Tấm áo mới trên cánh đồng tang thương
Hơn 3 tháng trước, khi bão số 3 quét qua huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, khắp nơi sặc màu tang thương. Nhà màng đổ gãy, xà, cột cong vênh, nilon bục toang hoác. Nhiều cơ sở, trong đó có gia đình của anh Phạm Xuân Phồn và chị Nguyễn Thanh Vân tại thôn Lúa, xã Đoàn Thượng gần như mất trắng. Hơn 3.000m2 nhà màng trồng dưa lưới thất thu, dù chỉ còn độ một tuần nữa là tới kỳ thu hoạch.
Đợt ấy, chị Phạm Thị Cuối, em gái và cùng chung vốn đầu tư với anh Phồn, tất tả đi nhờ xe ngay trong đêm về Gia Lộc. Nhìn đống cơ ngơi tiền tỷ “bay vèo” trong đêm, chị chẳng biết làm gì ngoài ôm mặt khóc trước những khung sắt trơ xương, chĩa thẳng lên không trung. Khoản nợ 1 tỷ đồng treo lơ lửng trên đầu 2 gia đình không biết lúc nào mới có thể hoàn trả?
Mang câu hỏi ấy về lại thôn Lúa những ngày giữa tháng 12, một loạt nhà màng mới, khang trang và kiên cố hơn đã thay người nông dân trả lời.
Khoảng đất trống phía trước ruộng nhà anh Phồn, ngay gần cầu Bái Hạ và nằm sát Quốc lộ 39B đã mọc lên gần chục “cơ sở” mới. Dù gần trưa, nhiều công nhân vẫn tất bật khiêng giàn giáo, khoan, vít đinh để kịp chăng nilon đầu giờ chiều. Khó ai có thể nghĩ rằng, chưa đầy 100 ngày trước, chính những con người này đã phải chung sức, đồng lòng lấy tay trần gạt đất, tát nước, tìm dưa để “gỡ gạc đồng nào hay đồng ấy”.
Rít sâu một hơi thuốc lào như để có thêm dũng khí nhìn thẳng sự thật, anh Hoàng Văn Thức thừa nhận “sợ” khi bắt tay vào con đường đầu tư tiền tỷ. Chừng chưa uống xong một chén trà, người đàn ông ngoài 40 tuổi đã kể vanh vách mấy trường hợp bị thiệt hại nặng do bão, nào là bác cựu chiến binh bị đổ hoàn toàn 4.000m2 nhà màng và đến giờ mới chỉ dựng lại một phần, hay người anh xóm trên đi vay ngoài để chung vốn gần chục tỷ rồi mất trắng…
Nhưng muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương thì nhà màng vẫn là lựa chọn số một. Anh Thức nhẩm tính, nếu thâm canh tốt, trồng 4 vụ dưa mỗi năm, 1.000m2 nhà màng có thể mang lại lợi nhuận từ 120-150 triệu đồng. Con số ấy cao gấp mấy lần giá trị sản xuất theo phương thức thông thường, cũng như đủ sức thuyết phục để những người như anh, sau khi vật lên lộn xuống bao lần với đồng đất, chấp nhận dấn thân.
Không thể bỏ qua yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng huyện Gia Lộc nói chung và xã Đoàn Thượng nói riêng rất phù hợp với phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong vòng vài năm, diện tích nhà màng trên địa bàn huyện tăng theo cấp số cộng, hiện vượt 500.000m2 (riêng Đoàn Thượng là khoảng 100.000m2), chiếm quá nửa diện tích nhà màng toàn tỉnh Hải Dương. Cùng với cây vụ đông, trồng rau, củ, quả có giá trị kinh tế cao đã trở thành nét đặc thù của nông nghiệp Gia Lộc. Nhờ hàng hàng, lớp lớp nhà màng ấy mà Phạm Trấn - xã đi đầu về công nghệ này ở Gia Lộc - đã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp từ năm 2023.
Nhìn lại quá trình ấy để thấy rằng, cơn bão số 3 qua đi không chỉ để lại cho người nông dân Gia Lộc những vết hằn tâm lý, hay 200 tỷ đồng thiệt hại nhà màng, mà còn là bài toán chi phí đầu tư bị đội lên. Nói như anh Thức, dù bão có mạnh đến đâu, bà con vẫn cứ kiên gan, bền chí với định hướng đã được ghi trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI về quy hoạch xây dựng vùng hoa, rau quả tập trung, an toàn, ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021- 2025. Kế hoạch thuê đất, gọi vốn và bố trí công thợ đã trù tính từ 2-3 năm trước không thể dừng, nhưng kết cấu nhà màng phải tính lại. Ngoài các cột khung sắt, anh gia cố thêm bê tông chôn ở chân cột, đồng thời tăng thêm chằng, néo cho các trụ chính. Từ chỗ 100 triệu đồng cho 1 sào Bắc bộ, chi phí lắp nhà màng đã nhảy lên 130 triệu, đi kèm với đó là khoản tiền hơn 1 tỷ đồng vay thêm.
“Nếu gặp bão có cường độ như vừa rồi, nhà màng của tôi chỉ thiệt hại khoảng 30-40%”, người nông dân có gần 10.000m2 diện tích nhà màng, nhiều nhất xã Đoàn Thượng, tâm sự. Giờ đây, anh đang trong kỳ sung mãn để đẩy nhanh thu hoạch vụ dưa chuột đầu tiên trong “tấm áo mới”.
Đan đi không bằng dặm lại
Quyết tâm của nông dân Hoàng Văn Thức càng thôi thúc Báo Nông nghiệp Việt Nam tìm lại anh Phạm Xuân Phồn, người nói “như mất đi một phần máu thịt” sau khi hơn 3.000m2 nhà màng bị đổ sập hoàn toàn do bão.
Gặp lại anh, giữa những chập gió rít theo từng cơn vì không khí lạnh tăng cường, thấy đôi mắt như trũng sâu hơn nhưng không còn nét u ám, buồn bã nữa. Đôi bàn tay nứt nẻ, với nhiều vết chai chằng chịt, ken chặt những ngón khẳng khiu, đã không còn khua khoắng trong vô thức, thay vào đó “ngoan” hơn, lúc đóng giá thể vào túi, khi lại lễ mễ ôm những thùng carton cỡ lớn chứa đầy dưa, chuẩn bị cho cánh mua buôn Hưng Yên, Hải Phòng… tới chốt đơn.
“Làm nhà màng như cái nghiệp, dính vào rồi là khó dứt lắm”, anh Phồn như nói với chính mình. Và như để người nghe đỡ mất công hỏi thêm, anh trải lòng cơ duyên đến với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Số là vào năm 2022, sau khi tích lũy được một số vốn nhất định, người đàn ông sinh năm 1982 nương theo phong trào “nhà màng” đang nở rộ tại địa phương. Tham khảo, nghiên cứu kỹ mấy mô hình tiên phong ở xã Phạm Trấn kế bên, thấy trồng dưa lưới bán được 35.000 - 40.000 đồng/kg, chỉ 2, 3 năm là thu hồi vốn, nên anh bàn với vợ - chị Nguyễn Thanh Vân - vay vốn ngân hàng và bạn bè, người thân để thử nghiệm hơn 1.000m2 nhà màng, đặt ngay gần nhà.
Làm được 1 năm, dù giá dưa không như kỳ vọng nhưng 25.000 đồng/kg đã đủ thôi thúc anh kêu gọi thêm em gái Phạm Thị Cuối đang làm ăn xa tại Quảng Ninh hùn vốn để mở thêm 3.000m2 nữa ở giữa đồng. Cơ sở vừa xong, chuẩn bị thu hoạch vụ đầu thì gặp bão số 3. Đau có, buồn có, đâu đó còn le lói lên ý nghĩ đem sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đi cầm cố, trang trải nợ nần.
Nhưng tuyệt nhiên, trong hơn 2.000 tiếng đồng hồ cam go vừa qua, suy nghĩ dừng lại chưa khi nào xuất hiện trong tâm trí của anh Phồn.
“Nếu dừng lại, chắc chắn là chết. Lấy đâu ra tiền trả cho khoản vay hơn tỷ. Chưa kể hao mòn tự nhiên, khấu hao tài sản so với lúc vay”, anh Phồn tâm niệm như vậy nên sau gần 1 tuần sắp xếp, dọn dẹp, phân loại những vật liệu có thể tái sử dụng, anh lập tức bắt tay vào công cuộc phục hồi sản xuất. Đầu tiên, cũng là vấn đề cam go nhất, là “tiền đâu”. Anh tiếp tục liên hệ ngân hàng trước đó mình vay vốn để khởi nghiệp, chính quyền địa phương và tham khảo thêm thông tin từ ngành nông nghiệp về các chương trình hỗ trợ. Biết chắc mình thuộc nhóm được khoanh nợ, giãn nợ, ông chủ của 4.000m2 nhà màng mới tiếp tục đi gặp từng chủ nợ và những người có thể vay mượn thêm.
Vốn là người uy tín, lại có lộ trình hoàn trả chi tiết, rõ ràng, nên nhiệm vụ tưởng chừng không thể là vay 1 tỷ đồng nữa để xây lại nhà màng được anh thực hiện đúng kiểu “kiến tha lâu đầy tổ”. Chỗ vay người nhà thì được lâu dài, còn chỗ vay nóng, vay trả góp thì đến hạn là anh Phồn tìm mọi cách xoay sở để giữ “lời hứa danh dự”, kể cả bán, cầm cố một vài đồ dùng không cần thiết trong nhà.
Tiền nong hòm hòm rồi nhưng thế vẫn chưa xong. Xã Đoàn Thượng những ngày cuối tháng 9 như một công trường khổng lồ. Sóng điện thoại chập chờn, nhiều lúc không gọi được khiến anh Phồn chỉ dám đặt vấn đề với những mối quen. Tuy nhiên, thợ đều lắc đầu, hoặc lần lữa sang tháng 10 mới thu xếp được. Chạy vạy khắp nơi, anh mới tìm được mối thợ người Sơn La từ ngoài thành phố. Kì kèo, mặc cả “gãy lưỡi”, kèm cam đoan “nấu cơm ngày 3 bữa”, gia đình anh mới thực sự bước sang giai đoạn mới.
Suốt 1 tháng, kể từ hôm tốp thợ nhận việc, từ nhà anh Phồn đến khu nhà màng lúc nào cũng bừng bừng ánh sáng. Khi là tia lửa từ máy cắt kim loại, ánh hồ quang của ngọn lửa hàn, khi lại bóng đèn led chong thâu đêm của gia đình anh tranh thủ sắp xếp dụng cụ, vật tư nông nghiệp. Mấy ngày đầu chưa có điện, người nông dân chuyên canh công nghệ cao còn đi mượn thêm máy phát, phát huy tối đa tinh thần “3 ca 4 kíp” để nhanh chóng ổn định sản xuất, bắt tay vào vụ dưa mới.
“Hình như đợt ấy, tôi chỉ ngủ nhà vài hôm, còn đâu ngủ ngay tại ruộng. 3-4h sáng cũng không nề hà gì. Chậm phục hồi ngày nào là mình lo lắng thêm ngày ấy”, nông dân huyện Gia Lộc nhớ lại. Những phút cao điểm, gần 20 người, bao gồm cả hàng xóm, người thân, đến đóng từng chiếc cọc mới, vá lại tấm lưới cũ cùng gia đình anh. Bao nhiêu chậu, dây dợ lằng nhằng, đất cát vãi tứ tung cũng nhờ một tay chòm xóm mà gọn gàng, ngăn nắp.
Nếu như với anh Phồn, gây dựng lại nhà màng là những đêm không ngủ, quần quật làm việc đến tối mịt, thì vợ anh - chị Thanh Vân - 100 ngày qua chẳng khác nào xây nhà lần hai. Một tháng ròng rã quanh quẩn từ nhà đến chợ, xoay trần cơm 3 bữa cho mấy chục thợ thuyền và gia đình, chị lúc nào cũng trong trạng thái mệt lả. Chưa kể, lòng lúc nào cũng bồn chồn, sốt ruột vì không thể trực tiếp giúp chồng gây dựng lại cơ nghiệp.
Đứa con út 5 tuổi được chị bấm bụng gửi về ông bà ngoại để tiện bề lo toan. Hôm nào cũng như hôm nào, hễ xong nhiệm vụ chính cơm nước là người vợ bằng tuổi lui cui đến bên chồng, nhận thêm việc đi lại dây treo nhà màng bị đứt gãy, đan xoắn vào nhau.
“6.541 cái tất cả, chú ạ”, thống kê của chị như cứa vào lòng người đối diện, nhắc nhở về nỗ lực không biết mệt mỏi của người phụ nữ tảo tần. Nếu chia trung bình, mỗi ngày chị phải gỡ và đi lại đến 200 cái dây. Tính cả thời gian thu dọn trên 3.000m2 nhà màng, nhân ra đã là một con số khổng lồ.
Trời không phụ lòng đôi vợ chồng “ngã ở đâu đứng dậy ở đó”. Như một phép màu, anh Phồn cùng hơn chục hộ có diện tích nhà màng lớn tại xã Đoàn Thượng đã hoàn thành việc tu sửa trong tháng 11. Phần nhiều đều lập tức được đưa vào sử dụng. Cá biệt, một vài hộ thậm chí đã kịp có dưa chuột (loại cây trồng ngắn ngày) xuất bán để giải quyết vấn đề xoay vòng vốn.
Đến Đoàn Thượng hôm nay, không ai nghĩ rằng 3 tháng trước đã có một trận bão lịch sử quét qua. Ông Bùi Đức Tòng, Chủ tịch UBND Đoàn Thượng khoe, toàn xã đã khôi phục được 90% diện tích nhà màng, nhà lưới và đang đưa vào sản xuất. Hiện 3 hộ gia đình có thu nhập trở lại, 3 hộ đề nghị hoãn trả nợ và nhiều hộ khác không những phục hồi mà còn mở rộng diện tích sản xuất.
Không có điểm kết thúc
Niềm vui của anh Phồn, chị Vân cũng là nỗi lòng của mấy chục hộ dân bị thiệt hại 50.000m2 trên địa bàn Đoàn Thượng. Bên cạnh anh Thức anh Phồn, hệ thống nhà màng của gia đình các anh Nguyễn Đình Nhuận, Nguyễn Đình Sáng, Nguyễn Văn Hồng… kiêu hãnh, kiên gan vươn lên tới trời xanh.
Sau bão, mưa thuận gió hòa, đồng đất ít sâu bệnh nên việc phục hồi sản xuất của người dân càng có đà thuận lợi. Vừa xếp từng trái dưa lưới mới thu hoạch, anh Phồn vừa theo dõi thông tin thời tiết từ giờ đến Tết nguyên đán, để lựa chọn cơ cấu cây trồng. Chuyển sang dưa chuột, hay một củ, quả nào khác để cho lợi nhuận cao nhất. Theo tính toán hiện tại, nếu giá dưa lưới không đạt nổi mốc 20.000 đồng/kg, sản xuất chẳng còn mấy đồng lãi. Chưa kể nguy cơ từ dưa lưới nhập khẩu từ một số nước láng giềng có thể kéo giá bán xuống sâu hơn nữa.
Nhà màng là hướng đi tiềm năng cho người nông dân có trình độ canh tác và sẵn có nguồn vốn đầu tư. Nhưng việc phát triển nóng nhà màng (tăng gần 5 lần) trong vòng 4 năm qua tại tỉnh Hải Dương cũng khiến anh Phồn lo lắng. Khi áp lực trả các khoản vay cận kề, giá dưa có ổn định hay không là điều phải tính, nhất là trong bối cảnh sản lượng rau, củ, quả đang chực chờ tăng đột biến.
Phòng NN-PTNT huyện Gia Lộc đã xác định một số công thức luân canh cây trồng trong nhà màng, nhà lưới vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế cao, vừa giảm nguy cơ “được mùa mất giá" cho người dân. Chẳng hạn, trồng 3 vụ dưa lưới, 1 vụ dưa chuột; hay đan xen 2 vụ dưa lưới, 2 vụ dưa chuột; 2 vụ cây giống, 1 vụ rau gia vị.
Toàn huyện cũng lên phương án quy hoạch 16 vùng với hơn 160ha đất sản xuất theo quy trình VietGAP được cấp giấy chứng nhận, đạt 100% kế hoạch số vùng và khoảng 2/3 về diện tích. Người dân các vùng sản xuất VietGAP được tập huấn về kỹ thuật, có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chuyên môn. Đồng thời, các hộ sản xuất trong vùng đều chấp hành nghiêm quy trình kỹ thuật, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị đặt hàng thu mua và liên kết bao tiêu sản phẩm. Huyện mong muốn, ngoài phương thức truyền thống bán tại ruộng cho thương nhân thu mua, các hộ dân sản xuất VietGAP có thể tìm thêm được chỗ đứng tại các chuỗi siêu thị lớn tại khu vực phía Bắc.
Gia Lộc còn hỗ trợ thuê đất, xây dựng vùng VietGAP, GlobalGAP, nhà màng, nhà lưới, tu bổ, nạo vét hệ thống thủy lợi đáp ứng cho nhu cầu tưới, tiêu... với số tiền gần 120 tỷ đồng.
UBND huyện cũng phối hợp Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương và các đơn vị liên quan gấp rút xây dựng phương án bố trí nguồn vốn ủy thác để thực hiện hỗ trợ cho các hộ sản xuất nông nghiệp vay vốn khôi phục sản xuất. Tính đến hết tháng 11, hệ thống tín dụng chính sách của tỉnh đã giải ngân gần 225 tỷ đồng để hỗ trợ người dân sau bão lũ, tương đương 65% tổng số vốn vừa được bổ sung từ Trung ương và vốn ủy thác địa phương.
Nguồn lực từ nhiều bên đã chạm tới những người nông dân như anh Phồn. Trước khi chia tay, anh bảo vừa hoàn tất một số thủ tục để địa phương xem xét mức hỗ trợ 100.000 đồng/m2 cho khu nhà màng bị hư hỏng hoàn toàn. Tin vui ấy chắc sẽ tiếp thêm động lực cho anh vững bước trên con đường nông nghiệp công nghệ cao chỉ có điểm bắt đầu, chứ không có điểm dừng hay điểm kết thúc.