| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất lúa thời công nghệ số

Thứ Tư 01/01/2020 , 07:01 (GMT+7)

Với chiếc điện thoại có kết nối internet, những nông dân tham gia mô hình canh tác lúa thông minh có thể quan trắc môi trường nước, biết cây lúa ruộng nhà mình đang cần gì, thậm chí “ra lệnh” từ xa cho máy bơm điều tiết mực nước trên ruộng.

Giúp nông dân tri điền

Người xưa có câu: “Lão nông tri điền”, nghĩa là nhà nông am hiểu đồng ruộng, có nhiều kinh nghiệm trong sản suất. Nhưng để tích lũy được kinh nghiệm thì phải mất nhiều năm, thành lão nông rồi mới am hiểu tường tận được mảnh ruộng, cấy lúa mình gieo trồng. Thế nhưng với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sự hỗ trợ của thiết bị máy móc, nông dân có thể biết tất tần tật những gì đang diễn ra trên đồng ruộng của mình, chỉ cần bấm nút “enter”.

09-05-24_1cc_di_bieu_thm_qun_mo_hinh_cnh_tc_lu_thong_minh_thich_ung_voi_bien_doi_khi_hu_thuc_hien_ti_huyen_hon_dt_kien_ging_1
Các đại biểu tham quan mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu thực hiện tại huyện Hòn Đất, Kiên Giang.

Đó là những gì mà các hộ nông dân tham gia mô hình canh tác lúa thông minh trên vùng đất phèn, mặn thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại tỉnh Kiên Giang đang thực hiện.

Mô hình này do Cty CP Phân bón Bình Điền phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang triển khai tại huyện Hòn Đất 102ha và Gò Quao gần 133ha, từ vụ hè thu 2019 đến nay.

Ở huyện Hòn Đất, mô hình thực hiện tại HTX Nông nghiệp Cây Chôm, xã Lình Huỳnh, sử dụng giống lúa chất lượng cao, mật độ gieo sạ 70kg/ha. Nông dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật, giúp nắm được quy trình “Canh tác lúa thông minh trên vùng đất phèn mặn”, như kỹ thuật làm đất, quy trình bón phân Bình Điền, quản lý nước, phòng trừ sâu bệnh... Đặc biệt là cách sử dụng ứng dụng theo dõi các chỉ tiêu độ mặn, nhiệt độ, pH, mực nước... trên điện thoại thông minh.

Xã viên HTX Cây Chôm Trần Văn Tình hồ hởi cho biết: “Ứng dụng thiết bị công nghệ vào sản xuất lúa nông dân không còn chịu cảnh chân lấm tay bùn nữa, thật khỏe.

Từ khâu đầu vào đến đầu ra đã có ban quản lý lo. Cũng không phải chăm chăm tối ngày thăm ruộng như trước, cứ ngồi nhà hay đi đây đi đó ở xa, vẫn biết ruộng của mình ra sao, có cần tưới hay tiêu bớt nước, tưới bao nhiêu nước là vừa theo chu kỳ sinh trưởng của cây lúa.

09-05-24_2voi_trm_bom_nuoc_thong_minh_nong_dn_co_the_dieu_khien_tu_x_thong_qu_dien_thoi_co_ket_noi_internet_2
Với trạm bơm nước thông minh, nông dân có thể điều khiển từ xa thông qua điện thoại có kết nối internet.

Cả việc so màu lá lúa cũng qua điện thoại được, để biết phải tăng hay giảm phân bón cho đúng kỹ thuật. Mấy chục hecta ruộng của các hộ tham gia mô hình không có đám nào bị đổ ngã ngay cả trong mùa mưa, cây lúa cứng cáp nên sâu hại cũng giảm hẳn, năng suất lại cao nên vụ nào cũng thắng lớn”.

Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Tê, ở xã Thới Quản, huyện Gò Quao, có 4,5ha đất lúa tham gia mô hình canh tác lúa thông minh từ vụ hè thu 2019.

Theo ông Tê, trước đây, muốn biết nước sông có bị nhiễm mặn hay không, nông dân phải lội xuống nếm thử rồi mới dám bơm vào ruộng. Phải lội xuống tận ruộng mới biết khô ướt thế nào để quyết định cho nước vào. Nhưng từ khi tham gia mô hình này, với những thiết bị cảm biến đã được lắp đặt sẵn, chỉ cần kiểm tra điện thoại là biết được hết.

Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Cty CP Phân bón Bình Điền cho biết, kinh phí thực hiện mô hình khoảng 1 tỷ đồng, lắp đặt 8 hệ thống trạm quan trắc môi trường nước tự động và các ống cảm biến ướt khô xen kẽ (AWD TUBE) trên đồng ruộng.

09-05-24_3trm_thong_tin_muc_nuoc_duoc_lp_dt_tren_dong_ruong_giup_nong_dn_qun_ly_tot_nguon_nuoc_trong_sn_xut_1
Trạm thông tin mực nước được lắp đặt trên đồng ruộng, giúp nông dân quản lý tốt nguồn nước trong sản xuất.

Hệ thống ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, thiết bị internet kết nối vạn vật (IoT) để quản lý và phân phối nước trong canh tác lúa tại mô hình. Giải pháp kết hợp thông số quan trắc mực nước, ống canh tác ướt khô xen kẽ (AWD TUBE) và trạm điều khiển bơm sẽ giúp người nông dân cung cấp nước ngọt vào ruộng đúng lúc, đúng thời điểm và tự động hóa thông qua điện thoại. Ngoài ra, mô hình này cũng rất hữu ích trong việc quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản.
 

Gia tăng nhiều lợi ích

Tham quan mô hình khi vụ lúa hè thu 2019 đã chuẩn bước vào thời kỳ chuẩn bị thu hoạch, PGS.TS Mai Thành Phụng, thành viên Hội đồng khoa học Cty CP Phân bón Bình Điền, nhận xét: “Bằng việc giúp nông dân triển khai đầy đủ gói kỹ thuật thông minh, đồng thời đầu tư cho hợp tác xã những phương tiện kỹ thuật thiết thực, thông qua mạng internet, nông dân có thể cập nhật hàng giờ trên điện thoại để quyết định việc lấy nước vào ruộng lúa.

Tại ruộng bố trí các ống cảm biến ướt khô xen kẽ để đo mực nước đang có trên ruộng, kế đó là trạm bơm nước, điều khiển được việc tưới, tiêu nước từ xa bằng điện thoại. Giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm thuốc BVTV, giảm nước tưới… mà vẫn đạt năng suất lúa cao, tức đạt hiệu quả kinh tế tối ưu”.

TS Hồ Văn Chiến, nguyên Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam, cho rằng, nước là tài nguyên rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh BĐKH ngày càng gay gắt, nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm.

Đối với những vùng ven biển, thường xuyên bị nhiễm mặn như của Kiên Giang thì càng phải chắt chiu hơn nữa, sử dụng hiệu quả từng giọt nước ngọt cho sản xuất. Việc áp dụng kỹ thuật tưới nước ướt, khô xen kẽ tại mô hình là rất đúng, rất cần thiết, gia tăng nhiều lợi ích cho nhà nông.

09-05-24_4cnh_tc_lu_thong_minh_giup_nong_dn_gim_chi_phi_nng_co_cht_luong_gi_tng_loi_nhun_1
Canh tác lúa thông minh giúp nông dân giảm chi phí, nâng cao chất lượng, gia tăng lợi nhuận.

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, vùng ĐBSCL hiện nay còn diện tích đất sản xuất lúa bị ảnh hưởng bởi phèn, mặn rất lớn, lên tới khoảng 2 triệu ha. Nên mô hình canh tác lúa thông minh trên vùng đất phèn, mặn rất cần được nhân rộng. Vì hiệu quả đã rõ, góp phần bảo vệ môi trường từ giảm nước tưới, giảm thuốc BVTV, giảm phân bón, nhất là phân đạm. Năng suất lúa tăng lên, chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận đạt được gần 20 triệu đồng/ha trong vụ hè thu, lợi nhuận thu về cao hơn so với đối chứng hơn 5,5 triệu đồng/ha.

09-05-24_5ts_do_minh_nhut_pho_gim_doc_so_nn-ptnt_kien_ging“Kiên Giang là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn nhất khu vực ĐBSCL, với diện tích gieo trồng năm 2019 trên 716 ngàn ha, sản lượng thu hoạch ước đạt khoảng 4,3 triệu tấn.

Là tỉnh giáp biển, Kiên Giang có trên 200km bờ biển, với nhiều cửa sông đổ ra biển, nên tình hình xâm nhập mặn hàng năm rất gay gắt. Nhất là vùng U Minh Thượng và Tứ giác Long Xuyên, sản xuất của nông dân thường bị thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Do đó, mô hình canh tác lúa thông minh trên vùng đất phèn, mặn thích ứng với BĐKH được triển khai là rất cần thiết. Với các thiết bị cảm biến quan trắc môi trường thông minh, nông dân sẽ biết rõ chất lượng nguồn nước, có bị nhiễm mặn hay không để quyết định bơm vào ruộng, tránh bi thiệt hại.

Thiết bị này không chỉ hữu ích với nông dân sản xuất lúa mà cả người nuôi trồng thủy sản.

Vì vậy, mô hình rất cần duy trì và nhân rộng ra nhiều địa phương khác nữa, nhất là những vùng canh tác khó khăn, bị nhiễm phèn, mặn”, TS Đỗ Minh Nhựt (ảnh), Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang.

Tổng Giám đốc Cty CP Phân bón Bình Điền Ngô Văn Đông cho biết, từ nhiều năm qua, Chương trình canh tác lúa thông minh đã được triển khai khắp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Trong bối cảnh BĐKH ngày càng tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, xâm nhập mặn gia tăng, chúng tôi muốn chia sẻ với bà con vùng khó khăn nhiều hơn nữa.

“Là đơn vị sản xuất phân bón lớn, với phương châm luôn đồng hành cùng nhà nông, Bình Điền không chỉ cung cấp các sản phẩm phân bón chất lượng cao cho sản xuất nông nghiệp, mà còn cung cấp cho nông dân cả một gói kỹ thuật canh tác tiên tiến.

Bình Điền cam kết sẽ cố gắng mở rộng mô hình, giúp cho nông dân sản xuất lúa ở khắp các vùng miền bớt đi nỗi khó khăn, vất vả, ứng dụng khoa học công nghệ để thích ứng với thiên tai, có thu nhập ngày càng cao hơn, làm giàu được từ chính đồng ruộng của mình”, ông Đông nêu quan điểm.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.