Trước đó, TAND TP.HCM đã lên lịch xét xử đại án Cục Đăng kiểm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm tại TP.HCM và các địa phương khác. Vụ án có đến 254 bị cáo, bị truy tố về các tội: đưa - nhận - môi giới hối lộ, tham ô, lừa đảo, giả mạo công tác...
Liên quan đến công tác đăng kiểm khi vụ án được đưa ra xét xử, lãnh đạo Phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) cho biết, TP.HCM hiện có 18/19 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đang hoạt động, năng suất kiểm định trung bình khoảng 57.600 lượt xe/tháng. Các trung tâm này vẫn đang hoạt động bình thường, đảm bảo điều kiện đăng kiểm xe của người dân.
Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã báo cáo UBND TP.HCM, Cục Đăng kiểm kiến nghị các biện pháp để hỗ trợ hoạt động đăng kiểm.
Bên cạnh đó sở đã phối hợp với các trung tâm xây dựng kế hoạch, để đảm bảo hoạt động đăng kiểm được liên tục. Cụ thể hơn, các trung tâm đăng kiểm sẽ xây dựng phương án sắp xếp người (đăng kiểm viên) tăng thời gian làm việc, chủ động thông tin và tổ chức đăng ký trực tuyến lịch đăng kiểm, bảo dưỡng các thiết bị đo, dây chuyền máy móc kiểm định, đảm bảo vận hành chính xác, thuận lợi.
Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương trong tổ chức phân luồng giao thông và đảm bảo an ninh trật tự…
Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng phương án trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi nghị định, liên quan đến kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (về điều kiện hoạt động các trung tâm đăng kiểm và điều kiện hành nghề của đăng kiểm viên). Ngoài ra, sẽ có sự điều chuyển đăng kiểm viên giữa các tỉnh thành khi cần thiết để đảm bảo hoạt động các trung tâm đăng kiểm.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm để kiểm tra, rà soát, sắp xếp người giữa các trung tâm. Làm việc với sở giao thông vận tải các tỉnh để tính toán chia sẻ nguồn nhân lực và tiếp nhận luồng xe đăng kiểm. Đồng thời phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức đào tạo, tập huấn cho các đăng kiểm viên ngay trong tháng 7 để bổ sung nhân sự cho các trạm đăng kiểm tại TP.HCM, khoảng 39 người.
“Đại án” ngành đăng kiểm được đánh giá là vụ tham nhũng có tổ chức, hành vi có hệ thống, xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm, Phòng kiểm định xe cơ giới đến giám đốc nhiều trung tâm, xảy ra trong một thời gian dài đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước, nguy cơ mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và người dân tham gia giao thông trên cả nước…
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã chuyển Kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ với gần 300.000 bút lục đến Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM để đề nghị truy đối với 254 bị can. Trong đó có các bị can là lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, lãnh đạo các Phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam như: Trần Kỳ Hình, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam; Đặng Việt Hà, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam; Nguyễn Vũ Hải, cựu Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam…
Công an TP.HCM cũng đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM truy tố nhiều Giám đốc, Phó Giám đốc các Chi cục, Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn cả nước.