| Hotline: 0983.970.780

Sẽ có quy chuẩn khí thải xe máy để bảo vệ môi trường không khí

Thứ Ba 19/11/2024 , 16:51 (GMT+7)

Bộ TN-MT đang xây quy chuẩn khí thải xe máy và lộ trình áp dụng; coi đây là công cụ quan trọng để kiểm soát nguồn ô nhiễm rất lớn ở Việt Nam.

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại các đô thị lớn

Chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM thời gian gần đây càng ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Có những thời điểm, chỉ số quan trắc về không khí tại thủ đô Hà Nội vượt nhiều lần mức cho phép.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội - ông Nguyễn Minh Tấn, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3. Trong đó, ô nhiễm bụi mịn được ghi nhận hầu hết các quận, huyện của Thành phố, nhất là các quận nội thành, tập trung đông dân cư và hoạt động giao thông.

Ô nhiễm môi trường không khí đang báo động tại các đô thị lớn ở Việt Nam. Ảnh: Nam Trần.

Ô nhiễm môi trường không khí đang báo động tại các đô thị lớn ở Việt Nam. Ảnh: Nam Trần.

Số liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên Môi trường (Bộ TN-MT) cho thấy, tình trạng ô nhiễm đã tăng lên mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, trong đó thông số ô nhiễm không khí chính hiện nay là bụi mịn PM2,5. Diễn biến ô nhiễm không khí đã tăng dần theo thời gian, đặc biệt khi các hoạt động kinh tế - xã hội đã có sự phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19.

Có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (ngưỡng giá trị AQI) đã lên đến mức xấu, có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian ô nhiễm tập trung vào mùa đông, từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau.

Các nhóm nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn, lớn nhất là từ hoạt động giao thông vận tải. Sau đó là các nguồn từ hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, hoạt động đốt, sử dụng bếp than tổ ong. Ngoài ra yếu tố thời tiết, khí hậu cũng tác động không nhỏ đến chất lượng không khí, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN-MT) Lê Hoài Nam thừa nhận, công tác kiểm soát chất lượng không khí còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực (tổ chức bộ máy, nhân lực, kinh phí) về thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng không khí, quan trắc và công bố thông tin chất lượng môi trường không khí chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, năng lực cán bộ còn chưa đáp ứng được yêu cầu, ít có chương trình nhiệm vụ cho lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng môi trường không khí.

Trách nhiệm thực hiện quản lý nguồn thải gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, khu đông dân cư còn phân tán, thuộc nhiều ngành, lĩnh vực như giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp và UBND các địa phương.

TP Hà Nội từng thí điểm thu hồi xe cũ nát và hỗ trợ 4 triệu đồng/xe để giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm không khí. Ảnh: Nam Trần. 

TP Hà Nội từng thí điểm thu hồi xe cũ nát và hỗ trợ 4 triệu đồng/xe để giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm không khí. Ảnh: Nam Trần. 

Bộ TN-MT đang đề xuất nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chất lượng không khí tại Việt Nam, nhất là các đô thị lớn. Trong đó rà soát, tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách lớn, có tầm quan trọng vĩ mô liên quan đến quản lý chất lượng không khí, trong đó tập trung vào các chính sách về thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Đồng thời siết chặt các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Bộ cũng đang tiến hành xây dự thảo quy chuẩn khí thải xe máy và lộ trình áp dụng, sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành. Đây sẽ là công cụ quan trọng kiểm soát nguồn ô nhiễm rất lớn, rất đáng kể ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ TN-MT sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giám sát các nguồn thải khí thải, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở phát sinh bụi, khí thải lớn trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

5 nhóm giải pháp bảo vệ môi trường không khí

Bộ trưởng Bộ TN-MT Đỗ Đức Duy đề xuất các ban, ngành, địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn của Việt Nam chọn thời điểm tháng 11/2024 là điểm mốc đánh dấu cho các hành động chung, các giải pháp phối hợp liên ngành, cam kết cho sự phối hợp và gắn kết giữa các cơ quan trung ương và địa phương trong giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí – vấn đề ô nhiễm môi trường chung đang được dư luận hết sức quan tâm hiện nay.

Chỉ ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện trong thời gian tới, ông đề xuất 5 nhóm giải pháp thực hiện để cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường không khí, cụ thể:

Bộ TN-MT đưa ra 5 nhóm giải pháp để cải thiện, nâng cao chất lượng không khí tại các đô thị. Ảnh: Thu Hoài.

Bộ TN-MT đưa ra 5 nhóm giải pháp để cải thiện, nâng cao chất lượng không khí tại các đô thị. Ảnh: Thu Hoài.

- Nhóm các giải pháp về thể chế chính sách: Các bộ, ngành cần khẩn trương rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách tăng cường hiệu quả quản lý chất lượng không khí, trong đó cần tập trung vào các chính sách về thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; chính sách cho vay, hỗ trợ, ưu đãi “chuyển đổi xanh”; chính sách ưu đãi, hỗ trợ (thuế nhập khẩu) đối với thiết bị, công nghệ xử lý, giảm thiểu phát sinh khí thải; chính sách ưu đãi hỗ trợ đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường được tái chế từ sản phẩm thu hồi như phụ phẩm nông nghiệp; quy chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhập khẩu và sản xuất trong nước…

- Nhóm các giải pháp về kỹ thuật: Nhanh chóng hoàn thiện và vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu về nguồn thải, giám sát tự động các nguồn thải lớn và kết nối dữ liệu trực tuyến. Trên nguyên tắc chất lượng môi trường không khí phải được quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục và công bố công khai theo quy định của pháp luật.

Chuẩn hoá hệ thống quan trắc hiện có, trên cơ sở bổ sung thêm một số trạm quan trắc tự động đảm bảo số liệu được truyền, kết nối theo quy định về sở TN-MT và Bộ TN-MT thường xuyên, liên tục và không bị gián đoạn; tập trung triển khai quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Nhóm các giải pháp về quản lý, kiểm soát các nguồn thải di động, nguồn phân tán, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm. Trách nhiệm thực thi nội dung này chủ yếu thuộc về chính quyền địa phương các cấp. 

- Nhóm các giải pháp về truyền thông: Các cơ quan báo chí, truyền thông phối hợp chặt chẽ với Bộ TN-MT và các bộ ngành, địa phương cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác tới người dân để chủ động ứng phó, hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khoẻ và phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước.

- Nhóm các giải pháp về nguồn lực: Các địa phương cần quan tâm, đầu tư nguồn lực cho kiểm soát ô nhiễm các nguồn thải tác động đến chất lượng môi trường không khí, bổ sung diện tích cây xanh - mặt nước, tăng cường vệ sinh đường phố... nhằm giảm thiểu phát tán ra môi trường. Về lâu dài, cần có đề án chuyển đổi hệ thống giao thông xanh, phát triển giao thông công cộng với lộ trình thực hiện sớm nhất.

Xem thêm
Khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa Háng

Sơn La Ngày 19/11, Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa Háng được khai trương tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, kết nối giao thương Việt Nam và Lào.

Quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi chồng chất khó khăn

Theo ông Lương Văn Anh, hồ chứa thủy lợi có vai trò quan trọng cấp nước sản xuất nông nghiệp, khai thác đa mục tiêu... Tuy nhiên, việc vận hành vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.