Kẻ xâm lược "biến thái"
Hiện sâu keo mùa thu đã lan rộng trên toàn cầu như một loài dịch hại xâm lấn nguy hiểm. Ghi nhận sâu keo mùa thu đã có mặt từ Cận Đông, châu Á, Úc, châu Phi và Ấn Độ. Nếu không thể kiểm soát nó, những con sâu bướm hung dữ này sẽ gây ra mối hiểm dọa khó lường đối với nền nông nghiệp, nhất là ở các quốc gia mới bị ảnh hưởng.
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân sâu keo bùng nổ là do các hoạt động canh tác đã thúc đẩy sự sinh sôi nảy nở của chúng. Báo cáo cho thấy, hầu hết các vùng bị lây nhiễm sâu keo nặng đều không trồng các giống chuyển gen (GMO) kháng sâu bệnh và nhiều nước hạn chế tiếp cận với các loại thuốc trừ sâu mới hơn cũng như ứng dụng các thiết bị hiện đại.
Trong nhiều tuần lễ vừa qua, trên khắp các vùng Đông Bắc, Trung Tây, Nam và Tây Nam nước Mỹ, những người chủ nhà vẫn chưa hết kinh hãi khi chứng kiến các cánh đồng, bãi cỏ của họ chuyển từ màu xanh lá cây sang màu nâu, đôi khi chỉ trong vòng chưa đầy 48 giờ. Nhiều nông dân tự hỏi: “Điều gì đang xảy ra trong năm nay và làm thế nào mà loại dịch hại này lại xuất hiện nhiều và sớm như vậy?”
“Là một nhà côn trùng học, tôi có thể chứng thực rằng sự xuất hiện của chúng (sâu keo mùa thu- fall armyworm) là không có gì mới. Chúng là một vấn đề thường niên, nhưng quy mô của cuộc xâm lược năm nay là chưa từng có. Những kẻ phàm ăn này đang phá hoại các đồng cỏ, tấn công các sân gôn, sân bóng đá và chúng có thể làm trơ trụi hoàn toàn lá lúa, đậu tương, cỏ linh lăng và các cánh đồng cây trồng khác chỉ trong vòng vài ngày. Chúng còn được gọi với một cái tên khác là ‘sâu lính’ vì thói quen di chuyển dàn hàng ngang qua những vùng trồng trọt”, Scott D. Stewart, giáo sư Côn trùng học kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông học và Giáo dục Tây Tennessee, Đại học Tennessee cho biết.
Sâu keo mùa thu (tên khoa học là Spodoptera ridgiperda) không đơn thuần chỉ là một con sâu vì nó có phổ ký chủ rất rộng, gây hại tới hàng trăm loài thực vật. Đặc tính sinh học là một loài côn trùng sinh sản liên tục và có vòng đời gồm nhiều giai đoạn, từ trứng- ấu trùng- nhộng- ngài là một con sâu bướm đêm màu nâu sọc. Nó có nguồn gốc từ châu Mỹ và cực kỳ thích nghi, sinh sôi mạnh ở khắp mọi nơi từ những khu rừng tươi tốt đến những vùng khô cằn và thậm chí là cả đô thị.
Loài bướm đêm này tồn tại quanh năm ở những vùng đất ấm hơn, từ mũi Nam Mỹ đến miền Nam nước Mỹ. Chúng có xu hướng xâm chiếm sang nhiều vùng ở phía bắc hơn cho đến khi thời tiết lạnh giá.
Từ ấu trùng trưởng thành đến bướm đêm, toàn bộ vòng đời của nó là khoảng 30 ngày trong mùa hè và 60 ngày vào mùa xuân và mùa thu. Bướm đêm trưởng thành chỉ sống sót hai tuần. Trong thời gian đó, một con cái đẻ tới 2.000 trứng, ký sinh bên dưới lá thành từng cụm ổ từ 100 đến 200 quả.
Tuy nhiên những con bướm đêm không phải là vấn đề đối với mùa màng mà là ấu trùng của chúng. Khi trứng lần đầu tiên nở, những con sâu bướm chỉ dài khoảng 1/16 inch (1 inch bằng 2,54 cm). Vào thời điểm những con sâu bướm đạt đến kích thước đầy đủ, khoảng 1,5 inch thì chúng trở thành những kẻ xâm hại hung hãn.
Tùy theo mùa, sâu keo mùa thu có thể gây hại và phát triển từ 14 đến 30 ngày. Ban đầu, chúng đục lỗ trên lá rồi sau đó ăn trơ cọng. Nếu hết thức ăn, chúng có thể sẽ trở thành những kẻ ăn chính đồng loại nhỏ hơn. Sau đó, chúng độn thổ và trú ẩn trong một tổ kén và hóa thành nhộng. Khi chúng trồi lên khỏi mặt đất như những con bướm đêm, chu kỳ sinh trưởng lại lặp lại với thế hệ tiếp theo thúc đẩy sự sinh sôi đi khắp mọi nơi.
Đặc biệt là tại vùng cận Sahara châu Phi, nơi sâu keo mùa thu đang tàn phá rất mạnh các cánh đồng ngô, loại cây trồng chủ lực của lục địa này. Thiệt hại ước tính khoảng 2 tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra nó cũng gây hại nặng cho lúa, lúa miến, mía, rau màu và bông vải.
Hồi tháng 6, nhà côn trùng học David Kerns đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng, sâu keo mùa thu đang hoành hành ở bang Texas rất nghiêm trọng và đang di chuyển về phía bắc và phía đông. Chúng có thể di cư hàng trăm dặm, phát tán nhờ gió, rất dễ trở thành đại dịch tương tự như châu chấu.
Kiểm soát sâu keo bằng cách nào?
Giải pháp chờ đợi được coi là không phải là một lựa chọn cho nông dân, do vậy việc sử dụng thuốc diệt côn trùng là cách duy nhất để cứu cây trồng. Tuy nhiên cách này có thể đang khó khăn vì sự gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra đã khiến một số loại thuốc trừ sâu bị thiếu hụt.
Hiện đã có một số bằng chứng cho thấy, sâu keo mùa thu có thể phát triển khả năng kháng chống lại một số loại thuốc trừ sâu nhất định. Trước đó, loài gây hại này từng nổi tiếng vì đã phát triển khả năng chống lại các protein diệt côn trùng chế từ vi khuẩn Bacillus thuringiensis do cây trồng biến đổi gen tạo ra. Chuyên gia hàng đầu về loài gây hại này là nhà khoa học Juan Luis Jurat-Fuentes cho biết, đang cố gắng tìm hiểu làm thế nào mà loài sâu này trở nên kháng độc tố Bt trong ngô và bông chuyển gen.
Công trình nghiên cứu của ông cũng tiết lộ cách mà sâu keo kháng protein diệt côn trùng đang phát tán nguồn gen của chúng trên khắp châu Mỹ. “Chúng tôi hiện đang hợp tác trong một dự án sử dụng chức năng gen lặn để giúp kiểm soát sự bùng phát của sâu keo mùa thu. Kỹ thuật này có thể tắt các gen cụ thể, bao gồm cả những gen làm cho sâu keo có khả năng kháng thuốc trừ sâu. Mục tiêu là phát triển ra các loại thuốc diệt côn trùng hiệu quả và đồng thời có tác động tối thiểu đến môi trường và các loài động vật hoang dã khác”, ông Juan nói.
Ước tính, thiệt hại kinh tế từ các cuộc xâm lược của quân keo mùa thu là rất cao. Chỉ riêng trong năm nay, chúng đã tàn phá hàng triệu mẫu đất trồng trọt và đồng cỏ. Tại Mỹ, nhiều chủ trang trại và doanh nghiệp đã chi hàng chục triệu đô la cho để diệt trừ loài côn trùng này nhưng một số trang trại đã bị mất mùa lớn. Dự báo, cuộc chiến chống sâu keo mùa thu ở Mỹ vẫn chưa kết thúc, và nó sẽ tiếp tục trong một vài tuần nữa khi chúng lây lan xa hơn về phía bắc và phía đông do hiện tượng khí hậu ấm lên sẽ cho phép chúng mở rộng lãnh thổ.