Những trăn trở từ nghệ nhân
Sáng 9/11, nằm trong khuôn khổ Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023, Bộ NN-PTNT tổ chức tiếp đoàn các nghệ nhân, thợ giỏi lĩnh vực ngành nghề, làng nghề nông thôn.
Thông qua buổi tọa đàm, Bộ NN-PTNT muốn được lắng nghe trực tiếp các ý kiến của các nghệ nhân, để từ đó để ra các biện pháp bảo tồn, gìn giữ và phát triển các làng nghề. Đồng thời, xây dựng được một hệ sinh thái hỗ trợ các làng nghề, từ vùng nguyên liệu, chuỗi cung ứng cho tới phân phối, tiếp thị và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Tĩnh, nghệ nhân làng nghề mây tre đan Phú Vinh, TP Hà Nội mong muốn cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục quan tâm, xây dựng cơ chế chính sách cho các nghệ nhân, đồng thời tích hợp thêm nhiều giá trị cho làng nghề như phát triển du lịch, trải nghiệm cho du khách. Ngoài ra, ông Tĩnh đề xuất có chính sách hỗ trợ một số ngành nghề, làng nghề bị mai một thời gian qua.
"Nghệ nhân như chúng tôi luôn mong muốn được sống bằng nghề của cha ông để lại. Hy vọng Bộ NN-PTNT sẽ có nhiều chương trình khuyến khích đối tượng thanh, thiếu niên tham gia vào hoạt động của các làng nghề, đồng thời có phương án tổ chức nhân cấy nghề cho các vùng chưa có nghề", ông Tĩnh nói.
Ông Lê Nam Trung, nghệ nhân sản xuất ngọc trai đạt chứng nhận OCOP 5 sao tại TP Hạ Long, Quảng Ninh cho biết, không phải quốc gia nào cũng có tiềm năng sản xuất sản phẩm này. Theo điều tra của doanh nghiệp, ông Trung thông tin rằng, chỉ một số địa phương như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Phú Quốc... là có quỹ đất và tiềm năng để sản xuất sản phẩm có giá trị kinh tế cao này.
Cho rằng sản xuất ngọc trai cần quy trình tương đối đặc thù, cần sự chia sẻ, kết nối thông tin từ nhiều phía, ông Trung đề xuất, rằng bên cạnh sản xuất, các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ NN-PTNT có phương án hướng dẫn, thông tin nhanh chóng, kịp thời các yếu tố thị trường. "Đây là yếu tố cốt lõi để gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, nhất là ở thị trường quốc tế", ông bày tỏ.
Nằm trong nhóm nghệ nhân cao tuổi nhất tham dự tọa đàm, ông Hạ Bá Định, nghệ nhân gốm Chu Đậu, tỉnh Hải Dương cảm ơn Bộ NN-PTNT đã tổ chức buổi gặp mặt ấm cúng, tạo cơ hội cho các nghệ nhân lâu năm có dịp chiêm nghiệm, chia sẻ về những thăng trầm của làng nghề truyền thống.
"Hơn 80 tuổi, tôi từng rất buồn khi thấy nhiều ngành nghề, làng nghề truyền thống bị lụi tàn. Nguyên nhân có lẽ nằm ở chỗ không có lớp thế hệ kế cận. Họ chưa thực sự tìm thấy mình ở nghề của ông cha", ông nhìn nhận.
Trên cơ sở đó, ông Định hy vọng, các cấp, các ngành có thêm nhiều chương trình đào tạo nghề truyền thống, với đối tượng mục tiêu là thế hệ trẻ. Ông tin rằng, những nghệ nhân lão thành như bản thân còn đủ sức đóng góp cho việc bồi dưỡng này.
Sớm xây dựng đề án phát triển làng nghề truyền thống
Lắng nghe chia sẻ từ hơn 100 nghệ nhân tham dự tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan mượn câu "Người ta là hoa của đất" để nhắn nhủ, rằng những nghệ nhân từ làng nghề truyền thống thực sự là vốn quý của xã hội.
Cắt nghĩa từ "nghệ nhân", vị tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng, nghệ nhân chính là những người thợ giỏi và sống được bằng nghề của cha ông. Muốn làm được điều ấy, nghệ nhân cần phải hiểu rõ bản thân đang có gì trong tay.
"Một sản phẩm làng nghề đưa ra thị trường không chỉ là những cọng tre, những tấm ván đóng xuồng, bột gạo, hay những mảnh vải lụa... Ẩn chứa bên trong còn là niềm tự hào, trách nhiệm với quê hương, xứ sở và nghĩa vụ gìn giữ với thế hệ mai sau", Bộ trưởng nói.
Làng nghề vừa mang tính kinh tế - xã hội, vừa có tính lịch sử, văn hóa. Do đó, đây không những là nơi bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, mà còn là góp phần bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần ổn định của người dân, cộng đồng.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng mong muốn các nghệ nhân đang tề tựu tại trụ sở Bộ NN-PTNT cũng như hàng nghìn người đang hoạt động trong các làng nghề nhận thức rõ việc: Mỗi khi bán một sản phẩm làng nghề, người nghệ nhân đang bán đi một câu chuyện, một giá trị truyền thống sâu sắc.
Theo người đứng đầu Bộ NN-PTNT, chỉ khi thay đổi nhận thức như vậy, công việc bảo tồn làng nghề mới có thể đi vào thực chất. "Festival chỉ kéo dài 4 ngày, nhưng nếu níu được câu chuyện vào tinh thần, giá trị sẽ còn mãi", ông bày tỏ.
Qua bày tỏ của các nghệ nhân, Bộ trưởng hiểu rằng thách thức nhiều nhất với họ đang là đầu ra sản phẩm. Vì vậy, ông hy vọng nghệ nhân làm ra sản phẩm tốt rồi thì nên tìm hiểu thêm tâm lý khách hàng. Trong cuộc sống hiện đại, đa số không đủ thời gian và kiên nhẫn để có thể trải nghiệm đầy đủ các tính năng sản phẩm. Do đó, việc quảng bá, truyền thông cần hết sức cô đọng, súc tích, tập trung vào những giá trị riêng biệt, cốt lõi.
Bộ trưởng cũng kêu gọi người tiêu dùng phải hình thành tâm lý và thực sự yêu hàng Việt Nam, góp phần kích cầu thị trường. Ông nhìn nhận, các làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống có phát triển được hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi. Các nghệ nhân thợ giỏi được xem như hồn cốt của các nghề, làng nghề truyền thống, những người biến các sản phẩm đơn thuần thành các tác phẩm nghệ thuật, kết tinh giá trị và đóng góp cho việc tạo dựng văn hóa Việt, văn hóa làng nghề.
"Mỗi nghệ nhân, thợ giỏi có thể truyền cảm hứng cho những người lao động cùng tạo ra được sản phẩm làng nghề, trong sản phẩm đó có bóng dáng của nghệ nhân làng nghề. Làm sao để những sản phẩm ở tỉnh Hà Giang, Đồng Tháp, Long An đều được mọi người biết đến", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt mục tiêu.
Thay mặt Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết sẽ phối hợp cùng các làng nghề trên cả nước tạo ra thị trường, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ những sản phẩm làng nghề. Mục đích cuối cùng là phải bán những sản phẩm cho bà con, người dân.
Bộ trưởng nhấn mạnh "Không để làng nghề nào bị bỏ lại phía sau". Cùng với đó, ông giao nhiệm vụ cho Cục Kinh tế hợp tác và PTNT sớm xây dựng đề án phát triển làng nghề truyền thống; đồng thời tham mưu để có một tạp chí chuyên biệt về làng nghề xuất hiện trên các chuyến bay trong nước và quốc tế.
Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT Lê Đức Thịnh cho biết, cả nước hiện có khoảng hơn 2.000 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận theo tiêu chí của nhà nước, tăng gần 100 làng nghề so với năm 2020. Trong đó, có hơn 1.400 làng nghề và hơn 650 làng nghề truyền thống; 57 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống được ghi nhận.
Từ năm 2018, khi được Chính phủ giao quản lý nhà nước về ngành nghề, làng nghề truyền thống, Bộ NN-PTNT đã tập trung phát triển khu vực này. Đến nay, hơn 800.000 cơ sở nghề là các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nghề sản xuất đã tham gia, trong đó có hơn 13.000 doanh nghiệp, hơn 11.000 HTX và tổ hợp tác.