| Hotline: 0983.970.780

Nghẹt thở cuộc giải cứu 12 công nhân kẹt dưới hầm thủy điện Đạ Dâng:

Sẽ khoan cọc nhồi thẳng từ trên đồi xuống vị trí kẹt hầm

Thứ Tư 17/12/2014 , 09:08 (GMT+7)

Bộ trưởng Xây dựng trực tiếp chỉ đạo phương án này. 2 phương án khoan thoát nước, khoan cửa hầm được tiến hành song song. Nước trong hầm dâng cao lên gần 1m. 12 công nhân đối mặt nguy cơ bị ngạt nước./ Thế giới giải cứu tai nạn hầm mỏ như thế nào?

13h30: "Khoan cọc nhồi từ bên trên xuống để cứu người"- Đây là phương án chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vừa đưa ra sau khi thị sát hiện trường. Theo Bộ trưởng, cần phối hợp giữa khoan dọc từ bên ngoài vào và khoan cọc nhồi từ trên xuống để nhanh chóng cứu 12 nạn nhân ra ngoài.

Như vậy đến 15 giờ ngày 17/12, có 3 phương án đang được triển khai tích cực cùng lúc là: Khoan cọc nhồi từ bên trên xuống, khoan thoát nước chống ngập và khoan cửa hầm để đặt ống sắt cho các nạn nhân chui ra.

Tuy nhiên, lực lượng công binh thuộc Quân khu 7 sau khi khảo sát vẫn bảo lưu ý kiến:: Do nền đất khá yếu nên việc khoan từ trên xuống khó thực hiện; với lại, rất có thể khi khoan, do nền đất yếu nên đất đá có thể tiếp tục sụp lún vào bên trong đường hầm.

Ban chỉ huy cứu hộ cũng cho biết: Một máy khoan công suất lớn đang được huy động và di chuyển gấp rút từ TP Hồ Chí Minh lên Lâm Đồng để hỗ trợ cứu hộ. Dự kiến tối muộn máy sẽ lên đến nơi xảy ra sự cố.


 Một phương án khác đang được tính toán: Tìm vùng đất cứng ở phía bên trên quả đồi để khoan thẳng xuống đường hầm nhằm cứu các nạn nhân.

Các chiến sỹ công binh thuộc Lữ đoàn Công binh 25 Quân khu 7 đã lên trên quả đồi để khảo sát nhưng kết quả cho đến lúc này vẫn chưa có gì khả quan.


Các chiến sĩ công binh chuẩn bị lên đỉnh đồi khảo sát địa hình.


14h00: “Hiện tại, có thể mực nước bên trong đó khoảng 1m. Nếu nước tiếp tục dâng và chúng ta không có phương án rút nước thì tính mạng của 12 công nhân bị đe dọa” - ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng lưu ý.

Một cuộc hội ý chớp nhoáng giữa các lực lượng cứu hộ đã diễn ra và đi đến thống nhất phương án khoan xuyên lòng đất để đưa ống vào trong hút nước ra ngoài.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người, phương án đưa đường ống vào qua đường khoan để rút nước không dễ thực hiện. Bởi, suốt từ sáng đến giờ, việc khoan đường ống đối lưu không khí gặp nhiều khó khăn do lớp đất đá trong đường hầm quá dày.


► 12h30: Trong khi lực lượng cứu hộ đang tích cực đào đất để nhanh chóng đưa 12 công nhân ra ngoài thì ngay trên đỉnh quả đồi, cách nơi xảy ra sự cố sập hầm khoảng 70m xuất hiện 2 miệng hố do sụt lún.

Một số người dân khu vực này cho biết: Hố này đã xuất hiện khá lâu nhưng mấy ngày gần đây trời mưa khiến hố sạt lở mạnh và nước có thể theo đó thấm xuống dưới.


Phát hiện hai miệng hố phía trên đường hầm.

Thượng tá Phạm Phú Ty - Phó trưởng Công an huyện Lạc Dương, cho biết: Qua khảo sát thực địa, 2 hố có đường kính 15m  x 4m, chiều sâu khoảng 10m, 2 hố này cách nhau khoảng 9m.

Theo đánh giá của ông Ty thì đây có thể là một trong những nguyên nhân gây sụp hầm và gây khó khăn cho công tác cứu hộ.


 Đến thời điểm này, trước tình trạng nước bên trong không ngừng dâng lên, ống thông hơi bị tắc và ẩm nên 12 công nhân đang mắc kẹt có thể sẽ bị ngạt nước, ban chỉ huy lực lượng cứu hộ đã nhanh chóng họp bàn tìm giải pháp mới.

Ông Trần Ngọc Lan - Chủ tịch công ty CP Sông Đà 10 cho biết: Phương án bây giờ được thống nhất là vừa đào hầm cho người thoát ra vừa khoan thoát nước ra ngoài.


Hình ảnh triển khai phương tiện cứu hộ bên ngoài đường hầm sáng 17/12. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)


 Trở ra từ phía bên trong đường hầm, ông Lê Việt Quang - Giám đốc Công ty Nhôm Lâm Đồng cho biết: Qua đường ống đã khoan được hôm qua, cháo, sữa và oxy đã liên tục được đưa vào cho các nạn nhân bên trong. Nước trong khu vực nạn nhân đang ngập cao khoảng 60cm, báo Lâm Đồng cho biết.


Đưa thêm đường ống đối lưu không khí vào bên trong.

Nói về phương án cứu hộ ông Quang cho rằng: Dựng đường hầm dài 35m, dùng gỗ kè hai bên đường vào hầm là phương án tối ưu hiện nay. Với tốc độ làm việc không ngừng nghỉ như hiện nay thì phải mất 2 ngày mới hoàn thành đường hầm này vì bên trong đất sụt lở rất nhiều.


Bí thư tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Xuân Tiến (người cầm bộ đàm) có mặt tại hiện trường và chỉ đạo triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn.

► 10h30 ngày 17/12: Khoảng 27 tiếng đã trôi qua kể từ thời điểm xảy ra vụ sập đường hầm của Công trình thi công đập thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo thuộc thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.


10h05: Tín hiệu mới từ bên trong phát ra cho thấy rất tính mạng của toàn bộ 12 công nhân mắc kẹt vẫn an toàn.


10h00 ngày 17/12: Mũi khoan thứ hai xuyên khối đất đá vào bên trong đường hầm vẫn đang tiếp tục thực hiện.

Đại tá Hoàng Công Thạo - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an Lâm Đồng, chỉ huy trưởng công tác cứu nạn, cho biết: “Đây là mũi khoan đưa đường ống thứ hai vào có giá trị đối lưu không khí để đảm bảo an toàn cao về tính mạng cho những người bị nạn phía bên trong”.

Theo ghi nhận của NNVN, ngoài việc khoan mũi khoan đưa đường ống đối lưu không khí vào bên trong, khối lượng đất đá bên trong được đào đến đâu, lực lượng cứu hộ tiến hành gia cố mái vòm đường hầm đến đó. Mái vòm được gia cố theo những hình tam giác cân gắn vào nhau với nhiều thứ vật liệu nên đất đá từ phía trên không còn tiếp tục sụt lún xuống đường hầm.


 Một nhóm cứu hộ vào sâu trong đường hầm để thực hiện phương án mới là dựng hầm nhỏ hình chữ A để ngăn hầm sụp và đá rơi. Lúc này, lực lượng cứu hộ đang nhanh chóng cưa gỗ để đưa vào dựng hầm.


Cưa gỗ làm cột chống để dựng hầm chữ A thực hiện phương án cứu hộ mới. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Theo đại tá Hoàng Công Thạo, bên trong hầm đá vẫn rơi từ trên xuống rất nhiều nên phương án này được xem là khả thi để an toàn cho cả lực lượng đang đào hầm bên trong.


 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng cũng đã điều động 100 chiến sỹ đến phối hợp cứu hộ, theo báo Lâm Đồng.

Ông Phan Văn Hùng - Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng cho biết: Nhiệm vụ chính của các chiến sỹ là vận chuyển gỗ, các vật liệu, trang thiết bị về khu vực tập kết để chuyển vào bên trong hầm và sẵn sàng hỗ trợ công tác cứu hộ.

Đến hiện tại, sức khỏe 12 công nhân đang kẹt bên trong vẫn ổn định chờ được giải cứu.


Đưa thức ăn vào bên trong bằng đường ống để tiếp tế cho những công nhân đang mắc kẹt.


Bí thư tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến đã đến hiện trường, nghe ban chỉ huy cứu hộ báo cáo tình hình. Hiện nay, đã có 50 người túc trực, thay phiên đào đất, đá trong đường hầm để tiếp cận các nạn nhân, theo báo Tuổi Trẻ.

Ông Tiến cũng thông tin chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gọi điện thoại chỉ đạo, bằng mọi giá, mọi cách phải cứu được người. Theo kế hoạch, trưa nay, hai bộ trưởng của bộ Công thương và bộ Xây dựng sẽ có mặt ở hiện trường.


9h05 ngày 17/12: Tại hiện trường vụ sụp hầm thủy điện Đạ Dâng mưa vẫn đang rơi và trời rất lạnh (nhiệt độ xuống thấp, khoảng 12 - 13oC).

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và lãnh đạo huyện Lạc Dương vẫn đang túc trực để chỉ đạo việc cứu nạn.

Ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh - nói: “Lâm Đồng chưa bao giờ xảy ra sự cố nghiêm trọng như thế này. Tuy nhiên, với quyết tâm cao (như cả đêm qua, lực lượng cứu hộ làm việc không ngơi nghỉ), tôi tin rằng tỉnh sẽ khắc phục hậu quả vụ sập hầm này ở mức thấp nhất có thể”.


Trời mưa lớn suốt đêm, nước tràn vào đường hầm.


8h50 ngày 17/12: Đại tá Hoàng Công Thạo - Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Lâm Đồng, chỉ huy trưởng chiến dịch ứng cứu sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng (thông Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) - cho biết: “Mặc dầu đến lúc này vẫn chưa trao đổi trực tiếp một cách rõ ràng như kiểu hội thoại với những công nhân bị mắc kẹt phía bên trong nhưng những tín hiệu liên lạc như âm thanh vọng ra, tiếp tế cháo, xúc xích, nước uống... cho thấy anh em bên trong đó vẫn an toàn.

Sáng nay, lực lượng ứng cứu chúng tôi vẫn đang khẩn trương tìm cách đưa đường ống có đường kính lớn vào bên trong để anh em theo đó chui ra ngoài. Hy vọng có thể trưa nay - 17/12, đường ống sẽ thông”.


Đến sáng 17/12, lực lượng công binh (Lữ đoàn Công binh 25) của Quân khu 7 với 29 chiến sỹ đã hành quân xuyên đêm và có mặt tại hiện trường để tiếp ứng lực lượng cứu hộ tại chỗ.

Ngay khi có mặt, các chiến sỹ công binh đã bắt tay ngay vào việc cùng với lực lượng ứng cứu tại chỗ gia cố đường hầm, cưa cây, đóng cọc, vận chuyển đất đá ra bên ngoài...

Do khối lượng đất đá bị sụp khá lớn trong đường hầm nên việc đưa đường ống lớn để người mắc kẹt bên trong theo đó chui ra rất khó khăn.

Thượng tá Nguyễn Văn Hùng, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 25 Quân khu 7, cho biết: “Nếu đã có tín hiệu an toàn từ bên trong thì việc gia cố đường hầm phải được đặc biệt chú trọng, phải làm thật cẩn trọng. Bởi, nếu làm vội vàng, có thể sự cố sụp hầm sẽ tiếp tục sẽ xảy ra từ phía bên ngoài, tính mạng của người ứng cứu bị đe dọa”.

Trước đó, chiều tối 16/12, lực lượng cứu hộ đã liên lạc được với 12 công nhân bị kẹt lại trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng). Những công nhân này vẫn khỏe mạnh.

Xem thêm
Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Bình Định tập trung khắc phục các điểm sạt lở

Lực lượng chức năng của huyện miền núi An Lão đang tập trung khắc phục các điểm sạt lở do mưa lớn để khơi thông ách tắc giao thông.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.