| Hotline: 0983.970.780

Rệp sáp hại rễ cà phê và biện pháp phòng trừ

Thứ Hai 13/11/2017 , 14:05 (GMT+7)

Trong những loài rệp sáp hại cà phê tại Tây Nguyên, loài rệp sáp Planococcus lilacinus Cockerell là một trong những loài gây hại rễ cà phê quan trọng nhất. Chúng gây hại chủ yếu ở thời kỳ kiến thiết cơ bản, chích hút dịch ở phần gốc cây, cổ rễ và rễ cây.

- Triệu chứng: Cây cà phê bị rệp sáp hại rễ thường có triệu chứng sinh trưởng và phát triển rất kém, lá vàng úa từ gốc lên ngọn và rụng từ từ. Bên ngoài rễ cà phê bị hại có một lớp vỏ xốp, màu đen do các sợi nấm hình thành, dưới lớp vỏ xốp này là rệp sáp. Cây bị suy yếu, rễ bị thối, cây héo vàng dần, khi bị nặng lá rụng hàng loạt, quả nhỏ, hạt bị lép, cây khó hồi phục và có thể bị chết.

15-44-01_2-goc_cy_c_phe_bi_rep_hi
Gốc cây bị rệp gây hại

- Tác nhân gây hại: Rệp sáp hại rễ có lớp sáp màu trắng bao bọc bên ngoài. Cơ thể rệp sáp hại rễ cũng có màu hồng nhưng thân hình dày hơn rệp sáp hại quả và phồng lên như hình bán cầu.

- Sự phát sinh phát triển và gây hại: Rệp sáp hại rễ thường chích hút ở phần cổ rễ trước và lan dần ra các rễ ngang và rễ tơ. Chúng phát triển mạnh trong mùa mưa khi ẩm độ đất cao. Gặp điều kiện thuận lợi rệp sáp rễ sẽ kết hợp với nấm Bornetina corium tạo thành “măng sông” bó chặt làm cho rễ kém hoạt động và nhanh chóng bị hủy hoại, đồng thời làm cho thuốc hóa học không thể thâm nhập qua. Chất thải do rệp tiết ra là nguồn thức ăn của các loài kiến và kiến là tác nhân chính giúp rệp phát tán.

Vòng đời của rệp sáp hại rễ cà phê dao động từ 20 - 50 ngày. Khác với rệp sáp hại quả, rệp sáp hại rễ đẻ con. Rệp con sau khi đẻ được 2 - 3 ngày sẽ di chuyển ra khỏi phần bụng của rệp mẹ để tìm nơi sinh sống mới. Một con rệp có thể đẻ khoảng 200 con và đẻ làm nhiều lứa.

15-44-01_3-re_cy_bi_rep_hi
Rễ cây bị rệp hại

- Biện pháp phòng trừ

+ Trong mùa mưa nên kiểm tra định kỳ phần cổ rễ cà phê ở dưới mặt đất (đặc biệt ở những vùng có tiền sử rệp sáp hại gốc) để phát hiện sớm sự xuất hiện của rệp. Lưu ý những cây có biểu hiện vàng và nhiều kiến.

+ Khi thấy có rệp sáp phải tiến hành xử lý, xử lý sớm khi rệp mới xâm nhập gây hại, nếu để tạo thành mang song sẽ rất khó phòng trừ. Đối với những cây cà phê bị hại quá nặng có thể nhỏ bỏ và mang tiêu hủy tránh lây lan sang những cây khác trong vườn

+ Sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc có nguồn gốc sinh học và thảo mộc như chế phẩm chứa nấm Metarhizium anisopliae; một số thuốc có chứa hoạt chất Azadirachtin (Goldgun 0.3EC, 0.6EC, 0.9EC), Abamectin + Bt (Tridan 21.8WP), Abamectin + Matrine (Aga 25EC, Amara 55EC), Abamectin + Petroleum oil (Đầu trâu Bihopper 270 EC, Koimire 24.5EC, Visober 88.3 EC, Soka 25EC).

15-44-01_1-cy_c_phe_3_nm_tuoi_bi_rep_sp_hi
Cà phê 3 năm tuổi bị rệp sáp hại

+ Sử dụng thuốc hóa học

Một số thuốc hóa học có chứa hoạt chất Acetamiprid + Chlorpyrifos Ethyl (Ecasi 20 EC, Megashield 525 EC), Acetamiprid + Buprofezin (Atylo 650WP), Cypermethrin +Chlorpyriphos Ethyl (Dragon 585 EC).

Phương pháp xử lý: Dùng cuốc bới nhẹ đất xung quanh gốc cà phê, tùy mức độ gây hại của rệp mà lớp đất được bới dầy hay mỏng, rộng hay hẹp. Sau đó xử lý thuốc, nếu là thuốc bột rắc xung quanh gốc, sau đó lấp đất tưới vừa đủ ẩm. nếu là thuốc nước, tùy theo độ lớn của cây, tưới mỗi gốc từ 3 - 5 lít nước thuốc, sau đó lấp đất lại (tất cả các thuốc theo nồng độ khuyến cáo).

(Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - VAAS)

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.