Theo lịch làm việc của Quốc hội, sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch nước báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu và Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp theo đó, ngày 2/4, Quốc hội tiến hành quy trình miễn nhiệm Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Phú Trọng; trình danh sách đề cử để bầu Chủ tịch nước (dự kiến là ông Nguyễn Xuân Phúc).
Ông Nguyễn Phú Trọng được đánh giá là nhà lãnh đạo hội tụ đầy đủ phẩm chất, tài năng, đạo đức, xứng đáng với ý chí và nguyện vọng của nhân dân tham gia Quốc hội, cùng cả hệ thống chính trị đưa ra những quyết sách đúng đắn liên quan đến vận mệnh, sự phát triển của đất nước.
Trên các cương vị được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, Chủ tịch nước đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công.
Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đồng thời kiên quyết, kiên trì, quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, bài bản, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, xử lý các hành vi sai phạm theo phương châm: không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh lớn.
Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp được phát hiện, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ.
Trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết phương thức lãnh đạo của Đảng về cải cách tư pháp, mô hình tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương qua các thời kỳ, tham gia ý kiến về các văn bản, đề án có liên quan đến công tác cải cách tư pháp.
Công tác xét đơn xin ân giảm án tử hình là vấn đề liên quan đến sinh mệnh của con người và tính nghiêm minh của pháp luật, vì vậy việc xét đơn xin ân giảm án tử hình được thực hiện hết sức thận trọng.
Báo cáo nhiệm kỳ công tác của Chủ tịch nước cũng nêu rõ, kết quả công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới; quan tâm giải quyết có hiệu quả những vấn đề quốc kế dân sinh và những vấn đề bức xúc trong xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; thúc đẩy quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng 77 tuổi; Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành Xây dựng Đảng), cử nhân Ngữ văn; quê ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Ông là Tổng bí thư khóa XI, XII, XIII; Thường trực Bộ Chính trị (8/1999 - 4/2001); Ủy viên Bộ Chính trị 6 nhiệm kỳ, từ khóa VIII đến XIII; Ủy viên Trung ương Đảng 7 nhiệm kỳ, từ khóa VII đến XIII; Chủ tịch nước từ tháng 10/2018; Chủ tịch Quốc hội hai khóa XI, XII; Bí thư Quân ủy Trung ương; Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đại biểu Quốc hội 4 khóa XI, XII, XIII, XIV...
Ông cũng từng giữ các chức vụ: Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Bí thư Thành uỷ Hà Nội.