| Hotline: 0983.970.780

Chủ động phòng, chống sâu keo mùa thu, bệnh khảm lá sắn

Thứ Sáu 03/07/2020 , 10:57 (GMT+7)

Sâu keo mùa thu trên cây bắp và bệnh khảm trên cây mì là 2 đối tượng gây hại nghiêm trọng xuất hiện vào vụ hè thu, rất khó kiểm soát nếu để lây lan.

Cán bộ khuyến nông huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) kiểm tra sâu keo mùa thu trên cây bắp.

Cán bộ khuyến nông huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) kiểm tra sâu keo mùa thu trên cây bắp.

Để chủ động phòng, chống và giảm đến mức mức thấp nhất thiệt hại do sinh vật gây hại gây ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận đã đưa ra các khuyến cáo với ngành chuyên môn, người dân để chủ động phòng trừ.

Đối với sâu keo mùa thu trên cây bắp (ngô), đây là loài sâu hại mới xuất hiện tại Việt Nam nên chưa có những nghiên cứu cụ thể trong nước. Các địa phương bố trí cán bộ nông nghiệp, cán bộ kỹ thuật thực hiện công tác điều tra phát hiện, theo dõi trưởng thành vào đèn và dự báo chính xác các lứa sâu.

Thực hiện lịch trồng bắp tập trung theo đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống vụ hè thu của Sở NN-PTNT, phù hợp với điều kiện của từng địa phương; tập huấn, tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nông dân sử dụng các giống bắp có tính kháng sâu keo mùa thu, ngâm ủ hạt giống, bón phân cân đối phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng giúp cho cây bắp phát triển thuận lợi.

Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để phòng chống sâu keo mùa thu trước, trong gieo trồng đến khi thu hoạch; sử dụng bẫy bả, bẫy chua ngọt và Pheromone để thu bắt và tiêu diệt trưởng thành.

Đối với bệnh khảm trên cây mì (sắn), lý do bệnh vẫn lây lan là do chưa có giống mì kháng bệnh; nông dân vẫn trồng mì tự phát với diện tích lớn; vẫn sử dụng giống mì nhiễm bệnh để tái sản xuất; khâu kiểm soát giống sạch bệnh vẫn chưa tốt; việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ dịch chưa hiệu quả…

Vì vậy, cần kiên quyết với những diện tích không đủ hom giống sạch bệnh thì chuyển sang trồng cây khác phù hợp hoặc khuyến cáo không trồng mì vụ này.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển hom giống của người dân và các tổ chức sản xuất, chế biến tinh bột mì tại địa phương. Vận động và hướng dẫn nông dân tiêu hủy triệt để tàn dư nguồn bệnh sau thu hoạch theo quy trình kỹ thuật đã hướng dẫn.

Yêu cầu các tổ chức sản xuất, chế biến tinh bột mì thực hiện tốt công tác tiêu hủy nguồn củ mì bị bệnh ở các vùng nguyên liệu. Đồng thời tổ chức nhân rộng các vùng nguyên liệu mì sạch bệnh cung cấp cho người dân.

Địa phương xây dựng các mô hình sản xuất giống mì sạch bệnh và khả năng chống chịu bệnh cao tại địa phương theo quy trình kỹ thuật do Cục Trồng trọt ban hành để cung ứng sản xuất. Bố trí cán bộ nông nghiệp, cán bộ kỹ thuật thực hiện công tác điều tra, theo dõi, phòng chống bệnh khảm lá virus hại mì, lắp bẫy dính màu vàng để theo dõi bọ phấn ở các vùng trọng điểm trồng mì của địa phương.

(Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận)

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.