| Hotline: 0983.970.780

Rộn ràng Cảnh Dương

Thứ Năm 14/03/2024 , 06:00 (GMT+7)

Quảng Bình Làng biển Cảnh Dương thật rộn ràng những ngày đầu năm khi ngư dân trúng mùa liên tiếp…

Làng biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), những ngày đầu năm vui như hội. Theo ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, với truyền thống nghề biển nên đang phấn đấu năm nay đạt sản lượng khai thác 40 ngàn tấn, có tổng doanh thu 400 tỷ đồng. “Với truyền thống 380 năm hình thành và phát triển, Cảnh Dương sẽ vươn lên tầm mới trong phát triển kinh tế - xã hội, để xứng danh “quê tôi đứng nơi đầu sóng gió”, ông Quang tự hào nói.

Ngư dân làng Cảnh Dương trúng mùa biển từ những ngày đầu xuân. Ảnh: P. Phương.

Ngư dân làng Cảnh Dương trúng mùa biển từ những ngày đầu xuân. Ảnh: P. Phương.

Chuyến biển một đêm thu… 150 triệu đồng

Ông Nguyễn Ngọc Tiếp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảnh Dương cho biết, những ngày Tết Nguyên đán, ngư dân đã “mở biển” và có sản lượng thu nhập cao nên như có động lực lớn cho bà con bám biển. “Có ngư dân trúng đậm luồng cá cơm trắng, chỉ sau một đêm đánh bắt đã có thu nhập trên 150 triệu đồng”- ông Tiếp hồ hởi nói..

Tàu cá của ngư dân Trần Đình Cường, ở thôn Yên Hải, xã Cảnh Dương cùng 4 bạn thuyền đánh bắt ở vùng biển gần bờ. Anh Cường cho hay, sau tết đã có 3 chuyến “mở biển” thành công với sản lượng và thu nhập cao. Chuyến thứ ba anh đi cùng 3 ngư dân trong thôn đi từ cuối chiều, đêm là đến ngư trường vùng lộng và thả lưới. “Chuyến này thật may mắn khi chúng tôi đón được luồng cá cơm trắng. Mỗi lần kéo lưới là trĩu nặng và cá cứ phải đổ lên cả sàn tàu”, anh Cường kể lại.

Sau một đêm kéo lưới thì thuyền anh Cường và các ngư dân cập bến. Mọi người thân, thương lái đã được báo trước nên ùa ra vui mừng, vận chuyển cá lên bờ cho kịp để ô tô vận chuyển đi tiêu thụ. ‘Chuyến đi này được trên 6 tấn cá cơm và có doanh thu trên 150 triệu đồng. Sau khi trừ chi phi thì mỗi anh em chúng tôi cũng được hơn 35 triệu đồng. Đây là chuyến biển bội thu nhất từ trước đến nay”, anh Cường cho hay. Cũng theo anh Cường, tổng cộng 3 chuyến biển anh và bạn thuyền đánh bắt được hơn 12 tấn hải sản các loại. 

Chuyến biển một đêm thu về 150 triệu đồng của ngư dân Cảnh Dương. Ảnh: P. Phương.

Chuyến biển một đêm thu về 150 triệu đồng của ngư dân Cảnh Dương. Ảnh: P. Phương.

Mặc dù chưa vươn khơi xa, song trong những ngày đầu năm mới, những chuyến đi biển của ngư dân xã Cảnh Dương đã cho thu về rất nhiều loại hải sản, như cá thu bè, mực, ghẹ và đặc biệt là cá cơm trắng. Cùng với đó, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cũng đang hỗ trợ về mọi mặt để ngư dân vươn khơi, bám biển thu “lộc biển” kịp thời vụ. Thời gian này, thời tiết ấm áp, thuận lợi, buổi sáng xuất hiện sương mù nên hải sản xuất hiện nhiều, ngư dân cũng chủ động vươn khơi. “Các loại hải sản đánh bắt được trong thời điểm này cũng đang có giá bán cao hơn ngày thường nên ngư dân phấn khởi”, ông Nguyễn Ngọc Tiếp nói.

Sau một ngày đêm đánh bắt, con tàu có công suất 30CV của ngư dân Phạm Thanh Hồng (xã Cảnh Dương) cùng 3 bạn thuyền cập bến, mang theo hơn 1 tạ hải sản, gồm ghẹ xanh, tôm tít, cá hanh, cá khoai, cá chai... Anh Hồng cho biết, thời tiết thuận lợi, nên ngày mồng 4 Tết anh đã “mở biển” và thu được nhiều tôm, cá.  “Thời tiết thuận lợi nên tàu của tôi ra khơi mỗi ngày. Tàu dùng lưới 3 lớp và chủ yếu đánh bắt các loại cá, tôm, ghẹ có giá trị kinh tế cao. Mỗi chuyến biển sau khi đã trừ chi phí, chúng tôi có thu nhập hơn 10 triệu đồng, đây là “lộc biển” đầu năm, kỳ vọng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”, anh Hồng chia sẻ.

Cũng ra biển, nhưng ngư dân Đồng Văn Hạnh một mình đánh bắt bằng thuyền thúng. Anh Hạnh cho hay, cùng với bạn thuyền thúng ra khơi từ 3 giờ sáng và trở về lúc 12 giờ trưa, biển được lắm nên cũng thu về hơn 3 yến các loại tôm tít, cá ngát, cá trích… thu được hơn 670 nghìn đồng. “Tui đã mở biển từ tối mồng Một tết đó chơ và đi liên tục cho đến hôm nay. Hội thuyền thúng của bà con cũng có thu nhập đều 600 - 700 ngàn đồng mỗi chuyến ra biển”, anh Hạnh nói như khoe.

Sức mạnh từ đoàn kết

Truyền thống từ hàng trăm năm nay của làng cảnh Dương là khai thác biển. Vì vậy, đời sống kinh tế của làng biển chủ yếu dựa vào nghề khai thác và hậu cần nghề cá.

Đội tàu đánh cá sẵn sàng đón 1 mùa biển bội thu. Ảnh: T. Đức.

Đội tàu đánh cá sẵn sàng đón 1 mùa biển bội thu. Ảnh: T. Đức.

Đến nay, làng biển Cảnh Dương có đội tàu trên 530 chiếc, trong có có trên 200 tàu đánh bắt xa bờ luôn có mặt tại các ngư trường xa. Đội tàu khai thác vùng lộng với nhiều ngành nghề khác nhau đã tạo cho Cảnh Dương luôn có những nguồn hải sản dồi dào, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Theo ông Đồng Vinh Quang, hiện Cảnh Dương có 5 tổ hợp tác trên biển. Đây chính là hạt nhân cho tình đoàn kết của các ngư dân, các tàu cá khi hoạt động trên biển. “Không chỉ ứng cứu kịp thời cho nhau trong những tình huống bất ngờ, những tai nạn rủi ro trên biển mà các thành viên trong tổ hợp tác luôn có thông tin cho nhau về luồng cá, về kinh nghiệm khi trúng luồng hải sản…để có những chuyến biển tôm cá đầy khoang”, ông Quang nói thêm.

Đội thuyền thúng ra vùng lộng cũng có thu nhập cao mỗi ngày. Ảnh: T. Đức.

Đội thuyền thúng ra vùng lộng cũng có thu nhập cao mỗi ngày. Ảnh: T. Đức.

Nhờ vậy, sản lượng đánh bắt hàng năm của Cảnh Dương đều tăng lũy tiến. Chỉ tính riêng trong năm ngoái, toàn xã đạt sản lượng hơn 36 ngàn tấn hải sản, tổng doanh thu đạt trên 360 tỷ đồng. Kế hoạch năm nay, ông Vinh chia sẻ: “Chúng tôi đưa ra kế hoạch là 40 ngàn tấn. Con số này có thể đạt được vì những ngày sau Tết Nguyên đán, bà con ngư dân ra khơi, ra lộng đều trúng mùa. Đó là dự báo vui từ đầu năm”.

Cứ đến ngày rằm tháng Giêng, làng Cảnh Dương tổ chức lễ hội cầu ngư và phát động ra quân đánh bắt hải sản. Ngoài các nghi thức lễ bái với các bậc tiền nhân, lễ hội còn diễn ra các hoạt động văn hóa, ca hát, múa bông chèo cạn để tượng trưng cho hoạt động lao động của ngư dân về đánh bắt thủy hải sản trên biển và mong ước một năm mưa thuận gió hòa, thuyền về tôm cá đầy khoang… Sau lễ hội là hàng trăm tàu cá xa bờ của ngư dân ào ạt nổ máy hướng ra ngư trường lớn.

Rộn ràng lễ hội cầu ngư và lễ xuất quân đánh bắt hải sản ở làng biển Cảnh Dương. Ảnh: T. Đức.

Rộn ràng lễ hội cầu ngư và lễ xuất quân đánh bắt hải sản ở làng biển Cảnh Dương. Ảnh: T. Đức.

Lễ cầu ngư cũng là dịp chính quyền địa phương động viên, khuyến khích ngư dân tích cực sản xuất, khai thác hải sản, tạo thu nhập cho gia đình và làm giàu quê hương. Đồng thời, tuyên truyền ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về đánh bắt IUU để phát triển bền vững nghề cá.

Vững vàng trong nghề biển nên Cảnh Dương có được tiềm năng và thế mạnh trong việc xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là địa phương cán đích nông thôn mới từ năm 2014. Đến nay, Cảnh Dương đang trong lộ trình xây đựng nông thôn mới nâng cao.

Về Cảnh Dương những ngày đầu năm mới khi không khí ngày Xuân còn vương trên mỗi mái ngói, cửa nhà, vườn dừa ven biển. Con đường  rộng rãi chạy ôm lấy làng ở phía biển với nhà cao tầng san sát nhau. Hàng dừa xanh khép tán tỏa bóng mát sát bờ biển và con đường bê tông chạy ôm lấy vườn dừa. Nối với con đường bê tông là những khu quảng trường, bến cá, chợ… thuận tiện cho người dân mua bán hải sản và  cho những chuyến tàu cập về làng sau những chuyến đi xa. Những công trình này đều do con em làng Cảnh Dương đóng góp làm nên. Tính ra, mỗi thôn cũng đã có hàng chục tỷ đồng do người dân, con em của làng đóng góp nên.

Một đoạn đường nông thôn mới ở Cảnh Dương. Ảnh: T. Đức

Một đoạn đường nông thôn mới ở Cảnh Dương. Ảnh: T. Đức

Trao đổi với chúng tôi, ông Đồng Vinh Quang cho hay, Cảnh Dương hiện chỉ còn 1,6% hộ nghèo và 1,7% hộ cận nghèo trong tổng số 2.300 hộ dân của xã. Qua gần 10 năm gìn giữ, phát triển nông thôn mới và xây dựng nông thôn mới nâng cao, đến nay, Cảnh Dương đã đạt được nhiều tiêu chí cơ bản hoàn thành và đang có điều kiện thuận lợi để xây dựng các tiêu chí còn lại.

Với lộ trình nông thôn mới nâng cao, cuối năm ngoái, Cảnh Dương đã có 7/9 khu dân cư đạt chuẩn kiểu mẫu. Những thôn còn lại đang từng bước hoàn thành các tiêu chí. “Chúng tôi phấn đấu đến năm 2025 sẽ đưa hai thôn còn lại hoàn thành tiêu chuẩn khu dân cư kiểu mẫu và đó cũng là năm Cảnh Dương sẽ đón nhận đạt chuẩn nông mới nâng cao”, ông Đồng Vinh Quang chia sẻ.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.