Với danh nghĩa là chủ đầu tư, NXB Hà Nội là đơn vị “đứng mũi chịu sào” trong việc thực hiện giải ngân tất cả các gói thầu (điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản gần 200 đầu sách) của dự án "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến". Thế nhưng, mọi chuyện dường như không được tiến hành đúng tiến độ.
Dự án trên được thực hiện qua hai giai đoạn. Giai đoạn 1 triển khai từ năm 2006 đến 2011 (với tổng kinh phí đầu tư 60 tỷ 952 triệu đồng); giai đoạn 2 kéo dài từ năm 2013 đến hết năm 2017 (với tổng dự toán kinh phí là 58 tỷ 715 triệu đồng).
Về nguyên tắc, tất cả các đầu sách của dự án trên thuộc danh mục Nhà nước đặt hàng nên không được bán, không được ghi giá, chỉ phục vụ mục đích biếu tặng. Theo quy định, mỗi đầu sách có số lượng xuất bản tối đa trên giấy phép là 1.000 cuốn. Thế nhưng, không ít cuốn sách trong số đó đã được nhân bản cả nội dung và hình thức, in giá bán ở bìa 4 để thương mại hoá, bán tràn lan trên thị trường.
Phóng viên NNVN đã điểm mặt được một số “bản sao” những cuốn sách gốc nằm trong khuôn khổ của dự án. Đó là: Tuyển tập văn kiện lịch sử (giá 280.000đ); Hà Nội danh thắng và di tích - tập 1 (giá 340.000đ); Hà Nội danh thắng và di tích - tập 2 (giá 360.000đ); Địa chí Hà Tây (giá 290.000đ); Di sản văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám (giá 320.000đ); Hà Nội địa chất địa mạo và tài nguyên liên quan (giá 150.000đ); Thế giới biểu tượng trong di sản văn hoá Thăng Long - Hà Nội (giá 230.000đ); Khâm định An Nam kỷ lược (giá 330.000đ); Nghệ thuật múa Hà Nội, truyền thống và hiện đại.
Những đầu sách của dự án "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến" được in giá để bán trên thị trường
Tìm mua những cuốn sách trên không khó, bởi chúng được bày bán ở những vị trí trang trọng tại nhiều hiệu sách trên phố Đinh Lễ; Nguyễn Xí và dọc đường Láng (Hà Nội). Chỉ có điều, giá những cuốn sách ấy được người bán… hét tận mây xanh.
Vào vai những nghiên cứu sinh tìm mua sách, chúng tôi tấp vào một hiệu sách ở số 676 Láng thượng (quận Đống Đa, Hà Nội). Đó là nơi tập kết của hàng trăm cuốn sách có in lô gô kèm dòng chữ “Tủ sách Thăng Long 1.000 năm”, được giới thiệu là do NXB Hà Nội ấn hành.
Khi hỏi mua cuốn sách “Địa chí Hà Tây”, ghi giá bán là 290.000 đồng ở cuối bìa 4. Nữ nhân viên bán hàng thông báo: “Sách dự án Tủ sách Thăng Long (ngàn năm văn hiến - PV) nhà em không bán theo giá in trên bìa. Cuốn ấy giá 500.000 đồng”. Những cuốn sách khác cũng được hiệu sách này tự ý đẩy giá cao ngất ngưởng. Ví dụ, cuốn "Di sản văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám" bị đẩy giá từ 320.000 đồng lên 500.000 đồng;…
Cuốn "Di sản văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám" bị đẩy giá từ 320.000 đồng lên 500.000 đồng…
Càng bất ngờ hơn khi ở hiệu sách này có cả vài chục đầu sách của dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến thuộc diện hàng biếu tặng (tức không ghi giá ở bìa) được bày bán công khai trên kệ vẫn còn nguyên bọc ni lông bên ngoài như mới, với mức giá “cắt cổ” do hiệu sách tự niêm yết. Ví dụ như bộ sách "Thư mục tư liệu trước 1945" có giá 1.600.000 đồng/bộ; cuốn "Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Hương ước - tục lệ" có giá 700.000 đồng; bộ sách "Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Địa chí" có giá 3 triệu đồng.
Thấy chúng tôi than thở, một thanh niên khác “nắn gân”: “Anh ra nhà sách Đ.T trên đường Nguyễn Chí Thanh, họ bán bộ sách "Tuyển tập Địa chí" như nhà em hơn 4 triệu đồng cơ”.
Theo lý giải của thanh niên này, sở dĩ các cuốn sách thuộc dự án Tủ sách Thăng Long đắt là vì chúng chỉ được in 1 lần vào dịp kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long để biếu tặng chứ không in để bán bên ngoài, vì thế nên rất quý.
- Sách này anh lấy từ những nơi được tặng hay ở đâu? - chúng tôi hỏi.
- Sách này ở trong kho của NXB Hà Nội. Họ đẩy ra, họ gọi thì em đến lấy chứ những người được tặng họ chẳng bao giờ bán - chủ hiệu sách trả lời.
- Mình phải vào kho (NXB) mới lấy được à?
- Thì phải là những người thân thiết hay lấy nhà (NXB - PV) nó thì mới lấy được.
- Nhưng sao không ghi giá ở đây? - một đồng nghiệp chỉ vào cuốn sách "Tư liệu Thăng Long - Hà Nội: Hương ước, tục lệ hỏi".
- Nó là sách để tặng thì còn ghi giá làm gì. Anh phải hình dung là mỗi NXB như NXB Hà Nội, họ in như này nhưng trong kho họ vẫn còn một ít chứ không phải là đẩy hết đi luôn. Mỗi đầu sách người ta in 1.000 cuốn. Nếu nó không tặng hết thì sẽ còn tồn kho. Trong lô này có tổng cộng 138 cuốn. Nói chung nhà em bán tương đối nhiều rồi.
Vậy NXB có in giá bán những cuốn sách trong danh mục Nhà nước đặt hàng hay không; đã được cơ quan chức năng cho phép in giá bán để thương mại hoá hay là xuất bản “chui”, in lậu? Sáng ngày 16/2, chúng tôi tìm đến NXB Hà Nội để liên hệ phỏng vấn trực tiếp lãnh đạo đơn vị này. Thế nhưng, việc thuyết phục ông Lê Tiến Dũng (Tổng Giám đốc NXB Hà Nội) và các thành viên trong Ban Quản lý dự án "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến" mở lời là không thể.
Nhắc đến những chuyện khuất tất của dự án "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến", Báo NNVN đang nắm giữ nhiều tư liệu về các dấu hiệu liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án chậm tiến độ; quản lý yếu kém gây lãng phí; phớt lờ chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc lựa chọn đơn vị tư vấn giám sát độc lập; sai phạm trong quy chế tài chính khi giải ngân các gói thầu của chủ đầu tư…