Tôi là đọc giả thường xuyên của báo NNVN, luật sư trả lời rất bổ ích cho công tác chuyên môn, nhưng hiện tại tôi đang có vướng mắc cần luật sư giải thích về bổ nhiệm một kế toán.
Hiện nay có ý kiến cho rằng: “Cử nhân kinh tế chuyên ngành quản trị kinh doanh tại các trường đại học đều có học về nghiệp vụ kế toán. Đối chiếu với Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành thì công chức tốt nghiệp hệ đại học chính quy đại học kinh tế Đà Nẵng, được cấp bằng cử nhân kinh tế chuyên ngành quản trị kinh doanh nếu có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật là đủ điều kiện làm công tác kế toán”
Xin hỏi luật sư ý kiến trên là đúng hay sai và vì sao? Mong luật sư giải thích.
Trả lời:
Theo quy định của Pháp lệnh cán bộ, công chức và các Nghị định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng cán bộ công chức, viên chức; các quy định về chuyển xếp lương theo ngạch bậc theo Nghị định 204 ngày14/12/2004 của Chính phủ thì chức danh của kế toán viên gồm:
Kế toán viên cao cấp có mã số ngạch 06,029 (thuộc nhóm2 (A3.2); Kế toán viên chính có mã số ngạch 06,030 (thuộc nhóm 2 A2.2); Kế toán viên mã số ngạch 06,031 (công chức loại A1); Kế toán viên trung cấp mã số ngạch 06.032 (công chức loại B); Kế toán viên sơ cấp mã số ngạch 06.033 (công chức loại C) .
Tuy nhiên mỗi nhóm ngạch đều có các quy định về tiêu chuẩn cụ thể để được xếp vào ngạch nào và thi nâng ngạch như thế nào (phải căn cứ vào văn bằng, chứng chỉ, năm công tác, hệ số lương đang hưởng; yêu cầu của công việc và các tiêu chuẩn về phầm chất đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp, năng lực chuyên môn…). Ngoài ra việc bổ nhiệm vào ngạch công chức còn phải tuân theo các nguyên tắc như: Làm công việc nào thì bổ nhiệm vào ngạch công chức đó; Người được bổ nhiệm phải đủ tiêu chuẩn quy định của ngạch; Công chức chuyển ngạch phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của ngạch được chuyển và phù hợp với cơ cấu ngạch công chức của cơ quan;
Cơ quan sử dụng công chức khi chuyển ngạch cho công chức phải thành lập Hội đồng kiểm tra để sát hạch về trình độ, năng lực của công chức. Nếu không đáp ứng đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch mới thì cơ quan sử dụng công chức ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức bổ nhiệm.
Đối chiếu với các quy định của pháp luật nêu trên luật sư thấy ý kiến mà bạn nêu trên là phù hợp bởi vì đối với ngạch kế toán thì văn bằng cử nhân kinh tế là chứng chỉ công nhận người đó đã được đào tạo về kế toán và họ có thể đảm đương được công việc kế toán. Tuy nhiên khi cân nhắc tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ thì cần phải kết hợp với một số điều kiện như đã nêu và phân tích ở trên.