Sáng ngày 20/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã kiểm tra tiến độ thi công, động viên cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường tại nút giao IC4 cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn qua tỉnh Hậu Giang, trước khi chủ trì cuộc họp thúc đẩy các dự án cao tốc ở ĐBSCL vào chiều cùng ngày tại tỉnh Sóc Trăng.
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đến nay đã bàn giao 100% mặt bằng.
Tổng diện tích đất thu hồi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trên 361,5ha. Trong đó, có 4 nút giao tại vị trí các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ với số hộ phải di dời, tái định cư rất lớn.
Tỉnh Hậu Giang đã thống nhất chủ trương quy hoạch và đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư tại 4 huyện có dự án đi qua, với tổng diện tích là 13,1ha. Đến nay, các dự án đã hoàn thành và bàn giao cho UBND huyện để cấp nền cho người dân.
Do đặc thù của vùng ĐBSCL, các thửa đất dọc theo các kênh dẫn nước để lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khi tiến hành thu hồi đất, phần đất còn lại không có nguồn nước, gây phản ứng trong nhân dân.
Tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương khơi tạm nguồn nước. Tuy nhiên, để tránh người dân khiếu kiện, khiếu nại tập trung, ảnh hưởng đến dự án, UBND tỉnh Hậu Giang kiến nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chỉ đạo đơn vị tư vấn, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ liên quan đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sớm tổ chức thực hiện, đảm bảo nhu cầu sản xuất của người dân.
Đối với Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1, nguồn vật liệu cát phục vụ dự án chủ yếu từ tỉnh An Giang và Bến Tre.
Tuy nhiên, hiện nay mỏ cát trên địa bàn tỉnh An Giang phục vụ Dự án thành phần 3 đã điều chuyển cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Để không bị gián đoạn trong quá trình khai thác trong thời gian tới, UBND tỉnh Hậu Giang kiến nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp UBND tỉnh An Giang chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận lập thủ tục điều chuyển ngược lại khối lượng cát đã điều chuyển.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu đơn vị thi công phải đảm bảo yếu tố đặc thù của vùng sông nước miền Tây, không làm cản trở về dòng chảy, nguồn nước, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân...
Đồng thời lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các địa phương cần có giải pháp lâu dài về nguồn vật liệu san lấp, nhất là cát biển. Hiện nay, công suất khai thác cát biển ở Sóc Trăng đang chậm tiến độ khoảng 50%, vì chỉ khai thác được 15 ngày/tháng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị cần tập trung nghiên cứu, tìm cách khai thác liên tục, tạo dây chuyền để nâng cao công suất tối đa khai thác cát.
“Năm 2025, chúng ta phải làm xong tuyến cao tốc này, đó là lời hứa và nhiệm vụ chính trị. Tất nhiên, khó khăn không ít, chúng ta sẽ bàn và giải quyết. Các lãnh đạo địa phương quyết tâm rất cao, hết sức mình, người, của và tài nguyên dồn cho công trình này”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Báo cáo Phó Thủ tướng, ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, hiện các địa phương đã bàn giao 100% mặt bằng, còn vướng khoảng 200m (bãi rác) tuyến nối trên địa bàn TP Cần Thơ. Dự kiến trong tháng 12/2024 sẽ hoàn tất việc di dời.
Về tiến độ dự án, hiện sản lượng thi công đạt hơn 50% kế hoạch. Trong đó, tuyến chính đã đắp hoàn thành gia tải 36%; hoàn thành phần mặt 41 cây cầu. Dự kiến cuối năm 2024, dự án sẽ hoàn thành đắp gia tải tuyến chính và các cầu còn lại.
Cũng theo ông Tuân, đến nay, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long đã cấp cho dự án tổng cộng 20 mỏ cát sông, với tổng trữ lượng 19 triệu m3.
Tuy nhiên, hiện nay tỉnh An Giang đã tạm dừng khai thác 7 mỏ cát, do khai thác quá độ sâu thiết kế, chất lượng xấu và có nguy cơ làm cơ sạt lở bờ sông. Hiện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang tích cực làm việc với tỉnh An Giang để sớm đưa 2 mỏ đã khắc phục xong các tồn tại vào khai thác trở lại.