| Hotline: 0983.970.780

Sạt lở kênh Chợ Gạo: Nước đến chân, dân tự... nhảy

Thứ Sáu 06/11/2009 , 10:07 (GMT+7)

Phải cõng cả ngàn lượt tàu thuyền qua lại mỗi ngày, đôi bờ kênh Chợ Gạo sạt lở nghiêm trọng. Người dân sống ven kênh chẳng còn cách nào khác là ngày nào cũng hè nhau vác cừ tràm ra đóng kè tự cứu mình.

Phải cõng cả ngàn lượt tàu thuyền qua lại mỗi ngày, đôi bờ kênh Chợ Gạo sạt lở nghiêm trọng. Người dân sống ven kênh chẳng còn cách nào khác là ngày nào cũng hè nhau vác cừ tràm ra đóng kè tự cứu mình.

“GỒNG MÌNH” CHỊU TẢI

Kênh Chợ Gạo dài gần 30 km, nối liền giữa sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây. Đây cũng là tuyến giao thông thủy huyết mạch gắn kết giữa các tỉnh miền Tây với TPHCM. Có mặt tại kênh Chợ Gạo từ khu vực xã Quơn Long đến thị trấn Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo), chúng tôi chứng kiến nhiều đoạn bờ kênh há toác, hườm ếch thẳng đứng sâu hoắm. Cứ đi khoảng vài trăm mét tôi lại phải dừng xe xuống dắt bộ vì mặt đường đã bị “cạp” gần hết, chỉ đủ cho một chiếc xe qua. Giữa trưa nắng như đổ lửa, hàng chục người dân xoay trần hì hụi móc bùn đắp bờ, họ tranh thủ lúc con nước ròng để đóng những cây cừ xuống mép bờ kênh chống sạt lở.

Nghe chúng tôi hỏi thăm, ông Lê Chí Phương, ấp Quang Thọ, xã Quơn Long (nhà sát kênh) thở dài ngao ngán: “Ui dà, nhiều năm qua dòng kênh bị quá tải do lưu lượng tàu thuyền chạy suốt ngày đêm đã phá nát cả hai bờ kênh nhưng kêu riết có ai thấu cho đâu. Bà con chúng tôi đành phải bỏ tiền mua cừ về đóng kè tạm chống sạt lở chứ ngồi chờ “mấy ổng” xuống tới chắc mình cũng…tiêu theo bờ kênh này rùi”.

Quan sát nhà ông Phương đến nay chỉ còn cách bờ kênh chừng vài ba bước chân, nhưng với “tiến độ” sạt lở…vượt kế hoạch như hiện nay thì chưa chắc căn nhà của ông sẽ “thọ” được dăm tháng nữa. Vợ ông Phương lúc này cũng tất bật phụ vác từng cây cừ tràm chuyển cho “cánh thợ” đang ngâm mình dưới dòng kênh nước đục ngầu, gặp chúng tôi bà ấm ức nói: “Sạt lở riết, bà con tui không lo đóng kè thì chỉ ít bữa chẳng còn lối mà đi. Người dân cả đời mới xây được căn nhà kiên cố mà nay còn bị đe dọa phải di dời nữa có mà chết”.

Nhà của anh Lê Hoàng Mỹ kế bên cũng chung tình trạng…án treo. Chỉ tay về phía những chiếc tàu thuyền đang đua nhau chạy trên kênh, anh Mỹ bức xúc: “Mấy năm trước còn đỡ, chứ bây giờ nhìn cảnh tàu thuyền nối đôi nhau chạy suốt ngày đêm, thậm chí có cả những tàu lớn chở “công” cũng ào ào kéo nhau vào thì kênh nào chịu nổi. Mùa nắng đã vậy, đến mùa mưa càng trầm trọng, mỗi năm bị “cạp” sâu vào bờ thêm mấy mét, nếu người dân chúng tôi không gia cố nhanh sẽ chẳng còn đường đi”. Trong khi những người dân đang cặm cụi ngâm mình dưới dòng kênh đóng từng cây cọc  thì hàng trăm chiếc tàu vẫn ầm ầm xuôi ngược. 

ÁM ẢNH “DÒNG KÊNH GHẺ”

Kênh Chợ Gạo còn gọi là “dòng kênh…ghẻ” vì sạt lở khiến hai bên bờ con kênh bị ngoạm nham nhở. Nhất là mỗi khi có tàu thuyền lớn chạy ngang qua tạo thành những đợt sóng dữ dội, đất đổ ập xuống nước để lộ ra những hầm hố sâu hoắm. Còn vào mùa mưa càng khiến bà con ăn không ngon, ngủ không yên vì chỉ sợ khi xảy ra sự cố chạy không kịp. Thực tế đã có không ít trường hợp bị tử nạn vì rơi xuống những “điểm đen” sạt lở này.

Quyết định số 237/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL”, trong đó có chủ trương nâng cấp, mở rộng kênh Chợ Gạo, xây dựng hai bên bờ kè chống sạt lở. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa được cơ quan chức năng hoàn chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai.

Ghé vào một nhà nằm vắt vẻo bên bờ kênh, chúng tôi tình cờ nghe được câu chuyện thảm thương của một cháu gái tử nạn do sạt lở. Đã hơn 2 năm, nhưng chị Lê Thị Khỏe, ngụ ấp Tân Bình 2, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau khi cháu bé Nguyễn Thị Trà My (9 tuổi), con chị bị tử nạn trong lúc đang học bài bên bờ kênh Chợ Gạo. Khi vớt xác lên con bé bị một đống đất đè sâu dưới lòng kênh, tay vẫn ôm chặt cặp sách.

Chỉ tay xuống dòng kênh, chị Khỏe lo lắng: “Lúc trước đất của tôi ở gần giữa kênh, vậy mà nay chỉ còn ngần này. Giờ có muốn dời nhà cũng đâu còn chỗ nào mà dời. Biết là nguy hiểm, nhưng hết cách rồi đành ở liều vậy”. Trước đây khu đất của gia đình chị Khỏe mua 2.000 m2, sạt lở cứ khoét dần giờ “teo” lại chỉ còn khoảng 100 m2. Đã mấy đợt phải dời nhà lùi vào trong nhưng vợ chồng chị vẫn chưa yên. “Nay cứ mỗi khi thủy triều lên, tiếng nước dòng kênh vỗ oàm oạp vào móng nhà chỉ nghe cũng muốn té xỉu rồi”- chị Khỏe nói.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Đình Thi, PGĐ Đoạn Quản lý đường sông số 11 cho biết: Tuyến kênh Chợ Gạo hiện có đến hàng trăm khu vực sạt lở, trong đó nhiều vị trí sạt lở ăn sâu vào bờ từ 12-15 mét. Đặc biệt, hai tuyến giao thông độc đạo cặp kênh này nhiều đoạn gần như bị cắt đứt. Thực tế, đến nay đã có nhiều nhà dân sống ven dòng kênh phải di dời đi nơi khác. Từ đầu năm 2009 đến nay xảy ra hàng chục vụ tai nạn, trong đó có 3 vụ chìm tàu. Không ít vụ tàu siêu trọng từ 500 -1.000 tấn “lạ dòng” bị mắc cạn, gây ùn tắc giao thông nhiều giờ liền.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.