Sách “Lịch sử Phát triển và đổi mới Mía - Đường Việt Nam”. |
“Lịch sử Phát triển và đổi mới Mía - Đường Việt Nam” do Kỹ sư Lê Văn Dĩnh (người hoạt động liên tục 60 năm trong ngành mía đường) và nhà báo Hưng Văn (từng là phóng viên Báo Nông Nghiệp Việt Nam) cùng biên soạn.
Theo tập sách này, khoảng trên dưới 10.000 năm trước Công nguyên, các thổ dân Tân Guinea đã chọn lọc từ các loài lau dại ra những cây mía ngọt để trồng, ăn. Loài cây này dần được truyền bá lên những những tộc người sống ở vĩ độ cao hơn đường xích đạo, trong đó có Việt Nam.
Sau khi Việt Nam bị Pháp xâm chiếm, một số nhà tư bản Pháp đã nhận thấy nhiều vùng ở nước ta, người dân rất có kinh nghiệm trồng mía và làm ra đường thủ công. Các nhà tư bản này đã xin phép đưa cơ giới đến để đẩy nhanh ngành công nghiệp mía đường.
Năm 1870, do ở bên Pháp đang khan hiếm đường, một người Pháp là Kresser đã thành lập nhà máy đường cơ giới đầu tiên tại Biên Hòa. Đây là cột mốc đánh dấu sự hình thành ngành công nghiệp mía đường ở Việt Nam.
Sau Chiến tranh thế giới thứ I, chỉ trong vòng 10 năm (1919-1929), người Pháp đã cho xây dựng 5 nhà máy đường ở Việt Nam. Đáng kể nhất là nhà máy đường Hiệp Hòa (Đức Hòa, Long An).
Trong chiến tranh, các nhà máy hàng đầu ở cả 2 miền (như Hiệp Hoà, Vạn Điểm …) đều có nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật. Chính nhờ vậy mà qua các thời kỳ, từ lúc còn thuộc Pháp đến những năm chiến tranh, các vùng đã cố gắng đáp ứng tạm đủ nhu cầu đường. Tình trạng “đói đường” diễn ra sau 1975 chủ yếu là thiếu đường phục vụ chế biến công nghiệp thực phẩm. Nhưng Chương trình 1 triệu tấn đường (1995-2000) đã xoá được “nạn đói” này.
Kỹ sư Lê Văn Dĩnh giao lưu cùng độc giả. |
Tập sách được biên soạn và được phép xuất bản trong bối cảnh Hiệp định thương mại hàng hoá ATIGA của 10 nước thành viên Asean bắt đầu có hiệu lực (2018-2019). Ngành mía đường nói chung đang đứng trước một cuộc canh tranh khu vực vô cùng khốc liệt, một số nhà máy do thiếu nguyên liệu đã phải ngừng hoạt động.
Mặc dù vậy, từ những sự kiện lịch sử của ngành mía đường và những nỗ lực đổi mới của nhiều nhà máy trong thời gian qua, vẫn lóe lên những hy vọng cho ngành mía đường như tiềm năng phát triển mía đường Việt Nam là có thật; đất phù hợp trồng mía có nhiều; một số tổ hợp nông công nghiệp với chuỗi sản xuất mía - đường - điện đã bắt đầu phát huy hiệu quả …
Theo các tác giả tập sách, đường là thực phẩm thiết yếu, là nguyên liệu phục vụ chế biến công nghiệp và nhiều ngành khác; sản xuất mía đường là dây chuyền gắn liền giữa nhà máy, người có đất và nông dân, nhà phân phối sỉ lẻ, góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả ở nhiều địa phương …
Do vậy, cần phải có Bộ Luật về sản xuất và tiêu thụ mía đường. Nếu cứ để “mạnh ai nấy làm” thì ngành công nghiệp mía đường Việt Nam, với lịch sử gần 150 năm, sẽ thua trắng trên sân nhà.