| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác Nam - Nam và Ba bên

Kỳ vọng trao đổi khoa học nông nghiệp giữa Việt Nam - châu Phi

Thứ Tư 06/12/2023 , 10:54 (GMT+7)

Ngành khoa học nông nghiệp châu Phi thể hiện mong muốn được trao đổi kinh nghiệm, kiến thức với Việt Nam, qua đó chuyển đổi hệ thống lương thực toàn vùng.

Phiên tọa đàm với chủ đề 'Thúc đẩy chuyển đổi ngành lúa gạo ở châu Phi: Vai trò tiềm năng của quan hệ đối tác châu Phi - châu Á'. Ảnh: Quỳnh Chi.

Phiên tọa đàm với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi ngành lúa gạo ở châu Phi: Vai trò tiềm năng của quan hệ đối tác châu Phi - châu Á". Ảnh: Quỳnh Chi.

Trong 1.500 đại biểu tham dự Đại hội Lúa gạo quốc tế (IRC 2023), phần lớn đại biểu đến từ châu Á và châu Phi. Được biết, so với các kỳ Đại hội trước, số lượng đại biểu châu Phi tham dự IRC 2023 nhiều lên đáng kể.

Một trong những chủ đề được thảo luận sôi nổi tại Đại hội là phương thức, hỗ trợ nhằm thúc đẩy sản xuất lúa gạo ở châu Phi. 60% diện tích canh tác đất nông nghiệp của thế giới nằm ở lục địa này, tuy nhiên chưa được khai thác hiệu quả.

Với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, nhiều quốc gia ngừng xuất khẩu gạo, diện tích đất trồng trọt hiện có ở châu Phi chính là tài nguyên quan trọng để đảm bảo lương thực cho toàn thế giới.

Góc nhìn từ châu Phi

Năm 2022, Tổng thống Cộng hòa Sierra Leone đã đi thăm vùng ĐBSCL và mong muốn học hỏi mô hình hỗ trợ nông hộ nhỏ được áp dụng ở đây. Lãnh đạo các nước Mozambique, Togo, Senegal, Uganda, khi đến thăm Việt Nam, đều có nhu cầu trao đổi khoa học công nghệ.

Các nghiên cứu kinh tế chỉ ra, nhu cầu tiêu thụ gạo ở châu Phi tăng gấp 4 lần từ 10 Mt (1990) lên 40 Mt (2018) do dân số tăng nhanh, nhu cầu dinh dưỡng thay đổi. Tuy vậy, sản lượng gạo châu Phi vẫn thấp so với nhu cầu; lượng gạo nhập khẩu chiếm 30% gạo tiêu thụ trong khu vực. Nền sản xuất còn nhiều khó khăn, như thiếu chuỗi cung ứng, không có giống năng suất cao, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, kinh tế xã hội phức tạp…

IRC 2023 đón tiếp nhiều vị đại biểu châu Phi hơn các kỳ Đại hội trước. Ảnh: Quỳnh Chi.

IRC 2023 đón tiếp nhiều vị đại biểu châu Phi hơn các kỳ Đại hội trước. Ảnh: Quỳnh Chi.

Đối với khoa học lúa gạo châu Phi, sự chuyển đổi của Việt Nam từ quốc gia nhập khẩu gạo thành tự chủ, xuất khẩu gạo chủ lực của thế giới là một điều đáng ngưỡng mộ. Điều quan trọng đối với người châu Phi là tìm hiểu con đường, quá trình chuyển đổi, rút kinh nghiệm và cải thiện những điều Việt Nam còn thiếu.

Các chuyên gia châu Phi nhận định, thay đổi chính sách góp phần quyết định bước tăng trưởng “ngoạn mục” của ngành lúa gạo Việt Nam. Họ nhận định, một khi Chính phủ Việt Nam quyết tâm đổi mới, bộ máy quản lý sẽ hỗ trợ nông dân ở mức cao nhất, từ gieo trồng, canh tác đến tiếp thị… Nỗ lực này đã góp phần nâng cao toàn chuỗi giá trị, tạo thương hiệu gạo Việt Nam uy tín trên thị trường thế giới.

Tiến sĩ Abdelbagi Ismail, Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế - khu vực châu Phi (IRRI-Africa) chia sẻ: “Tôi bắt đầu làm việc tại IRRI 23 năm trước và đã theo dõi sát sao quá trình Việt Nam chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo. Theo kinh nghiệm của tôi, không có gì hiệu quả hơn trao đổi cởi mở. Chính vì thế, chúng tôi coi sự hợp tác Nam - Nam là một quá trình học hỏi tích cực”.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng về trao đổi, tư vấn chính sách: “Khi hai Bộ trưởng đàm phán, họ sẽ tiếp thu rất nhiều ý tưởng để quay lại, triển khai tại quốc gia. Trong khi đó, nếu hai nhà khoa học trao đổi sẽ mất một thời gian dài. Vì vậy, rất mong những đối thoại cấp cao sẽ diễn ra thường xuyên hơn”.

Giám đốc IRRI khu vực châu Phi: Mối quan hệ hợp tác Nam - Nam là một quá trình học hỏi tích cực. Ảnh: Quỳnh Chi.

Giám đốc IRRI khu vực châu Phi: Mối quan hệ hợp tác Nam - Nam là một quá trình học hỏi tích cực. Ảnh: Quỳnh Chi.

Bên cạnh đó, Giám đốc IRRI khu vực châu Phi mong Việt Nam hỗ trợ đào tạo nhân lực nông nghiệp châu Phi, qua đó phát triển đội ngũ tiến sĩ, thạc sĩ, khuyến nông, kỹ thuật viên dày dặn, nhiều kinh nghiệm.

Ông cho biết, nếu Việt Nam có chương trình trao đổi đào tạo, IRRI châu Phi có thể hỗ trợ tuyển sinh và đưa sinh viên tới học tại các viện, trường nước ta, đồng thời cùng hướng dẫn sinh viên trong suốt quá trình học tập. Đây sẽ là cơ hội để châu Phi nâng cao năng lực toàn ngành.

Chính sách, giải pháp nâng giá trị lúa gạo

Tại IRC 2023, phiên thảo luận cấp cao với chủ đề “Xu hướng, chính sách, cơ hội cho ngành lúa gạo toàn cầu” có sự tham gia của lãnh đạo Việt Nam, Campuchia, Tanzania. Ba quốc gia này hiện có thế mạnh trong sản xuất và xuất khẩu gạo, đều đặt mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh, giá trị hạt gạo trên thị trường quốc tế.

Đại diện Tanzania, ông Geoffrey Mkamilo (Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Tanzania) cho biết, quốc gia này hiện đứng thứ hai sau Madagascar về sản xuất lúa gạo ở Nam Phi. Nhằm mở rộng diện tích đất trồng lúa, Tanzania đang triển khai chiến lược phát triển lúa gạo quốc gia, tập trung định hướng thị trường và đa dạng hóa giống cây trồng.

Bên cạnh mở rộng xuất khẩu gạo trong khu vực ngành nông nghiệp nước này cũng đang xây dựng hệ thống thủy lợi. Như các quốc gia châu Phi khác, Tanzania vốn phụ thuộc vào nước trời. Nhận thấy hiệu quả của thủy lợi trong phục vụ sản xuất nông nghiệp, Tanzania đang tích cực khuyến khích nông dân áp dụng kỹ thuật tưới tiêu.`

Đối với Campuchia, để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước xuất khẩu gạo lớn, quốc gia này hướng tới mạng lưới hợp tác xã - nhà máy xay xát - doanh nghiệp xuất khẩu bền vững. Ngoài ra, tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; sàng lọc, khai thác giống lúa mới, tập trung vào các giống ngắn ngày, chất lượng, thơm thay cho các giống truyền thống.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam Bùi Bá Bổng mong ngành lúa gạo tiếp tục phát triển dựa trên những thành tựu đã đạt được. Ảnh: Quỳnh Chi.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam Bùi Bá Bổng mong ngành lúa gạo tiếp tục phát triển dựa trên những thành tựu đã đạt được. Ảnh: Quỳnh Chi.

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, chính sách Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng nói: “Việt Nam từng là nước có nền nông nghiệp lạc hậu, đứng sau các “ông lớn” Ấn Độ, Thái Lan. Ngày nay, chúng tôi tự hào về những thành tựu của ngành lúa gạo. Chúng tôi đã giảm 30% hóa chất, 30% phân bón, 30% chi phí đầu vào, đưa đến lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Không chỉ thế, thử nghiệm trên 200.000 ha lúa đã thành công giảm 10% phát thải khí metan, và Bộ NN-PTNT đang đặt mục tiêu 1 triệu ha lúa phát thải thấp”.

Chuyên gia nông nghiệp cấp cao của 3 nước đều cảm ơn các hỗ trợ tài chính, khoa học, chính sách từ khối tư nhân, tổ chức quốc tế. Họ đánh giá cao và mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác công - tư trong chuỗi giá trị gạo. Mục tiêu cuối cùng của chuỗi giá trị gạo là đảm bảo lương thực cho người tiêu dùng, đảm bảo sinh kế cho nông dân.

Tại IRC 2023, vai trò của ngành lúa gạo Việt Nam được khẳng định trên bình diện chung về nghiên cứu khoa học nông nghiệp, trọng tâm là lúa gạo. Hiện tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ và Việt Nam chiếm khoảng 55% tổng lượng gạo cung - cầu trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, các thành tựu nghiên cứu trong lĩnh vực lúa gạo của Việt Nam được công nhận, rất nhiều đại biểu được mời thuyết trình tại Đại hội.

Với vai trò trụ cột, Việt Nam sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm, nhân lực, xây dựng các ý tưởng nghiên cứu nhằm phát triển ngành lúa gạo tại châu Phi.

 

Ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam bày tỏ: “Tiềm năng hợp tác nông nghiệp giữa châu Phi và châu Á, đặc biệt giữa châu Phi và Việt Nam về khuyến nông, nghiên cứu khoa học, đầu tư thủy lợi, canh tác bền vững… đều khả thi. Hằng năm, thông qua hoạt động của Viện, nhiều chuyên gia Việt Nam đã sang tham gia nghiên cứu, hỗ trợ đào tạo ở châu Phi”.

Ông Đào Thế Anh tin rằng sẽ có nhiều nhà tài trợ quốc tế sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này. Ông nhấn mạnh, 60% đất canh tác nông nghiệp thế giới nằm ở lục địa này, là tiềm năng giúp châu Phi trở thành lục địa sản xuất lương thực chính trong tương lai.

Châu Phi và châu Á chia sẻ nhiều giá trị kinh tế, lịch sử, xã hội. Một điều quan trọng là cả hai khu vực đều đề cao nét đẹp nông thôn, sống gần gũi với thiên nhiên và coi nông nghiệp là dòng chảy cuộc sống.

Để cùng chung sống và vượt qua các thách thức hiện thời, các quốc gia cần phát triển nông nghiệp đồng đều, qua đó đảm bảo nguồn cung lương thực toàn cầu. Do đó, hợp tác Nam - Nam cần được cụ thể hóa thông qua những hoạt động tích cực, hướng tới lợi ích song phương.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.