Trong 1.500 đại biểu tham dự Đại hội Lúa gạo quốc tế (IRC 2023), phần lớn là các đại biểu đến từ châu Á và châu Phi. Được biết, so với các kỳ Đại hội trước, số lượng đại biểu châu Phi tham dự IRC 2023 nhiều lên đáng kể.
Một trong những chủ đề được thảo luận sôi nổi tại IRC 2023 là phương thức, hỗ trợ nhằm thúc đẩy sản xuất lúa gạo ở châu Phi. 60% diện tích canh tác đất nông nghiệp của thế giới nằm ở lục địa này, tuy nhiên chưa được khai thác hiệu quả.
Với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, nhiều quốc gia ngừng xuất khẩu gạo, diện tích đất trồng trọt hiện có ở châu Phi chính là tài nguyên quan trọng để đảm bảo lương thực cho toàn thế giới.
Từ góc nhìn châu Phi
Năm 2022, Tổng thống Cộng hòa Sierra Leone đã đi thăm vùng ĐBSCL và mong muốn học hỏi mô hình hỗ trợ nông hộ nhỏ được áp dụng ở đây. Các nước Mozambique, Togo, Senegal, Uganda có nhu cầu trao đổi khoa học công nghệ.
Đối với khoa học lúa gạo châu Phi, sự chuyển đổi của Việt Nam từ quốc gia nhập khẩu gạo thành tự chủ, xuất khẩu gạo chủ lực của thế giới là một điều đáng ngưỡng mộ. Điều quan trọng đối với người châu Phi là tìm hiểu con đường, quá trình chuyển đổi, rút kinh nghiệm và cải thiện những điều Việt Nam còn thiếu.
Các chuyên gia châu Phi nhận định, thay đổi chính sách góp phần quyết định bước tăng trưởng “ngoạn mục” của ngành lúa gạo Việt Nam. Họ nhận định, một khi Chính phủ Việt Nam quyết tâm đổi mới, bộ máy quản lý sẽ hỗ trợ nông dân ở mức cao nhất, từ gieo trồng, canh tác, sản xuất đến tiếp thị… Nỗ lực này đã góp phần nâng cao toàn chuỗi giá trị, tạo thương hiệu gạo Việt Nam uy tín trên thị trường thế giới.
IRC 2023 chính là sự kiện kết nối những quốc gia cần trợ giúp với những quốc gia có khả năng hỗ trợ. Nhân dịp này, Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Abdelbagi Ismail, Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế - khu vực châu Phi (IRRI-Africa).
“Tôi bắt đầu làm việc tại IRRI 23 năm trước và đã theo dõi sát sao quá trình Việt Nam chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo. Theo kinh nghiệm của tôi, không có gì hiệu quả hơn trao đổi cởi mở. Chính vì thế, chúng tôi coi sự hợp tác Nam - Nam là một quá trình học hỏi tích cực”, ông Ismail nói.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng về trao đổi, tư vấn chính sách: “Khi hai Bộ trưởng đàm phán, họ sẽ tiếp thu rất nhiều ý tưởng để quay lại, triển khai tại quốc gia. Trong khi đó, nếu hai nhà khoa học trao đổi sẽ mất một thời gian dài. Vì vậy, rất mong những đối thoại cấp cao sẽ diễn ra thường xuyên hơn”.
Bên cạnh đó, Giám đốc IRRI khu vực châu Phi mong Việt Nam hỗ trợ đào tạo nhân lực nông nghiệp châu Phi, qua đó phát triển đội ngũ tiến sĩ, thạc sĩ, khuyến nông, kỹ thuật viên dày dặn, nhiều kinh nghiệm.
Ông cho biết, nếu Việt Nam có chương trình trao đổi đào tạo, IRRI châu Phi có thể hỗ trợ tuyển sinh và đưa sinh viên tới học tại các viện, trường nước ta, đồng thời cùng hướng dẫn sinh viên trong suốt quá trình học tập. Đây sẽ là cơ hội để châu Phi nâng cao năng lực toàn ngành.
Ngoài ra, tiến sĩ nhìn nhận Việt Nam có cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh ở châu Phi trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, nhập khẩu máy móc, thiết bị kỹ thuật, nguyên liệu thô và cây trồng vào lục địa này. Khi cơ chế thị trường được thiết lập, các nước châu Phi có khả năng xuất khẩu các mặt hàng nông sản chất lượng cao, tiếp cận thị trường Việt Nam.
Từ góc nhìn Việt Nam
Tại IRC 2023, vai trò của ngành lúa gạo Việt Nam được khẳng định trên bình diện chung về nghiên cứu khoa học nông nghiệp, trọng tâm là lúa gạo. Hiện tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ và Việt Nam chiếm khoảng 55% tổng lượng gạo cung - cầu trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, các thành tựu nghiên cứu trong lĩnh vực lúa gạo của Việt Nam được công nhận, rất nhiều đại biểu được mời thuyết trình tại Đại hội.
Với vai trò trụ cột, Việt Nam sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm, nhân lực, xây dựng các ý tưởng nghiên cứu nhằm phát triển ngành lúa gạo tại châu Phi.
Ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp bày tỏ: “Tiềm năng hợp tác nông nghiệp giữa châu Phi và châu Á, đặc biệt giữa châu Phi và Việt Nam về khuyến nông, nghiên cứu khoa học, đầu tư thủy lợi, canh tác bền vững… đều khả thi. Hằng năm, thông qua hoạt động của Viện, nhiều chuyên gia nước ta đã sang tham gia nghiên cứu, hỗ trợ đào tạo ở châu Phi”.
Ông Đào Thế Anh tin rằng sẽ có nhiều nhà tài trợ quốc tế sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này. Phó giám đốc nhấn mạnh, 60% đất canh tác nông nghiệp thế giới nằm ở lục địa này, là tiềm năng giúp châu Phi trở thành lục địa sản xuất lương thực chính trong tương lai.
Thúc đẩy hợp tác Nam - Nam
Châu Phi và châu Á chia sẻ nhiều giá trị kinh tế, lịch sử, xã hội. Một điều quan trọng là cả hai khu vực đều đề cao nét đẹp nông thôn, sống gần gũi với thiên nhiên và coi nông nghiệp là dòng chảy cuộc sống.
Từ cuộc trò chuyện giữa hai chuyên gia nông nghiệp Việt Nam và IRRI châu Phi có thể thấy: Cả thế giới đã trở thành một ngôi làng. Tính làng xã trong mối quan hệ hữu nghị không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, xã hội, mà còn là cơ sở để các nước chia sẻ tương trợ lẫn nhau.
Để cùng chung sống và vượt qua các thách thức hiện thời, các quốc gia cần phát triển nông nghiệp đồng đều, qua đó đảm bảo nguồn cung lương thực toàn cầu. Do đó, hợp tác Nam - Nam cần được cụ thể hóa thông qua những hoạt động tích cực, hướng tới lợi ích song phương.
Tháng 12 tới đây tại Hậu Giang, trong khuôn khổ Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam sẽ diễn ra Hội thảo đối thoại chính sách Việt Nam - châu Phi. Đây là sự kiện quy mô lớn với 400 đại biểu trong và ngoài nước, tăng cường cơ hội hợp tác Nam - Nam nhằm chuyển đổi hệ thống lương thực.