| Hotline: 0983.970.780

Rừng nguyên sinh đang bị tàn phá vô tội vạ

Thứ Ba 15/03/2016 , 15:23 (GMT+7)

Những cánh rừng nguyên sinh dọc đường Trường Sơn Đông, đoạn đi qua tỉnh Lâm Đồng đang bị chặt phá nặng nề trong khi chính quyền địa phương nói “công tác quản lý bảo vệ rừng rất tốt”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ khu dân cư Lán Tranh, tới gần trụ sở UBND xã Đưng K’nớ mới dài khoảng 4km nhiều diện tích rừng nguyên sinh dọc đường Trường Sơn Đông đã bị phá hủy, hàng trăm cây gỗ lớn bị chặt hạ, lấy gỗ, đốt gốc. Nhiều chỗ gỗ rừng đốt cháy chưa hết nằm la liệt trên mặt đất.

Vị trí này là vùng giáp ranh giữa các xã Đưng K’nớ, xã Lát (huyện Lạc Dương) và xã Đạ Long (huyện Đam Rông).

Như chốn không người

Khi chúng tôi có mặt tại khu vực Lán Tranh, một số người dân địa phương vẫn thản nhiên chặt phá rừng để lấy đất làm rẫy. Sự xuất hiện của người lạ không làm ảnh hưởng đến công việc hủy hoại rừng của họ. Cách đó chỉ vài trăm mét là một trạm quản lý, bảo vệ rừng nhưng “cửa đóng im ỉm”, không có người trực.

Dấu vết để lại tại hiện trường cho thấy những cánh rừng nguyên sinh dọc hai bên đường này đã bị tàn phá trong một thời gian dài và hiện vẫn đang còn tiếp diễn. Nhiều cây gỗ có đường kính gốc lên tới trên 1m, cao 20 - 30m bị chặt hạ hàng loạt.

Loại gỗ quý hiếm đã được vận chuyển đi đâu không rõ. Những cây gỗ ít có giá trị kinh tế hơn, dù có đường kính rất lớn đều bị đốt cháy đen, nằm chơ chọi ngang dọc trên mặt đất.

Nhiều vị trí rừng nơi đây bị tàn phá đến mức bị chặt trắng gần nửa quả đồi, khói lửa vẫn còn bốc lên đốt cháy những phần cây gỗ to còn sót lại.

Lại có những điểm việc chặt phá, hủy hoại tài nguyên rừng diễn ra “kín đáo” hơn. Những cây gỗ sát đường được giữ nguyên, nếu đi trên đường Trường Sơn Đông mà không chịu tháo giày dép, leo rừng đi sâu vào bên trong, thoạt nhìn tất cả đều nghĩ rừng nơi đây được quản lý tốt, vẫn còn nguyên vẹn.

Nhưng kỳ thực, chỉ đi sâu vào vài chục mét, những cánh rừng nguyên sinh bị hạ trắng hàng loạt, gỗ bị đốt cháy nằm ngổn ngang la liệt.

22-26-19_nh-3
Có những quả đồi rừng bị chặt trắng

Một người đàn ông dân tộc K’ho ngoài 40 tuổi đang chặt bỏ những cây gỗ nhỏ hơn ở khu vực đầu khu dân cư Lán Tranh cho chúng tôi biết, anh được ông chủ thuê chặt hạ một khu rừng với giá 150.000 đồng/ngày.

Khi chúng tôi hỏi: “Anh có biết phá rừng là vi phạm pháp luật không?”. Người đàn ông nọ lắc đầu trả lời: “Mình chỉ được thuê để phát rẫy thôi mà!”, và không nói gì thêm.

Rừng đổ xuống tới đâu cà phê mọc lên tới đó. Có những điểm cà phê vừa trồng được vài tháng, nhưng cũng có nhiều vị trí cà phê đã bắt đầu cho ra hoa bói lứa đầu tiên.

Theo nhiều người phản ánh, việc chặt phá, hủy hoại rừng bắt đầu diễn ra rầm rộ khi đường Trường Sơn Đông đi qua đây, giao thông thuận tiện, đất rẫy lên giá.

Trên những rẫy cà phê non này, hàng trăm gốc cây gỗ rừng lớn nhỏ bị đốt cháy đen vẫn còn, đó là dấu tích cuối cùng sót lại của những cánh rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi. Dọc đường Trường Sơn Đông, nhiều nương rẫy cà phê đã đánh bật các cánh rừng nguyên sinh trong một thời gian dài.

Rừng bị phá, chủ tịch xã bảo "không"

Ông Đoàn Quang Giao, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương cho biết, khu vực rừng bị tàn phá nhiều nhất thuộc địa phận xã Đạ Long, huyện Đam Rông.

Theo ông Giao, năm qua rừng tại địa phương do xã này quản lý được giữ khá tốt. Trong năm 2015 trên địa bàn xã chỉ xảy ra 3 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng nhưng chưa đến mức độ phải khởi tố mà chỉ phạt hành chính người có liên quan, đồng thời cắt hợp đồng đối với người được giao khoán trông coi, bảo vệ khu rừng bị tàn phá.

22-26-19_nh-4
Rừng bị phá tới đâu, cà phê mọc tới đó

Tuy nhiên, trong lúc ông Đoàn Quang Giao khẳng định việc rừng tại địa phương này được bảo vệ tốt thì khi chúng tôi vừa ra khỏi cổng UBND xã Đưng K’nớ trên 100m đã bắt gặp ngay cảnh hai thanh niên điều khiển xe gắn máy với tốc độ cao chạy trên đường Trường Sơn Đông chở theo 2 khúc gỗ chạy ngược về phía trung tâm xã Đưng K’nớ cũ.

Ông Đồng Văn Lâm, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Lạc Dương, cho biết dọc đường Trường Sơn Đông, đoạn từ khu vực Lán Tranh lâu nay là điểm nóng về tình trạng hủy hoại rừng. Riêng từ đầu năm 2016 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương đã phát hiện, lập biên bản 4 vụ vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng.

Hình thức vi phạm chủ yếu là người dân chặt phá rừng lấy đất làm rẫy. Diện tích rừng bị phá là 8.136m2, thiệt hại hàng chục mét khối gỗ. Hiện Hạt kiểm lâm Lạc Dương đang phối hợp với cơ quan công an xem xét tiến hành khởi tố vụ án đối với trường hợp tái phạm.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Việt Nam - Nhật Bản tăng cường kết nối chuỗi cung ứng nông sản

Ngày 22/11, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH AEON TOPVALU Việt Nam.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.