| Hotline: 0983.970.780

Lâm Đồng thực hiện hàng loạt giải pháp phòng chống thiên tai

Thứ Hai 09/08/2021 , 09:10 (GMT+7)

Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, những năm gần đây, tỉnh Lâm Đồng luôn chủ động ứng phó và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào dự báo, phòng chống.

Thiệt hại nặng

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm 2021 đến nay, địa phương đã xảy ra 1 đợt mưa lớn, 1 đợt mưa đá, 2 đợt lốc xoáy, 2 vụ sét đánh gây thiệt hại 80 căn nhà, 170ha lúa và làm 4 con bò của người dân bị chết. Thiệt hại về kinh tế ở các vụ này ước khoảng 10 tỷ đồng.

Trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng phải hứng chịu thiệt hại do thiên tai gây nên. Ảnh: Minh Hậu.  

Trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng phải hứng chịu thiệt hại do thiên tai gây nên. Ảnh: Minh Hậu.  

Trong khi đó, vào năm 2020, tỉnh này xảy ra 17 đợt mưa lớn, 1 đợt mưa đá, 18 đợt lốc xoáy, 4 vụ sét đánh, 1 đợt sương muối, 4 vụ sạt lở đất. Thiên tai đã làm 5 người chết, 3 người bị thương, 208 căn nhà bị thiệt hại. Thiên tai cũng khiến 477ha hoa màu, 456ha cây lâu năm, 12 con gia súc, 38ha nhà kính và nhà lưới bị hư hỏng.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, cũng trong năm 2020, một số điểm trường, trụ sở cơ quan nhà nước của tỉnh cũng bị hư hỏng do thiên tai gây nên. Nhiều công trình thủy lợi, đường giao thông, bờ sông suối, ta luy đường… bị sạt lở, hư hỏng. Theo thống kê, năm 2020, tổng thiệt hại do thiên tai gây nên ở Lâm Đồng là khoảng 100 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hà Lộc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng, thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong những đợt thiên tai lớn gần đây, tình hình thiệt hại về người và cơ sở hạ tầng đang có xu thế gia tăng. Ngoài việc thời tiết có diễn biến ngày càng thất thường, cực đoan thì một số người còn chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai nên gia tăng sự thiệt hại.

6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Lâm Đồng thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng do thiên tai. Ảnh: Minh Hậu.

6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Lâm Đồng thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng do thiên tai. Ảnh: Minh Hậu.

Việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, an toàn hệ thống lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc và khả năng chống bão ở địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Một số người còn tư tưởng “bão ít đổ bộ vào tỉnh Lâm Đồng” nên chủ quan trong công tác phòng, chống bão.

Cũng theo ông Nguyễn Hà Lộc, do đặc thù thời tiết và địa hình của vùng Nam Tây Nguyên nên Lâm Đồng thường xuyên bị xảy ra lũ, lũ quét, lốc xoáy, sạt lở đất vào mùa mưa và khô hạn, thiếu nước tưới vào mùa khô. Đặc biệt, vấn đề nhức nhối hiện nay của địa phương là chưa đầy đủ thiết bị dự báo các loại thiên tai như sương muối, lũ quét, sạt lở, lốc xoáy, mưa đá nên công tác phòng tránh gặp nhiều khó khăn, luôn bị động.

Áp dụng công nghệ vào phòng chống thiên tai

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, Phó trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm 2021, tình hình thời tiết, thiên tai được dự báo có những diễn biến phức tạp. Các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xảy ra trên diện rộng với cường độ cao, khó lường. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 có thể bùng phát với quy mô lớn, khó kiểm soát gây nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống thiên tai.

Lực lượng chức năng giải cứu người dân bị cô lập giữa nước lũ hồi tháng 8/2019. Ảnh: Minh Hậu.

Lực lượng chức năng giải cứu người dân bị cô lập giữa nước lũ hồi tháng 8/2019. Ảnh: Minh Hậu.

Do vậy, tỉnh này lên phương án ứng phó với các tình huống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai cho cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Lâm Đồng cũng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, cơ sở dữ liệu, trang thiết bị chuyên dùng của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp.

Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng Kế hoạch Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, hiện đại hóa hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước. Mở rộng thêm các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn tại các vùng có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai.

Lực lượng chức năng thực hiện công tác cứu nạn trong mưa bão ở huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Lực lượng chức năng thực hiện công tác cứu nạn trong mưa bão ở huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Địa phương này cũng tổ chức thực hiện các nghiên cứu cơ bản, các đề tài và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai.

Tỉnh tập trung xử lý, nâng cấp, sửa chữa công trình đảm bảo an toàn hồ đập trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, tỉnh đang xây dựng kế hoạch và ưu tiên bố trí ngân sách xử lý các trọng điểm xung yếu về thiên tai, sạt lở.

Trong năm 2020, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành lập bản đồ nguy cơ lũ quét, ngập lụt trên địa bàn các huyện Lạc Dương, Đức Trọng và thành phố Bảo Lộc. Các bản đồ được hiển thị trên nền tảng công nghệ WebGIS để các địa phương dễ dàng sử dụng, khai thác. Việc xây dựng bản đồ đã giúp các địa phương có một công cụ hiện đại hiệu quả trong phòng chống thiên tai. Đưa ra chính sách phù hợp cho địa phương để phòng tránh, ứng phó. Đồng thời đề xuất các giải pháp giảm thiểu thiệt hại, kế hoạch ứng phó khi xảy ra các tình huống lũ quét, ngập lụt theo các kịch bản đề xuất.

Năm 2020, tỉnh lắp đặt 20 trạm đo mưa tự động chuyên dùng cảnh báo lũ lụt trên địa bàn tỉnh tại các xã chưa có trạm đo mưa tự động, nâng tổng số trạm đo mưa tự động trên địa bàn tỉnh lên thành 46 trạm. Dữ liệu đo mưa được cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu của web: http://vrain.vn. Có ứng dụng bằng tiếng Việt xem lượng mưa và nhận tin cảnh báo mưa trên điện thoại di động (Mobile Apps). Đồng bộ với dữ liệu đo mưa của các trạm đo mưa tự động chuyên dùng đã được lắp đặt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.