Tài sản tiền tỷ do người dân đổ mồ hôi công sức bị cướp trắng
Ông Bàn Đức Nghiêm hiện đang sinh sống tại thôn Nà Pài, xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, năm 1997 trồng được hơn 9 hecta rừng, loại gỗ sa mộc và thông xem kẽ theo Dự án 327. Mong muốn sau này cho thu hoạch sẽ được một khoản tiền lớn, thay đổi cuộc sống. Nhưng khi rừng trưởng thành sắp được thu hoạch, cây đã trên 14 tuổi và có giá trị lên đến cả trăm triệu/hecta thì bị người khác khai thác trộm mất. Thời gian này ông Nghiêm đang đi làm thuê trong miền Nam nên không biết gì.
Theo khảo sát của phóng viên từ những người dân địa phương và người thu mua gỗ, một hecta gỗ sa mộc có tuổi đời trên 14 năm khi khai thác sẽ cho khối lượng không dưới 60m3, giá trị là trên 150 triệu đồng/hecta. Như vậy, với 9 hecta gỗ sa mộc đã trồng từ năm 1997 tính đến năm 2012 cũng có giá trị ít nhất hơn 1,4 tỷ đồng.
Ông Nghiêm cho biết: Thời điểm gia đình còn sinh sống ở thôn Đèo Gió, đất sản xuất ít nên đến năm 1994 được Nhà nước cấp cho 41 hecta đất rừng để canh tác thì rất vui mừng. Đến năm 1997, huy động cả anh em, hàng xóm đến trồng cây hộ nhau. Đến năm 2011 - 2012, khi cây đã trưởng thành thì Lâm trường Ngân Sơn (Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn) đã cho người đến khai thác, mà gia đình không hề biết, khiến gia đình mất trắng tài sản có giá trị hàng tỷ đồng.
Theo ông Bàn Tiến Quan, ở thôn Đèo Gió, xã Vân Tùng (là trưởng thôn từ năm 2009 đến đầu năm 2016), sự việc ông Bàn Đức Nghiêm trồng hơn 9 hecta rừng sa mộc theo dự án trồng rừng 327 là có thực tế. Thời điểm ông Nghiêm bị người ta khai thác trộm và bị mất trắng, không được đồng nào cũng là sự thật, các hộ dân trong thôn đều biết về sự việc này.
Ông Quan thông tin: Vào năm 2010 – 2012, Lâm trường Ngân Sơn (đơn vị trực thuộc của Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn) đã tổ chức vào khai thác, cho công ty ở Thái Nguyên vào khai thác trên khu vực Đèo Gió, có cả diện tích rừng của anh Nghiêm bị khai thác trắng. Anh Nghiêm tự trồng, tự bảo vệ, mà lâm trường khai thác như này không được một tý nào (tiền tài sản rừng), theo pháp luật thì lâm trường sai.
Quay lại việc khai thác rừng tại huyện Ngân Sơn, theo tài liệu của cơ quan chức năng, năm 2010 Công ty Lâm Nghiệp Bắc Kạn ký hợp đồng mua bán gỗ khu vực Đèo Gió với Doanh nghiệp tư nhân Nhật Đức, do ông Đặng Ngọc Việt trú tại xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên làm Giám đốc, thực hiện mua bán và khai thác gỗ (Mua bán cây đứng theo hồ sơ thiết kế). Việc khai thác thực hiện từ năm 2010 – 2012, hồ sơ cấp phép khai thác được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn cấp phép.
Theo các tài liệu trên, vị trí của 02 bộ hồ sơ cấp phép khai thác không trùng vào vị trí 9 hecta rừng trồng của ông Bàn Đức Nghiêm. Điều này khẳng định, đã có người cố tình chỉ đạo khai thác “nhầm” vào rừng của ông Nghiêm để chiếm đoạt tài sản.
Vì sao chưa xử lý theo pháp luật những người cướp rừng của dân?
Nhận được đơn của ông Bàn Đức Khiêm, UBND huyện Ngân Sơn đã họp bàn và ra nhiều văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị giải quyết quyết dứt điểm vụ việc. Huyện yêu cầu Lâm trường xem xét về việc thanh toán tiền gỗ khai thác từ rừng trồng của ông Bàn Đức Nghiêm, nhưng đơn vị này đã không thực hiện theo đúng theo chỉ đạo.
Sau khi có kết luận của Thanh tra huyện, nhận thấy vấn đề mang tính hình sự, ngày 11/12/2017, UBND huyện Ngân Sơn đã ban hành văn bản số 1345/UBND-VP về việc chuyển hồ sơ giải quyết đơn của ông Bàn Đức Nghiêm giao Công an huyện xem xét theo quy định của pháp luật hình sự, với nội dung “giải quyết đơn của ông Bàn Đức Nghiêm, trú tại thôn Nà Pài, xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn phản ánh việc 9,0 ha rừng của gia đình ở thôn Đèo Gió, xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn bị khai thác trộm”. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ngân Sơn đã thụ lý tin báo về vụ việc này.
Tuy nhiên, vụ việc cướp gỗ rừng của người dân vẫn không xử lý được, ngày 22/6/2020, UBND huyện Ngân Sơn đã văn bản số 286 đề UBND tỉnh Bắc Kạn UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ xem xét tiếp nhận giải quyết vụ việc theo thẩm quyền.