| Hotline: 0983.970.780

Loay hoay mía đường trước thềm hội nhập

Thứ Hai 03/06/2019 , 09:08 (GMT+7)

Từ ngày 1/1/2020, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức được áp dụng, tất cả hạn ngạch và thuế xuất nhập khẩu đường dự kiến sẽ bị bãi bỏ hoàn toàn.

sugr-tjbu173717819
Thu hoạch mía.

Ngành mía đường Việt Nam sẽ phải trực tiếp đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp mía đường các nước khác.

Tại buổi tọa đàm “Làm gì để ngành mía đường vượt "bẫy hội nhập?” vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho biết: Đối với quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt là Hiệp định ATIGA và mía đường, Bộ NN-PTNT chấp nhận có cạnh tranh tuy nhiên giá thành sản xuất sẽ cao hơn nhiều so với khu vực. Giá thành sản xuất cao là do giá nguyên liệu, giá mía và sự hạn chế trong sản xuất giống cũng như điều kiện quy mô… Cho đến nay vẫn chưa có những doanh nghiệp quy mô đủ lớn để có thể tận dụng hết các chế phẩm từ mía đường.

Trong bối cảnh ngành mía đường nước ta đang chịu nhiều sức ép từ tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; cạnh tranh quyết liệt của cây trồng khác; tình trạng khan hiếm và thiếu lao động trong nông nghiệp; tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu đường ngày càng gia tăng… thì việc gia nhập và thực thi Hiệp định ATIGA theo lộ trình từ 1/1/2020 chắc chắn sẽ càng tạo ra những áp lực lớn đối với ngành mía đường.

Ông Lê Hồng Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho rằng: Trước khi ký hiệp định thương mại, chúng ta vẫn chưa đánh giá đầy đủ về ngành mía đường, đưa ra thời điểm hội nhập 1/1/2020. Trước hết chúng ta còn ngộ nhận, ngành mía đường hiện nay không phát triển, còn chờ vào chính sách nhà nước.

Chương trình 1 triệu tấn đường của Chính phủ đã hình thành 44 nhà máy và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trước năm 1990, chúng ta phải nhập khẩu cả tỷ USD để phục vụ cho tiêu dùng. Nhưng khi có 44 nhà máy, hơn 1 triệu tấn đường đã đáp ứng nhu cầu của xã hội, không phải nhập khẩu, nhập siêu, tiết kiệm được tiền cho Nhà nước.

Bên cạnh đó, ngành mía đường đã đưa cây mía vào vùng sâu vùng xa, biên giới, mở đường cho nông dân trồng mía, đảm bảo giá mía, đảm bảo cuộc sống cho nông dân.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam: “Sau hội nhập, hàng triệu người nông dân sẽ không có việc làm. Chi phí trong ngành mía đường Việt Nam còn rất cao, chưa có sự can thiệp của máy móc nên lợi nhuận chưa cao, vì thế người nông dân rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Thực tế hiện nay, tình trạng đường lậu và gian lận thương mại đang tràn lan do giá đường của Việt Nam cao hơn Thái Lan. Thực tế này đang bóp nghẹt cơ hội phát triển ngành mía đường nước nhà.

Ông Đặng Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Kon Tum, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Mía đường Tuy Hoà, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Mía đường Sơn La, chia sẻ: “Nhà máy mía đường Sơn La và Kon Tum là 2 doanh nghiệp mía đường đã phá sản từ 2005-2006, chúng tôi đã tham gia và tái cơ cấu. Từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2012 -2013, hai đơn vị này chưa bao giờ thua lỗ. Có những thời điểm, cổ phiếu đã đạt thu nhập cao nhất trên sàn chứng khoán Hà Nội. Việc sản xuất mía chúng ta không thua kém ai. Nhưng nếu được hội nhập một cách công bằng thì chúng tôi sẽ "đuổi" đường Thái Lan về nước”, ông Đặng Việt Anh quả quyết.

Ông Thạch Phước Bình, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho hay: “Chi phí đầu tư của bà con nông dân với mỗi 1.000m2 khoảng 7 triệu đồng nhưng với giá bán 800 đồng thì người dân chỉ thu lại được 3 - 4 triệu đồng. Hiện người nông dân đang nợ ngân hàng rất nhiều, nhiều hộ đã phải cầm cố đất đai, có người phải bỏ mặc mía đường vì càng đầu tư càng lỗ. Thậm chí nhiều người nông dân phải chuyển sang trồng cây trồng khác hoặc nuôi thủy sản”.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.