Sự tích truyền nghề chạm bạc Đồng Xâm
Nghề chạm bạc ở đất Đồng Xâm (tên gọi cũ là làng Đường Thâm, nay thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) có từ thế kỷ 15 do tổ nghề Nguyễn Kim Lâu đem nghề kim hoàn từ châu Bảo Lạc (nước Đại Minh) về truyền dạy cho dân làng, sau đó lan sang các làng lân cận.
Trên phiến đá cổ trong đền thờ tổ ghi: Đền thờ dựng từ năm 1428, ban đầu là một am nhỏ được các học trò và dân làng dựng lên để hương khói, tưởng nhớ công lao người thầy đã có công truyền dạy nghề thợ cho dân làng. Theo thời gian, am mỗi ngày được trùng tu, xây sửa, trở thành đền như ngày nay.
Các cụ cao niên làng nghề kể rằng, thuở xa xưa, các tàu buôn đi dọc sông Trà Lý, từ xa đã nhận thấy những quầng sáng hắt lên từ trong làng như ngọn hải đăng dẫn lối. Những quầng sáng đó, thực chất là một bãi có trắng, lúc có nắng phản chiếu tạo thành chùm sáng. Theo quầng sáng dẫn lối, những thương nhân trên thuyền đã ghé vào cập bến, tạo thành chốn giao thương.
Từ những thuyền buôn này, các sản vật thủ công mỹ nghệ từ khắp mọi miền không hẹn mà cùng tụ họp ở làng Đồng Xâm. Làng quê hiền lành này bỗng trở thành nơi giao thoa của những tinh hoa nghề thủ công mỹ nghệ, khai mở cho người dân địa phương được mở mang tầm mắt. Rồi, cũng chính những thuyền buôn này trở thành phương tiện để người làng đi ra bên ngoài để học nghề, kiếm sống ở tứ xứ, để rồi khi về lại quê hương mang theo rất nhiều nghề, trong đó có nghề chạm bạc.
Hằng năm, vào tháng giêng, mỗi bản phường phải đóng đủ ba trăm đồng bạc để làm lễ cầu phúc. Giữ nguyên lệ này, nếu bản phường nào có con em nộp thiếu thì không được theo nghề.
Trên bia đá cổ của đền Đồng Xâm ghi: “Từ thuở mở nước, các bậc đế vương đã chú trọng nghề bỏ khuyết đống oa. Nên cần phải chú ý gìn giữ.
Được sự đồng ý của quản dịch, các phường cùng góp sức đúc một quả chuông lớn bằng đồng để cúng vào chùa “Kim Tiên".
Từ nay, các tổ ở bản phường, nếu không phải con em trong nghề thì không dạy và không được vào bản phường ngồi học vậy.
Các tổ ở bản phường có con em đi làm ăn xa, mà đem nghề tổ truyền cho các nơi, dù chỉ nghe mà không trông thấy cũng bắt phạt để giữ nghiêm phép nghề.
Nay khắc vào bia để dặn lại, sau này không được ai vi phạm.
Tiên sư và bản chùa có long thần chiếu giám. Chỉ duy nhất có một cụ tổ truyền nghề. Mùa xuân năm Thuận Thiên thứ 2 (1428)”.
Đức tổ nghề Nguyễn Kim Lâu được các học trò, dân làng và các đời vua công nhận là vị thần Linh ứng - Chính trực (Sắc Phong của Vua Khải Định thứ 9, ngày 25 tháng 7 năm 1925).
Sau nhiều lần được các lớp thợ nghề và dân làng tôn tạo tu sửa đến nay vẫn giữ được nét cổ xưa của văn hóa Việt. Năm 2010, làng nghề mỹ nghệ kim hoàn Đồng Xâm được Bộ VH-TT&DL công nhận làng nghề và được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cấp bằng chứng nhận là 1 trong 12 làng nghề tiêu biểu toàn quốc và đang được bảo tồn và phát triển tinh hoa làng nghề Đồng Xâm.
Thích ứng với thị trường và nhu cầu khách hàng
Ông Triệu Đăng Khoa, Chủ tịch Hội mỹ nghệ kim hoàn chạm bạc Đồng Xâm, nghệ nhân quốc gia cho biết: “Sở dĩ có cái tên Làng kim hoàn mỹ nghệ Đồng Xâm bởi lẽ nghề truyền thống cũng phải chuyển mình thích nghi với thị hiếu người tiêu dùng.
Thời bao cấp, làng Đồng Xâm sản xuất các sản phẩm bằng bạc theo đơn hàng của nhà nước để làm quà tặng cho các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Đến thời mở cửa, các hộ chạm bạc phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Với giá trị của sản phẩm bạc rất lớn, đắt tiền, kén khách, những người thợ Đồng Xâm không ở làng để chờ đơn hàng hay khách tìm đến, họ tỏa đi muôn nơi làm nghề vàng, nghề bạc, nghề đồng... ở những thành phố lớn. Cách chế tác kim hoàn mỹ nghệ của Đồng Xâm đáp ứng được nhu cầu về thẩm mỹ và hợp túi tiền của nhiều khách hàng khác nhau.
Trước đây, sản phẩm chủ yếu là đồ thờ cúng, đồ ăn bằng bạc và xuất khẩu sang châu Âu.
Sau thời kỳ bao cấp, làng nghề đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường như trang trí nội thất, quà tặng.
Sản phẩm đa dạng về chất liệu, mẫu mã, giá cả để phù hợp với các phân khúc khách hàng khác nhau.
Những người con đi xa vẫn trở về
Xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương là nơi đất tổ nghề chạm bạc, từ đó phát triển đi muôn nơi. Hằng năm, giá trị thu nhập từ tiểu thủ công nghiệp (sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống) chiếm tới 57,6% tổng giá trị sản xuất của toàn xã. Đây là cơ sở để Hồng Thái tiếp tục có định hướng phát triển trong những năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Tuân, nghệ nhân làng nghề Đồng Xâm cho biết, trước đây, ông lên Hà Nội làm chế tác thuê cho một cửa hàng vàng bạc. Sau nhiều năm tích lũy kiến thức, ông mua nhà ở phố Định Công mở cửa hàng kinh doanh mỹ nghệ. Mười mấy năm sống và làm nghề ở Hà Nội, mới đây ông về quê, mở cơ sở sản xuất đồ đồng với các sản phẩm đồ thờ, vật trang trí trong gia đình. Giá cả từ vài trăm ngàn, vài triệu đến vài chục, vài trăm triệu đều có, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Giờ đây, người dân Đồng Xâm xã Hồng Thái và 2 xã cùng làm mỹ nghệ kim hoàn có rất nhiều người quay lại với nghề. Mỗi hộ là một cơ sở sản xuất. Thu nhập từ làm nghề ổn định 6 - 7 triệu/người/tháng. Với những người thợ có tay nghề cao, mức thu nhập gấp 2 - 3 lần, tương ứng 15 - 20 triệu/tháng. Làng quê đã khởi sắc và người dân sống được với nghề kim hoàn mỹ nghệ.
Bảo tồn và phát triển tinh hoa làng nghề Đồng Xâm
Hiện nay, vì giá trị bạc cao, nên làng nghề còn ít tổ làm bạc mà chuyển sang nguyên liệu đồng mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, giá rẻ hơn, người dân dễ mua được những món đồ vừa với túi tiền. Mặc dù có sự thay đổi về nguyên liệu nhưng về kỹ xảo nghề nghiệp, sự hào hoa, nét đẹp của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm vẫn lưu giữ và khẳng định được.
Làng nghề đã hội tụ các kỹ năng, công nghệ từ nhiều làng nghề khác để tạo ra sản phẩm đa dạng và chất lượng cao. Làng nghề đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống.
Để hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật thì người thợ phải trải qua nhiều công đoạn như trơn - đấu - đậu - chạm. Tùy theo tác phẩm, có những tác phẩm thì tạo hình rồi mới chạm, nhưng có những tác phẩm chạm rồi mới lên hình.
Tuy các công đoạn khác nhau nhưng người thợ vẫn phải thiết kế tổng thể rồi từng bước hoàn thành sao cho hợp lý. Cho nên khác với các làng nghề như đúc đồng Ý Yên, Đại Bái và các làng nghề kim hoàn khác thường theo hướng thiết kế, dựng hình rồi mới chạm. Đặc biệt, khả năng khớp nối các công đoạn để hoàn thiện sản phẩm từ trơn - đấu - đậu - chạm, phối màu, lên màu sản phẩm thì phải kể đến chạm bạc Đồng Xâm về độ tinh xảo, tỉ mỉ và đậm chất nghệ thuật trong từng sản phẩm.
Theo chân ông Từ trông đền Đồng Xâm, chúng tôi tìm đến nghệ nhân duy nhất còn làm nghề chạm bạc, ông Nguyễn Thế Dân.
Ông Dân cho biết, ông được cha truyền lại nghề, đến đứa cháu đang làm với ông ở đây là 4 đời liên tiếp. Đối với ông, nghề chạm không chỉ là thu nhập mưu sinh mà còn là sự đam mê chế tác, sáng tạo trên từng sản phẩm. Có những khách hàng đặt ông làm theo hàng mẫu, nhưng cũng nhiều khách chỉ đưa ra ý tưởng, ông thỏa sức sáng tạo, thực hiện ý tưởng đó. Đứa cháu sinh năm 1996 đang làm cùng ông cũng là người giàu ý tưởng, sáng tạo ra rất nhiều mẫu mã đẹp nên nhiều người biết đến, nhiều khách hàng tìm đến.
Làm nghề thủ công vất vả mà ngày công lao động thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Vì vậy, nhân lực, những người theo nghề, yêu nghề rất tâm tư. Những người theo nghề đều mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ để bảo tồn và phát triển tinh hoa làng nghề Đồng Xâm.