Thu hoạch cải xoong |
Anh Nguyễn Văn Lượm ở ấp Phước Thuận, xã Phước Lâm chia sẻ: "Hàng chục năm qua tôi trồng đủ các loại rau, sả, ớt, hành, gừng... Đến nay chỉ còn trồng cải xoong. Giống này kén đất, kén nước, chăm sóc cực như chăm con mọn. Cứ 20 ngày thu hoạch một lần, giá thấp nhất là 10.000 đồng/kg".
Theo anh Lượm, cải xong Phước Lâm cọng không to, lá không lớn như cải xoong Lâm Đồng hay Cần Thơ nhưng có vị giòn, ngọt và thơm đặc trưng. Chẳng thế mà giá cải xoong nơ đây luôn được thương lái mua giá cao hơn 10 -15% so với cải xoong ở vùng khác.
Anh Huỳnh Ngọc Hoàn, ấp Phước Hưng 1 cho biết, không phải đến khi xã tuyên truyền mà từ khi bắt tay vào SX anh đã tự ủ phân hữu cơ bón cho rau. Anh còn đầu tư làm nhà lưới và lắp đặt hệ thống tưới tự động, vì thế việc chăm sóc cải xoong đỡ cực, hiện chỉ vất vả khâu nhổ cỏ dại.
Anh Huỳnh Văn Ba ở cùng ấp cho biết, ngoài việc đầu tư lắp đặt hệ thống nhà màng và tưới tiết kiệm để SX, anh cũng làm dịch vụ lắp hệ thống tưới cho các xã trồng rau trong vùng như Tân Thành, Phước Hậu, Mỹ Lộc, Mỹ Lệ...
Bà Bích Hạnh, Bí thư xã Phước Lâm nhấn mạnh, mỗi ngày xã cung cấp ra thị trường 20 tấn rau các loại, trong đó chủ yếu là cải xoong. Hiện xã đã có 220/290ha rau ứng dụng CNC với 8 tổ hợp tác SX an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó hơn 129ha sử dụng phân hữu cơ sinh học; 31ha trồng rau nhà màng; 26ha lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm.
Đặng Trung Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Lâm cho biết, Hội đề xuất Ngân hàng NN-PTNT huyện tạo điều kiện cho 4 tổ hợp tác gồm 50 thành viên được vay vốn với số tiền 12 tỷ để SX rau an toàn. Hội cũng hỗ trợ 2 mô hình trồng rau sử dụng phân hữu cơ sinh học. Các hộ ứng dụng CNC vào SX có lợi nhuận cao hơn trồng truyền thống từ 2 - 6 triệu đồng/công. Điển hình là anh Nguyễn Văn Lượm, Nguyễn Ngọc Lãnh... (ấp Phước Thuận), anh Huỳnh Văn Sang, Đặng Phước Ngọc, Huỳnh Ngọc Hoàn, Huỳnh Văn Ba... (Phước Kế), chị Nguyễn Thị Thu Dung, Phạm Tấn Trường... (ấp Phước Hưng 1)... Danh sách các hộ SX giỏi nhờ ứng dụng CNC tiếp tục tăng.