| Hotline: 0983.970.780

Quỹ phòng chống thiên tai tiếp sức cho các địa phương trong mùa mưa lũ

Thứ Ba 14/12/2021 , 08:02 (GMT+7)

Năm 2021 là năm đầu tiên Bình Định chi Quỹ phòng, chống thiên tai cho các địa phương, đây là nguồn lực quan trọng tiếp sức cho các địa phương ứng phó với mưa lũ.

Công tác phòng, chống thiên tai được tiếp sức

Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, nhằm hỗ trợ thêm cho các địa phương trong công tác ứng phó với thiên tai, năm nay, UBND tỉnh Bình Định quyết định chi 14,1 tỷ đồng từ Quỹ phòng, chống thiên tai (PCTT) tỉnh cho các địa phương để ứng phó với bão lũ.

Theo đó, thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và 2 huyện Tuy Phước, Phù Cát mỗi địa phương được cấp 1,5 tỷ đồng; các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân và Tây Sơn mỗi địa phương được cấp 1,2 tỷ đồng và 3 huyện vùng núi Vân Canh, An Lão và Vĩnh Thạnh mỗi địa phương được cấp 1 tỷ đồng.

Phương tiện phòng, chống mưa lũ của các địa phương ở Bình Định cần được bổ sung để đảm bảo công tác PCTT. Ảnh: V.Đ.T

Phương tiện phòng, chống mưa lũ của các địa phương ở Bình Định cần được bổ sung để đảm bảo công tác PCTT. Ảnh: V.Đ.T

Cũng theo ông Chương, Quỹ PCTT sẽ giúp các địa phương thực hiện những phần việc cần thiết trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra. Trong công tác phòng ngừa thiên tai, các địa phương sẽ dùng quỹ này tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; sửa chữa những hư hỏng nhỏ những công trình thủy lợi do địa phương quản lý để tránh thiên tai làm hư hỏng nặng hơn; kiểm tra, gia cố đê điều, hồ đập để công trình an toàn trong mùa bão lũ; xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai.

Quỹ này cũng được các địa phương áp dụng trong việc ứng phó với thiên tai như lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất với công tác sơ tán dân trong vùng nguy hiểm; mua lương thực, thực phẩm, nước uống, áo phao để sẵn sàng ứng phó trước khi thiên tai xảy ra. Hoặc sau khi thiên tai xảy ra thì quỹ này được sử dụng trong công tác khắc phục nhỏ như hàn khẩu đê điều, hốt cát bồi lấp ruộng để người dân có điều kiện khôi phục ngay sản xuất, ổn định trước mắt đời sống của người dân sau thiên tai trước khi có nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh.

Các địa phương hồ hởi triển khai

Tiếp nhận kinh phí từ Quỹ PCTT của tỉnh Bình Định, huyện Hoài Ân lập tức phân bổ về các xã, thị trấn mua sắm vật tư, trang thiết bị sử dụng trong công tác PCTT. Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, Phó Trưởng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN & PTDS) huyện, khi tiếp nhận kinh phí được tỉnh hỗ trợ, theo kế hoạch đã được lập, huyện giao các địa phương mua sắm thêm thuyền di chuyển, áo phao cứu hộ cùng các trang thiết bị khác. “Từ đầu năm, huyện lên kế hoạch PCTT, thống kê danh sách các khu vực ảnh hưởng nghiêm trọng, các khu dân cư phải di dời với khoảng 2.000 hộ dân ở các vùng ngập lụt, sạt lở và sẵn sàng phương án PCTT theo phương châm 4 tại chỗ”, ông Tín cho hay.

Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (đứng giữa), kiểm tra thiệt hại do mưa lũ trong những ngày qua. Ảnh: V.Đ.T

Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (đứng giữa), kiểm tra thiệt hại do mưa lũ trong những ngày qua. Ảnh: V.Đ.T

Trong năm 2021, nguồn kinh phí của các địa phương trong tỉnh Bình Định bị ảnh hưởng lớn do công tác phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, Quỹ PCTT của tỉnh như 1 sự tiếp sức cần thiết để các địa phương chu tất trong công tác PCTT. “Có thêm nguồn hỗ trợ từ Quỹ PCTT của tỉnh đã giúp chính quyền và người dân thị xã Hoài Nhơn có thêm điều kiện mua sắm trang thiết bị, vật tư như áo phao, bao cát và các vật tư khác; đồng thời có kế hoạch dự trữ nhu yếu phẩm trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ công tác phòng, chống bão lũ. Ngay sau khi nhận được kinh phí hỗ trợ, thị xã đã phân bổ và mua sắm đầy đủ, sẵn sàng cho công tác ứng phó thiên tai”, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công, chia sẻ.

Theo ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, địa phương được mệnh danh là “cái túi đựng nước” của tỉnh Bình Định nên thường xuyên ngập lụt. Do đó, năm nào huyện Tuy Phước cũng chủ động kế hoạch mua sắm, trang bị trước để chủ động ứng phó với thiên tai. Với số tiền 1,5 tỷ đồng từ Quỹ PCTT do tỉnh hỗ trợ, huyện Tuy Phước mua sắm những vật dụng thật sự cần thiết để phục vụ người dân các xã vùng trũng thường bị ngập lụt nặng trong những mùa mưa lũ.

Đèo Bà Nam trên tuyến ĐT 639 (huyện Phù Mỹ, Bình Định) bị sạt lở do mưa lớn trong những ngày qua. Ảnh: V.Đ.T

Đèo Bà Nam trên tuyến ĐT 639 (huyện Phù Mỹ, Bình Định) bị sạt lở do mưa lớn trong những ngày qua. Ảnh: V.Đ.T

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.