Ruộng giữa đồng, chồng giữa làng

Đặng Quỳnh Lê - Thứ Năm, 29/12/2022 , 06:05 (GMT+7)

Đằng sau khung cảnh làng quê nhìn có vẻ yên bình sau lũy tre làng là một cuộc tranh đấu, giữa người làng này và làng khác, giữa những người cùng làng với nhau...

Trên đồng ruộng châu thổ Bắc Kỳ. Ảnh: TL.

Trong một bài báo, theo tác giả Phạm Văn Tình, câu tục ngữ “Ruộng giữa đồng, chồng giữa làng” là một lời khuyên, được dân gian tổng kết từ cuộc sống về hai việc rất cần thiết: 1) lo tìm đất cho việc làm ruộng và 2) lo chuyện chọn chồng cho yên bề gia thất của các cô gái làng quê.

Để chứng minh cho luận điểm đó, tác giả cho rằng ruộng nằm ở vị trí giữa cánh đồng có nhiều lợi thế, ví dụ như ít bị sạt lở bờ, an ninh đảm bảo hơn; còn lấy chồng giữa làng thì thăm hỏi họ hàng, anh em, bố mẹ dễ dàng hơn.

Người viết không cho rằng việc giảng nghĩa trên là sai bởi vì việc giảng nghĩa các câu tục ngữ vốn phức tạp, khó khăn khi mà nó ra đời từ lâu, trong một bối cảnh khác bây giờ và xã hội có những đứt gãy về mặt thông tin nhất định để có thể kết luận chính xác. Nhưng trong khuôn khổ bài viết ngắn này, hi vọng sẽ đem lại một cách lý giải có lý và phù hợp hơn với đời sống sinh hoạt của người nông thôn Việt Nam thời đó.

Thứ nhất, một đám ruộng được coi là tốt nó đến từ nhiều yếu tố, không thể nói chung chung “ruộng giữa đồng” là tốt được. Căn cứ thứ nhất là độ phì nhiêu của ruộng: ruộng tốt nhất là những ruộng cho hai vụ lúa tốt, sau đó là một vụ lúa tốt và một vụ màu (như ngô, khoai) tốt; kém hơn là những ruộng chỉ trồng được một vụ và cuối cùng là những ruộng chỉ để trồng màu.

Căn cứ thứ hai là yếu tố nước, những ruộng có thể chủ động lấy nước, không lo về lụt lội, hạn hán sẽ được coi là tốt hơn ruộng bị thiên tai đe dọa.

Căn cứ thứ ba mới là vị trí thửa ruộng đối với làng xóm, ruộng gần thì dễ thăm nom, chuyên chở và đảm bảo chất phì nhiêu chảy từ trong làng ra sẽ bồi đắp cho những thửa ruộng gần.

Từ ba căn cứ đó, “ruộng giữa đồng” ám chỉ vị trí ruộng giữa cánh đồng là không hợp lý. Mặt khác, vì theo truyền thống xưa, người dân không thích người dân làng khác tới mua ruộng làng mình. Người dân tìm cách để ngăn chặn người làng không bị mất ruộng bằng nhiều cách khác nhau.

Hoặc bắt người mua phải cho chính người bán đó cấy rẽ trên đó, bắt chịu phải trả phí canh phòng gấp 2 - 3 lần so với người làng; nặng nề hơn là tổ chức phá hoại ngay khi lúa trổ bông khiến cho người mua có thể sẽ phải bán đi.

Vì vậy, “ruộng giữa đồng” chính là ruộng - làng, việc sở hữu ruộng - làng mang lại nhiều thuận lợi hơn, không phải lo ngại gì, như tranh chấp, phá hoại. Lý do tinh thần nữa là, việc làm chủ ruộng - làng là có danh giá, nhờ đó có thể ngoi lên các chức vụ trong làng, như lý trưởng, phó lý, trương tuần.

Thứ hai, là “chồng giữa làng”, tức lấy ngay người làng thì sẽ đem lại nhiều thuận hơn cho cuộc sống cho đôi vợ chồng trẻ, như tác giả Phạm Văn Tình đã lý giải. Hai gia đình có thể hiểu rõ nhau, như câu tục ngữ “Lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống” đã khuyên răn.

Nhưng có một lý do nữa là, đó là liên quan tới làng nghề. Khi người con gái lấy chồng sang làng khác thì sẽ không được phép hành nghề làng cũ nữa, nếu cần làm một ít đồ tiêu dùng cá nhân thì phải trở về quê cũ để làm. Trong một số làng, để giữ bí mật cho làng nghề, ví dụ như làng Thổ Ngọa (ở Thuận Bài, Quảng Trạch, Quảng Bình) có nghề làm nón lá, cấm con gái lấy chồng ngoài làng.

Có câu tục ngữ khác có chữ “giữa” như câu trên là “miếng giữa làng bằng sàng xó bếp” (hoặc "Miếng thịt làng sàng thịt mua"). Nó phát phất từ tục xưa, vào kỳ thần bái xã hay có công việc gì, dân tụ tập ăn uống, gọi là hương ẩm.

Các vị khách tham dự hương ẩm khi ngồi phải theo ngôi thứ, ví dụ chức sắc ngồi gian giữa, bên thì lý dịch, bên thì lão hạng. Khi tế thần xong, thì cắt thịt tế chia ra theo ngôi thứ, có người làm hai ba chức thì được nhiều, đặc biệt là tiên chỉ làng, có khi đến hàng gánh thịt về nhà. “Miếng giữa làng” chính là ý niệm về sự tranh chấp giữa người làng với nhau để có ngôi thứ.

Như vậy qua hai tục ngữ, ta thấy rằng đằng sau khung cảnh làng quê nhìn có vẻ yên bình sau lũy tre làng là một cuộc tranh đấu, giữa người làng này và làng khác, giữa những người cùng làng với nhau. Sự sinh tồn và quyền lợi của bất kì cá nhân nào, nam hay nữ phải gắn chặt với ngôi làng mình sống.

Một mặt người dân trong làng phải bảo vệ quyền lợi của làng mình, như việc sở hữu và bảo vệ đất làng, hay giữ gìn làng nghề; mặt khác nó cũng phản ánh một tư duy mà ta có thể gọi là “tiểu nông”, chẳng hạn như nó ngăn cản một người có thể sở hữu số lượng lớn đất ruộng.

Đặng Quỳnh Lê
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.