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, quy hoạch phân vùng nông nghiệp, nâng cấp một số hệ thống thủy lợi, đào tạo cán bộ kỹ thuật về nông lâm nghiệp, thủy sản…

Gần đây nhất, trong khuôn khổ chương trình Hợp tác Nam - Nam và Ba bên, Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ với Sierra Leone và FAO nhằm tăng cường chuỗi giá trị lúa gạo. Đây là chương trình hợp tác quốc tế nhằm nâng cao nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.

Theo FAO đánh giá, SSTC đang đóng một vai trò lớn hơn bao giờ hết trong bối cảnh hợp tác phát triển. Sự đổi mới ở miền Nam bán cầu đang tạo ra các công cụ và quan hệ đối tác mới để giải quyết các vấn đề mất an ninh lương thực, giảm nghèo và nông nghiệp bền vững.

Phía Việt Nam cung cấp các giải pháp phát triển trên phạm vi rộng gồm kiến ​​thức, kinh nghiệm và thực tiễn tốt, chính sách đổi mới, công nghệ và nguồn lực. Những chia sẻ này đã được chứng minh là hiệu quả về mặt chi phí và đem lại tiềm năng to lớn để chia sẻ, điều chỉnh và áp dụng tại các nước nghèo. FAO dẫn chứng, thông qua hợp tác ba bên, chuyên môn được chia sẻ từ Việt Nam và nguồn tài trợ từ Tây Ban Nha đã cải thiện tỷ lệ sống của cá da trơn và cá rô phi ở Namibia, tạo ra sự thúc đẩy đáng kể cho ngành nuôi trồng thủy sản tại quốc gia này.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cầm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…