'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nguyên Phong - Thứ Tư, 04/12/2024 , 06:35 (GMT+7)

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Bài thơ của Lê Thái Tổ cho khắc trên núi sông Bờ thuộc châu Lai (Lai Châu), nay đã được đưa về Đền thờ vua Lê Lợi tại xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Lí Học.

Phạm Thận Duật (1825 - 1885) “là một vị quan thanh liêm, một nhà chính trị vì nước vì dân, một nghĩa sĩ Cần Vương chống Pháp, một nhà thơ, nhà văn hóa đa diện”, ông làm nhiều chức vụ, từ giáo thụ, tri châu, tri phủ, Bang biện tỉnh vụ kiêm Đồn điền sứ, Án sát sứ, Bố chính sứ, quyền Tổng đốc và Phó tổng tài Quốc sử quán kiêm quản Quốc tử giám. “Hưng Hóa kí lược” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông. Tác phẩm như một cuốn bách khoa tri thức về vùng Tây Bắc thời bấy giờ.

"Hưng Hóa kí lược”, công trình biên khảo theo thể loại địa lý học - lịch sử về vùng đất Hưng Hóa đươc viết bằng chữ Hán (khoảng 42 nghìn chữ) vào năm Bính Thìn khi tác giả mới ngoài 30 tuổi, một năm sau khi ông nhậm chức Tri châu Tuần Giáo. Ngày nay tác phẩm "Hưng Hóa kí lược” đã được Ngô Thế Long dịch, in trong cuốn “Phạm Thận Duật - Cuộc đời và tác phẩm”, NXB KHXH, HN. 1989, tái bản trong cuốn “Phạm Thận Duật toàn tập”, NXB Văn hóa Thông tin năm 2000.

Theo thống kê của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân, trong kho sách địa phương chí nói chung ở nước ta, sách địa phương chí xuất hiện ngày càng nhiều, ví dụ: "Ô Châu cận lục" của Dương Văn An, "Phủ biên tạp lục" của Lê Qúy Đôn; "Hải Dương chí lược" của Ngô Thì Nhậm; "Gia Định thành thông chí" của Trịnh Hoài Đức, "Cao Bằng thực lục" của Nguyễn Hữu Cung, "Hưng Hóa xứ phong thổ lục" của Hoàng Bình Chính, "Hưng Hóa kí lược" của Phạm Thận Duật, "Bắc thành địa dư chí lục" của Lê Chất, Nghệ An kí của Bùi Dương lịch, "Tuyên Quang phong thổ chí" của Nguyễn Văn Bân, "Thiện Đình xã chí tập" của Đặng Xuân Viện... Và còn một số cuốn sách địa dư khác mà Nguyễn Quang Ân chưa kể đến như: "Bắc Giang địa chí", "Hưng Yên địa chí" của Trịnh Như Tấu; "Địa dư huyện Cẩm Giàng", "Địa dư huyện Quỳnh Côi", "Địa dư huyện Bình Lục" của Ngô Vi Liễn hay "Thái Bình phong vật chí" của Phạm Văn Thụ… Trong nhiều tác phẩm kể trên, tác giả thường là những người làm quan tại địa phương đó và trong quá trình đó đã nghiên cứu, khảo cứu và điền dã rồi làm nên những cuốn sách địa phương chí về vùng đó.

Phạm Thận Duật cũng là một trong những quan lại đó. Năm 1856, khi Phạm Thận Duật làm Tri châu Tuần Giáo được 2 năm, vào độ tuổi đang sung mãn (ngoài 30 tuổi) ông đã viết Hưng Hóa kí lược. Ông đã đã khảo cứu, ghi chép trên một diện tích khá rộng, gọi là vùng Hưng Hóa nhưng theo nhận xét của PGS. TS Bùi Xuân Đính trong bài “Phong tục tập quán các dân tộc ít người qua “Hưng Hóa kí lược” thì: “Dưới triều Nguyễn, qua thống kê của Phạm Thận Duật, Hưng Hóa gồm 4 phủ: Gia Hưng, Quy Hóa, Tây An, Điện Biên với 15 châu, 6 huyện (không kể các châu, huyện kiêm lí), 40 tổng, 223 xã, sách, động, 7920 suất đinh. So với ngày nay, Hưng Hóa dưới triều Nguyễn tương ứng với toàn bộ các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, và một phần các tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Tuyên Quang…). Đây là vùng các dân tộc ít người sinh sống từ lâu đời. Phạm Thận Duật đã thống kê có tới hơn 30 dân tộc, trong đó có 4 dân tộc là “dân ngụ cư”: Mán, Thanh, Nùng và người Minh Hương). Điều đó có nghĩa là, sách “Hưng Hóa kí lược” có nội dung phản ánh bao trùm trên một diện tích khá rộng gồm nhiều tỉnh thuộc vùng Tây Bắc ngày nay.

Nội dung của sách "Hưng Hóa kí lược" gồm 12 mục: Duyên cách (sự thay đổi địa giới), Cương vực, Dinh điền ngạch thuế, Núi sông, Chùa chiền, Thành trì, Cổ tích, Khí hậu, Thổ sản, Phong tục tập quán, Thổ tự (chữ của người Thái) và Thổ ngữ (từ ngữ của người Thái).

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyền: “Nội dung của "Hưng Hóa kí lược" có 12 đề mục bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí. Song với năng khiếu sử học sẵn có, Phạm Thận Duật thường đi sâu vào những đề mục, mũi nhọn và đã để lại cho chúng ta những trang khảo cứu khá công phu. Cũng cần nói thêm, "Hưng Hóa kí lược" của ông không những có dung lượng số liệu đa dạng mà còn có sự giàu có về chi tiết. Chắc rằng, những ưu điểm này sẽ nâng tập sách lên thành đối tượng khai thác của nhiều ngành khoa học.

Đọc "Hưng Hóa kí lược", bạn đọc ngày nay hiểu được những sự thay đổi địa giới của Hưng Hóa qua các đời, thấy địa giới của từng tỉnh, huyện, từng châu với những tên quen thuộc như ở mục Duyên cách, không những trình bày sự thay đổi địa giới của cả tỉnh qua các đời mà còn cho biết lịch sử duyên cách lúc tách hợp cùng sự thay đổi tên gọi của các phủ, huyện, châu. Ở mục này có các mục phụ là: Châu Mai, châu Yên, Mai Sơn, châu Thuận, Quỳnh Nhai, châu Luân, Tuần Giáo, châu Lai, châu Văn Bàn… Hay ở mục Núi sông nói về các con sông: Sông Mã, sông Đà, sông Thao và những ngọn núi ở Thanh Sơn, Thanh Thủy, Phù Yên…

Khuôn viên Đền thờ vua Lê Lợi tại xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Về phương diện học thuật, nét đặc sắc nổi bật của "Hưng Hóa ký lược" là ở phương pháp biên soạn khoa học, bài bản của tác giả.

Đặc biệt, trong mục “Cổ tích”, Phạm Thận Duật dành nhiều trang viết về lịch sử bia và bài văn bia của Lê Lợi ở cạnh sông Bờ thuộc châu Lai (tức Lai Châu ngày nay), nói về việc đánh Xa Khả Sâm năm Thuận Thiên 5 (1432) và bài thơ bình Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ. Theo đó, ông đã dựa vào sách của Viện hàn lâm soạn vào năm Tự Đức thứ 4, ghi lại nguyên văn bài thơ của Lê Thái Tổ cho khắc trên núi sông Bờ thuộc châu Lai với tinh thấn “Thảo mộc kinh phong hạc/Sơn xuyên nhập bản đồ”, nghĩa là “Cỏ cây cũng làm quân giặc kinh sợ / Núi sông (của ta) thu vào bản đồ” và bài thơ vua Lê cho khắc ở châu Đà Bắc bến Vạn Bờ (thuộc Hòa Bình ngày nay) với câu nói nổi tiếng “Biên phòng hảo vị trù phương lược / Xã tắc ưng tu kế cửu an”, nghĩa là “Phòng ngừa bờ cõi cần ra sức / giữ vững cơ đồ phải gắng công”.

Hoặc, xem "Hưng Hóa kí lược", bạn đọc có thể thấy những thổ sản của vùng này được tác giả ghi chép rất cẩn thận, chi tiết mà ngày nay đã trở thành đặc sản của vùng như: Trám, củ nâu, ong, ngựa, trứng kiến, cánh kiến đỏ, sơn, dụ, sắn, dó, cây tên độc… PGS.TS Phan Văn Các trong bài “Hưng Hóa kí lược - cuốn địa phương chí đặc sắc của Phạm Thận Duật” nhận xét: “Về phương diện học thuật, nét đặc sắc nổi bật của "Hưng Hóa ký lược" là ở phương pháp biên soạn khoa học, bài bản của tác giả, có thể thấy một phần ở Lời tựa của chính tác giả viết ở đầu sách. Đó chính là điều mà trong phương pháp luận khoa học ngày nay ta gọi là nắm vững lịch sử vấn đề, kế thừa thành tựu của người đi trước. Ông đã tham khảo, trích dẫn trên bốn mươi tài liệu thư tịch của các tác giả trong nước và tác giả Trung Hoa”.

Phạm Thận Duật cũng như nhiều quan lại có tài, có đức khác trong các triều đại phong kiến Việt Nam là đi làm quan và tích cực nghiên cứu, sưu tầm, khảo cứu, điền dã để viết ra những cuốn sách “địa phương chí” có giá trị cho hậu thế. Làm tròn việc quan, việc triều đình đã khó, nhưng còn làm được những cuốn sách cho địa phương nơi làm quan còn khó hơn. Đó là việc mà không phải ai cũng làm được, đặc biệt như trong thời điểm hiện nay.

 Lời tựa cuốn "Hưng Hóa kí lược"

Tiên Nho xưa nói rằng: “Miệng muốn nói, hãy nói bằng miệng của người xưa. Tay muốn viết, hãy viết bằng tay của người xưa”. Có lẽ vì cái mà người xưa nói đã rất đầy đủ rồi, người sau không nên nói thêm nữa.

Duật tôi năm trước vâng mệnh nhậm chức ở châu Tuần Giáo, Hưng Hóa. Hỏi biết rằng quan Đốc đồng họ Hoàng (tức Hoàng Bình Chính, 1736 - 1785, đỗ tiến sĩ năm 1775 đời Lê Cảnh Hưng, làm Đốc đồng nhung cụ ở Hưng Hóa, soạn sách "Hưng Hóa phong thổ kí") đời Lê và quan Hiệp trấn họ Trần, quan Phủ viện họ Ngụy của triều ta (Nguyễn), đều có viết sách Hưng Hóa. Tôi tìm mua mãi mà không được. May thay, tôi được một quyển sách chép về các tỉnh của Viện hàn lâm, viết vào năm Tự Đức thứ 4 (1851), rồi lại được một bộ Hưng Hóa lục của Hiệp trấn Trần. Tôi bèn trân trọng cất trên giá sách, thường thường đem ra suy xét. Như người say bừng tỉnh, như người mơ thức dậy, tôi chợt hiểu ra, cái gọi là “miệng người xưa, tay người xưa” chẳng ở đấy sao? Lần lượt xem hết bộ sách của họ Trần thì biết được sổ sách về ngạch bậc đinh, điền. Ngoài ra đều chép sơ sài qua loa. Cũng là gốc ở sách chép về các tỉnh của Viện Hàn lâm, không sai dị nhiều. Tuy nhiên, đất biên cương xa xôi, người Kinh, người miền núi ở lẫn, núi cách sông sâu, chân không đến được thì những chỗ đáng ngờ há lại ít sao?

Duật tôi không tự run sợ xấu hổ, lấy hai tập làm gốc, căn cứ vào sách vở cùng truyện kí của các nhà, lại góp nhặt các chuyện thường đàm trong thôn xóm, chép ra 12 mục, đặt tên là "Hưng Hóa kí lược". Thỉnh thoảng cũng lấy ý riêng mà bàn góp vào một đôi chỗ, nhưng không dám tự coi mình là đúng. Hãy cứ thuật lại những điều mình biết, để đợi sự chỉ giáo của người quân tử.

(Ngô Thế Long dịch)

Nguyên Phong
Tin khác
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ Võ Chí Nhất vừa có tiểu thuyết lịch sử ‘Hoàng cung’ được Nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice dịch và in tại Ý, với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’.

Có một người tu hành như thế
Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.

Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc
Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc

Tác giả trẻ My Tiên ở đất võ Bình Định vừa ra mắt tập thơ ‘Vùng da thiêng’ với nhiều cảm xúc nồng nàn về quê hương và con người Nam Trung bộ.

Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.