| Hotline: 0983.970.780

Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng

Sẵn sàng chi trả cho người lao động, hộ kinh doanh

Thứ Ba 02/06/2020 , 08:59 (GMT+7)

Sau giãn cách xã hội, các doanh nghiệp, người lao động… trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội) mong từng ngày nhận được tiền từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.

Người lao động mong sớm nhận được tiền từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Người lao động mong sớm nhận được tiền từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Đầu tháng 6 có thể chi trả tiền hỗ trợ

Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ngày 12/5, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1955/QĐ-UBND về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng: người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động và hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm.

Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Thanh Trì, ngay khi có hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH quyết định của thành phố ngày 18/5 UBND huyện đã ban hành công văn số 974/UBND-LĐTBXH về việc triển khai Quyết định số 1955 của thành phố; ban hành Quyết định số 3025/QĐ-UBND về thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 và Quyết định số 3031/QĐ-UBND về thành lập các tổ thẩm định.

Đến nay, các đơn vị đã tiếp nhận 350 hồ sơ của đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; 2 hồ sơ của doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ cho đối tượng người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; 1 hồ sơ của hộ kinh doanh cá thể.

Ông Hoàng Văn Huệ, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thanh Trì cho biết: “Ngay khi nhận được Quyết định 1955/QĐ-UBND ngày 12/5/2020 của UBND TP Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành và UBND các xã, thị trấn triển khai tuyên truyền, tổ chức tiếp nhận hồ sơ, họp thẩm định, công khai theo quy định và trình UBND huyện phê duyệt. Huyện phấn đấu đầu tháng 6 sẽ tiến hành chi trả cho các đối tượng lao động, hộ kinh doanh… và đến 10/8 hoàn tất việc chi trả theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Đồng thời, cố gắng thực hiện chi trả gói hỗ trợ càng sớm càng tốt, khi tiếp nhận được hồ sơ là tiến hành họp thẩm định, trình phê duyệt và chỉ đạo chi trả đến người lao động, hộ kinh doanh. Người lao động, hộ kinh doanh cũng mong muốn sớm nhận được tiền hỗ trợ để giải quyết phần nào khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra”.

Đếm từng ngày nhận được tiền hỗ trợ

Ghi nhận tại Cụm công nghiệp Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) khi các doanh nghiệp đang loay hoay tìm hướng đi mới sau giãn cách xã hội, trong khi công nhân tại đây phải đi làm thêm, chắt bóp các khoản chi trả từ tiền nhà trọ, tiền sinh hoạt, tiền học con cái…

Công nhân ngành may mặc tại cụm công nghiệp Ngọc Hồi (Thanh Trì) đếm từng ngày để nhận tiền hỗ trợ. Ảnh: Trần Hồ.

Công nhân ngành may mặc tại cụm công nghiệp Ngọc Hồi (Thanh Trì) đếm từng ngày để nhận tiền hỗ trợ. Ảnh: Trần Hồ.

Như Cty cổ phần Thương mại Khang Vĩnh – Phong Phú phải vật lộn với tình trạng sản xuất trì trệ, cắt giảm ngày làm, nợ ngân hàng… song vẫn duy trì hơn 100 công nhân.

Được biết, hàng may mặc Cty Khang Vĩnh - Phong Phú xuất khẩu 100% sang các nước châu Âu. Cty đóng cửa 3 tháng nay do các nước châu Âu đang bùng phát dịch Covid-19, hàng sản xuất ra phải “đắp chiếu”, các lô hàng xuất đi không bán được.

Ông Lê Văn Xuân, Trưởng phòng điều hành Cty Khang Vĩnh - Phong Phú chia sẻ: “Cty chúng tôi mới cho công nhân đi làm gần tuần nay. Chúng tôi đang sản xuất cầm chừng, một tuần làm 3 - 4 buổi để cho công nhân có đồng ra đồng vào, vừa giữ người lao động ở lại. Tất cả công nhân đều phụ thuộc vào đồng lương là chính, nên chúng tôi mong muốn gói hỗ trợ sẽ đến sớm với người lao động để gia đình họ bớt khó khăn”.

Cũng theo ông Xuân, Cty đang nợ các ngân hàng gần 2 triệu USD, nếu thời gian tới không bán được hàng thì sẽ rất khó khăn và nguy cơ phá sản.

Là một công nhân lâu năm của Cty may Khang Vĩnh – Phong Phú, chị Nguyễn Thị Thu Huyền, rơm rớm nước mắt nói: Một mình tôi phải nuôi 2 con ăn học, đi làm chỉ trông chờ vào đồng lương công nhân may. Đợt nghỉ dịch dài 3 mẹ con rất vất vả phải vay mượn bố mẹ ngoại.

Hết cách ly, tôi vừa đi làm tại Cty vừa đi rửa bát thuê, quét dọn chung cư, nhà ở… Tôi mong từng ngày sớm có tiền hỗ trợ để cuộc sống gia đình ổn định, có thêm động lực làm việc hơn. Nhà nước có chính sách hỗ trợ rất nhân văn, “một miếng khi đói, bằng một gói khi no, giúp cho đời sống công nhân đỡ khổ hơn”.

Cũng giống như chị Huyền, chị Đinh Thị Lý, quê Nam Định nghỉ hơn 2 tháng nay phân trần: Thời gian đầu nghỉ dịch lương không có, tôi phải về quê nhờ bố mẹ nuôi. Nay Cty một tuần chỉ làm được 3 - 4 buổi, chưa có lương nên không biết xoay xở kiểu gì. Tôi mong sớm nhận được tiền hỗ trợ để phần nào đó trang trải cuộc sống, trả nợ ngân hàng…

Còn ông Ngô Văn Lễnh, 50 tuổi, quê Thanh Hóa giãi bày: Ở quê không có việc làm, hai vợ chồng phải ra Hà Nội đi làm công nhân để nuôi 2 con học đại học. Nghề may lương đã thấp nay ảnh hưởng dịch Covid-19 việc làm không có.

Nếu Cty không ký được các đơn hàng, tháng làm chục ngày thì công nhân sẽ không có thu nhập, cuộc sống công nhân trở nên eo hẹp. Thời gian này tôi phải đi làm phụ hồ ở các công trường xây dựng. Tôi hy vọng Cty sớm ổn định trở lại, các đơn hàng được lưu thông để công nhân trở lại làm việc bình thường.

“Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến người lao động; tạo điều kiện, hỗ trợ làm thủ tục hồ sơ, giấy tờ để công nhận sớm nhận được tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ. Đây là dịp để các Cty, doanh nghiệp và người lao động tăng cường hơn tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau qua đại dịch Covid-19”, ông Hoàng Văn Huệ nói.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.