Làng của mỗi người có những phổ quát của cả cộng đồng dân tộc, nhưng đồng thời lại vẫn rất cá tính và riêng biệt của mỗi một con người.
Và trên những dặm đường làm lụng, mưu sinh, công tác và chiến đấu, từ nhiều phía khác nhau, những con người từ nhiều ngôi làng đã gặp nhau. Họ kể với nhau về làng mình: “Làng tôi xanh bóng tre”, “Làng tôi bên bờ sóng”, “Làng tôi đất trung du”, “Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh”, “Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá"… Kể với nhau về làng mình, để rồi tìm thấy đồng điệu ở nhau, từ đó mà “tôi với anh đôi người xa lạ” bỗng nhiên “đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”, thành đồng chí bên nhau, như trong thơ Chính Hữu.
Cũng có khi, cuộc chiến đấu đầy căng thẳng, giữa máu lửa ác liệt, chưa kịp nhận ra, như trong bài thơ “Đèo Cả” của Hữu Loan: “Tóc râu trùm vai rậm/Không nhận ra người làng”. Phải đến sau trận chiến đấu ấy, người làng mới nhận ra nhau được, mà cùng “lặn lội bao rừng suối/ăn với nhau bữa heo rừng/công thui chấm muối/và trên sạp cây rừng/tâm tình suốt tối/biệt nhau/rừng hoang canh gà/Râu ngược/chào nhau bên vách núi”, rồi tiếp tục lên đường, gian nguy không nhụt chí với bầu máu thiêng sôi dào dạt từ nguồn thiêng ông cha mà xây chiến lũy, mà đắp nên hình hài niên hoa từ cái đêm gặp được nhau: “Ai ngân/lung lay/đêm quê nhà”…
Người Việt đi đến đâu cũng đều cố gắng tìm lấy cho mình những dấu hiệu thân thuộc, lọc ra những phong vị giống với phong vị của làng quê mình, lấy đó làm thành mối dây gắn bó tâm hồn mình với nơi đã đến và đã sống. Con người ở đâu mà đã bắt đầu gieo trồng và chăn nuôi, thì sợi dây gắn bó đã bắt đầu bền chặt dần lên ở nơi đó rồi...
Trong chuyến đi ra quần đảo Trường Sa cách đây tám năm, tôi càng nhận rõ hơn điều này. Trên đảo đá xa xôi, mỏng manh giữa nước trời thăm thẳm, những người lính trẻ từ nhiều làng quê ra đây, họ đã trồng cây và chăn nuôi giống như cha ông họ ở làng.
Buổi trưa, ngồi cùng với những người lính dưới gốc cây phong ba già trên đảo đá cằn khô, nghe họ nói về việc nông tang, tôi bỗng bật lên mấy câu thơ đầu tiên, sau thành bài thơ "Trường Sa làng mình": "Trưa ngồi dưới bóng phong ba/Ríu ran bàn chuyện cửa nhà, nông tang/Lợn nái vừa đẻ bầy con/Lứa gà đang ấp, vịt đàn sinh sôi.../Trưa ngồi dưới bóng phong ba/Rưng rưng tôi gọi Trường Sa làng mình"...
Ở đảo Song Tử Tây có cây sâm đất, chưa hiểu vì sao giống cây ấy ở làng quê mà đã mọc lên tại đây từ rất lâu rồi. Người lính đảo mời tôi cốc nước sâm đất, và tôi đã bắt gặp cảm hứng: "Bạn mời nước sâm đất/Như đặt làng trên tay/Giữa sóng quây gió cuộn/Yên bình Song Tử Tây"...
***
Lại nhớ câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca "Đất nước": "Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi cuộc di dân". Nước Việt đã có không biết bao nhiêu cuộc di dân, cả chủ động và rất nhiều bị động, như những thử thách lớn lao của công cuộc sinh tồn. Trong sinh tồn, cái tên làng xã như một biểu tượng của gốc gác mà con người luôn nhắc nhớ để làm nên sức mạnh tinh thần trụ vững trước gian khó, nguy nan...
Tôi nhớ cái mùa đông rét mướt khi máy bay Mỹ rải thảm bom B.52 hủy diệt miền Bắc hồi năm Nhâm Tý. Ngồi ôm tôi trong hang đá nơi rừng sơ tán, bà nội than thở: "Sao bọn giặc trời này lắm bom đạn đến thế chứ! Bao giờ mới yên hàn đây để bà cháu mình còn về lại làng Phú La?".
Buổi chiều, ông nội tôi đào mấy cái hố ở khoảng đất trước cửa hang để gieo hạt bí. Ông nói với mọi người, giọng hồ hởi: "Đất ở đây tốt gớm, chả kém gì đất bãi ven sông làng Phú La tôi cả". Nói câu ấy khi vạc đất trồng cây, là ông nội tôi đã xác định trụ lại hang núi lâu dài chứ không nghĩ đến năm Quý Sửu sau đó, hòa bình bắt đầu những bước chân trở lại trên cả dải đất nước này.
Tôi có người chị gái lưu lạc thời gian lâu lắm, từ hồi giữa những năm kháng chiến chống Pháp, khi chị mới lên sáu, bảy tuổi. Hơn nửa thế kỷ sau, chị mới tìm được về làng. Chị đã đi qua nhiều nơi, sống trong cơ hàn, đói khổ, mấy lần vượt biển nhất quyết ra đi, cuối cùng thì định cư ở mãi miền Tây nước Úc. Thế mà sao đó, năm 2010, chị tìm được số điện thoại của tôi để gọi cho tôi từ nước Úc xa xôi, rồi ngay sau đó đã trở về làng.
Chị kể: "Ngày chị ra đi, đi mãi trên một con đường đất, rồi mới thấy đến một cái ngã ba đường cái quan, có lối dẫn đi Hải Phòng. Cứ thế mà tiếp tục đi. Bao năm qua, chị chỉ nhớ làng quê cha của mình có tên gọi là làng Phú La. Sau này tìm, gặp ai cũng hỏi làng Phú La và cũng do được Chúa trời thương đến, nên mới lần ra em đấy".
Làng Phú La của tôi, xưa thuộc tổng An Lạc, phủ Tiên Hưng. Làng có hai lối đi đến. Cuối làng, phía đông bắc, là đường đi qua chợ Vĩnh, rẽ trái đi Quỳnh Phụ, rẽ phải là ra ngã ba Đọ, nối với đường đi Hải Phòng. Đó chính là con đường trong ký ức lưu lạc của chị gái cả tôi. Còn con đường chính là đi vào từ đầu làng ở phía nam, cũng dẫn ra một ngã ba, rẽ phải đi phủ Tiên Hưng xưa, rẽ trái là đi lên tỉnh Thái Bình.
Nói đường đi và đến làng như vậy, nhưng ngày xưa heo hút, xa khuất lắm. Làng tôi nhỏ bé, ít tăm tiếng ở nơi đồng bằng Bắc bộ dày đặc dấu tích cổ xưa của nước Việt. Các con đường đi đến đều là đường đất, to hơn bờ ruộng một chút. Dân thường thì đi bộ, quan phủ, quan huyện, khi có việc phải đến đất này thì có người võng đi hoặc là cưỡi ngựa. Sau này thì có xe đạp. Làng là vùng đất trũng, Chữ "la" là thấp ngay trong tên Phú La mà.
Đến tận những năm 80, tôi từ Tây Bắc thành sinh viên ở Hà Nội, tự tìm về làng, vẫn đi bộ trên những bờ ruộng. Một lần mượn được xe đạp đạp về từ thị xã Thái Bình, tới cầu Nguyễn, phải đi tiếp 6, 7 cây số đường đất nữa. Trời mưa, đất bám chặt đầy ự hai bánh xe, phải đưa xuống ruộng rửa đỡ đất rồi mới đi được. Có đoạn, thà vác xe trên vai còn hơn dắt bộ, đi qua đất nhão. Chao ôi, "Trăm cái tội không bằng lội Phú La"...
Qua những con đường đất ấy, người làng tôi đã tỏa ra, đi ra với nước. Làng nhỏ nhưng không có gì mặc cảm và hổ thẹn, vì đã hết lòng hết sức góp người, góp sức vào đại nghiệp chung.
Làng Phú La được lập cách đây hơn một ngàn năm. Từ thế kỷ thứ 12, một đạo quân của nhà Lý dưới sự chỉ huy của Thái úy Đặng Thiện Thành đã về Phú La và làng Tiến Trật bên cạnh, để luyện tập và chiêu binh. Mấy chục trai đinh hai làng gia nhập đội quân đi đánh giặc Chiêm Thành.
Thế kỷ 15, dưới triều Lê thịnh trị, dân làng đã cùng một dải làng xã ở đất Thái Bình theo Đô Chỉ huy sứ Nguyễn Phục nghênh chiến giặc xâm lược kéo vào nước ta theo đường biển. Miếu thờ làng Phú La hiện giờ là nằm trong hệ thống 72 miếu thờ Đức Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục ở hai cửa biển và 57 xã trên đất Thái Bình được lập lên theo chiếu chỉ của vị vua hiền Lê Thánh Tông.
Thời Pháp thuộc, làng Phú La và Tiến Trật có nhiều người tham gia đội quân khởi nghĩa nông dân của Đốc Nhưỡng và Phan Bá Vành. Đến thời kỳ chống Pháp, xã Đô Lương, gồm hai làng Phú La và Tiến Trật, là căn cứ nuôi giấu cán bộ lãnh đạo kháng chiến.
Ông Đỗ Mười đã từng ở đây để chỉ đạo phá bốt diệt tề. Xã Đô Lương sau đó được vinh danh là Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã có 117 thanh niên của Phú La và Tiến Trật hy sinh ngoài chiến trường, được vinh danh là liệt sỹ, gần một trăm thương bệnh binh, nhiều bà mẹ Việt Nam Anh hùng và ba Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Đến thời kỳ Đổi mới, làng Phú La còn có một anh hùng, đã hy sinh trong chiến đấu với giặc trộm cướp ở Cảng Hải Phòng.
Bây giờ, ngồi điểm lại, thì thấy người làng mình đã đi đến, đã ở lại khắp nơi trong nước, từ địa đầu phía Bắc đến tận đất biển Cà Mau, Kiên Giang... Người làng chưa đến mức thành công to lớn rực rỡ gì, nhưng cũng đã từng đứng đầu tỉnh, đứng đầu huyện ở các nơi, là trưởng phó các sở ban ngành, sĩ quan thì nhiều người lên đến tướng tá, doanh nhân thuộc tốp 500, thầy thuốc nhà giáo là nhân dân ưu tú, văn nghệ sỹ thì có đủ nhạc họa ca sỹ, rồi văn, rồi báo...
Năm ngoái, hữu duyên, có một vị thượng tọa trên đường đi điền dã và tu tập, đã đến làng tôi. Cùng tôi đi quanh làng, nhìn sông nhìn đất, nhìn ruộng nhìn đồng, qua thăm một vòng các di tích đình đền, chùa miếu, am lầu… vị ấy nói: "Nơi đây là đất địa linh đấy, anh ạ". Ban đầu, tôi nghĩ vị chân tu này có ý khuyến khích tình yêu làng của tôi. Sau rồi ngẫm kỹ lại, thì thấy thật là đúng.
Bao nhiêu làng quê ở trên đất nước này, đâu mà chẳng là địa linh. Làng được gây dựng, đắp bồi qua biết bao nhiêu thế hệ. Bốc lên vốc đất làng nào cũng thấy nồng nã mùi mồ hôi, có khi cả máu xương của lớp lớp ông cha. Mỗi làng quê Việt đều tựa đỡ trên một nền văn hóa chung, lại có những ánh xạ riêng.
Văn hóa được gìn giữ ở làng, nối bền trong dòng họ, qua phong tục, tập quán, lề thói ứng xử của con người, từ dòng họ, làng xã mà tỏa đi. Văn hóa như tấm gương rộng lòng hội tụ linh khí thiêng liêng của đất trời. Văn hóa làm nên địa linh. Địa linh sinh nhân kiệt. Địa linh có thể chưa sinh ra được nhân kiệt lỗi lạc ngay, là do con người chưa biết cách đón lấy ngọn nguồn văn hóa, chưa biết tu tâm tích đức rèn chí vươn lên.
Đấy là nói về những bậc lỗi lạc. Còn con người có văn hóa, biết sống ngay thẳng, có đóng góp với cộng đồng, thảy chả đáng gọi là nhân kiệt sao? Những con người ấy đều đã sống xứng đáng, không phải hổ thẹn với đất đai xứ sở đã sinh ra, nuôi dưỡng và hun đúc mình.
***
Con đường chính vào làng tôi, xưa có cổng làng. Cái cổng xinh xắn, nhỏ nhắn, ôm trọn con đường đất, mà vẫn có biển đề “Rong cái mã”. Là đường cái nhé, đi qua phải xuống ngựa mà rong, chứ đừng nghênh ngang. Hai bên cổng có đôi câu đối do các cụ hay chữ trong làng bàn soạn với nhau rồi viết ra.
Làng tôi từ xưa có nhiều người làm nghề thày giáo. Các thày tỏa đi khắp vùng, đến cả các tỉnh xa, được quý trọng, cung phụng, cơm gà cá gỡ, mà dạy chữ cho con em thiên hạ. Đôi câu đối ở cổng làng, mỗi bên bảy chữ, thoáng qua tưởng đơn giản, mà ngẫm nghĩ thì thật sâu xa. Đấy là lời dạy cách xuất và sử. Đôi câu đối ấy viết: “Đa văn vi phú la thiên hạ/Tri ngộ như an lạc tính tình”.
Khi ai đó rời làng ra đi, quay nhìn cổng làng, thì đôi câu đối dặn chí hướng: Phải nhiều chữ nghĩa làm nên giàu sang hòa vào thiên hạ. Phải hiểu biết mới bằng an mà vui giữa muôn họ. Khi trở về hay nghĩ về làng thì tự hào: Nhiều chữ là người Phú La trong thiên hạ. Hiểu biết là dân An Lạc giữa muôn người.
Tôi đã đi qua nhiều làng thôn, suy ngẫm về ý tứ những câu đối ở các cổng làng, đình làng, càng thấy kính nể các cụ giáo làng mình. Cái lối chữ Hán không viết hoa như quốc ngữ, nên đôi câu đối ở cổng làng tôi vừa mang được triết lý dặn dò con cháu, mà vẫn tải được sự “kiêu ngầm” của dân làng Phú La.
Ngày nhỏ, tôi hay tha thẩn chơi ở cổng làng để thỉnh thoảng nhìn ra con đường đất tới bờ sông. Đấy là tôi ngóng mẹ. Cha mẹ tôi đi công tác mãi trên Tây Bắc, vài năm sau mới về đón tôi theo. Tôi ở với ông bà ngoại. Ra cổng làng chơi, có khi tôi còn lẫm chẫm đi trên con đường đến tận bờ sông, vẫn không thấy mẹ. Tôi lại lẫm chẫm trở về, đứng trong bóng chiều đang sẫm lại…
Có lần, tôi nằm vùi ở đống rơm chỗ cuối sân nhà. Bà ngoại dọn cơm rồi gọi váng tôi về, tôi cũng không thưa. Dì tôi bảo chả biết nó chạy đâu. Bà bảo dì, ra cổng làng xem sao. Cái thằng này suốt ngày cứ ra đứng đầu làng thôi.
Ra đứng đầu làng là cái cách của trẻ con ngóng mẹ. Sau này, tôi còn biết nhiều người mẹ ra đứng đầu làng để ngóng những đứa con xa. Ngày xưa, có khách hẹn đến khi gặp ở phiên chợ hay những đẩu đâu, sửa soạn đón khách, cũng phải cắt cử người ra đứng đầu làng mà ngóng, nếu thấy từ phía xa có bóng người thì báo về. Thấy đấy, nhưng quãng đường còn xa, cũng phải lâu lâu mới tới nhà mình.
Những khi vận nước có biến động gì, thì cũng chỉ biết là ra đứng đầu làng mà ngóng người đến, hy vọng họ mang theo câu chuyện cho mình biết, mình hay...
Bây giờ, làng tôi đã khác đến khó mà tưởng tượng ra. Những con đường về làng thênh thang, lại còn mở ra một lối mới từ cao tốc Hà Nam - Thái Bình. Cái cổng làng xưa không còn nữa vì đã quá nhỏ bé so với giao thông cách đây mấy chục năm, chứ đừng nói hiện giờ. Đoạn đường hun hút ra bờ sông giữa cánh đồng mênh mông hai bên ký ức ngày thơ bé của tôi, hóa ra chỉ chưa đầy nửa cây số.
Làng đã tràn nhà ra đến tận bờ sông. Điện đèn giăng mắc khắp nơi. Cũng thế, chẳng cần ra đứng đầu làng để ngóng người, để chờ thông tin nữa. Ngồi ở làng bây giờ mà như đang giữa thế giới với đầy đủ thông tin trên mạng, trên đài báo, ti vi… Bây giờ là thời ngồi ở làng làm việc nước.
Tôi đã từ một cậu bé ra đứng đầu làng ngóng mẹ thành một người ngồi nhà ngóng con cháu qua mạng toàn cầu. Làng xưa là nơi cơ hàn, mình phải tìm cách ra đi, thì làng bây giờ là nơi thư thái, yên ấm, thư giãn, để mình trở về. Làng của thời nay, thậm chí còn là pháo đài cho con người trụ vững trước những tai biến mang tính chất toàn cầu như đại dịch vừa qua...
Và vì thế, làng càng cần được đắp bồi yên ấm hơn nữa trong công cuộc phát triển mới của thời nay.
Làng Phú La, ngày cuối năm 2021