Tại các hầm mỏ, thảm họa luôn chực chờ. Những tai nạn gây thiệt mạng xảy ra rất nhiều, nhưng cũng có không ít cuộc giải cứu thần kỳ như phép màu ở Chile năm 2010.
Khoang cứu hộ được đưa xuống lòng đất trong chiến dịch giải cứu ở Chile năm 2010 - Ảnh: CSMonitor
Ở các quốc gia phát triển, luật pháp quy định mỗi hầm mỏ phải có đội ngũ nhân viên cứu hộ riêng, được đào tạo bài bản. Các đội cứu hộ phải nắm rõ quy trình giải cứu công nhân mắc kẹt trong hầm ở từng trường hợp, từ hỏa hoạn, sập hầm, khí độc hay ngập nước.
Phần lớn nhân viên cứu hộ đều là những thợ mỏ giàu kinh nghiệm, biết rõ địa hình bên trong hầm mỏ.
Các hầm mỏ bị sập luôn cực kỳ nguy hiểm đối với những nhân viên cứu hộ kinh nghiệm nhất. Bởi khí độc, hơi nước nóng và các bức tường bất ổn luôn có thể cướp đi sinh mạng họ bất kỳ lúc nào.
Dùng robot để đảm bảo an toàn
Để đảm bảo sự an toàn cho nhân viên cứu hộ, nhà chức trách các quốc gia phương Tây thường triển khai robot điều khiển từ xa vào hầm mỏ trước để kiểm tra chất lượng không khí và tìm những con đường an toàn cho người sống sót.
Theo trang New Scienist, hồi tháng 5-2014 Văn phòng Nghiên cứu y tế và An toàn mỏ (OMSHR) đề xuất chính phủ Mỹ triển khai quy định sử dụng robot thăm dò ở độ sâu tới 1.000 m trong các vụ tai nạn hầm mỏ để đảm bảo an toàn cho các đội cứu hộ.
Hiện nhiều công ty trên thế giới đang thiết kế và sản xuất các loại robot cứu hộ hầm mỏ, đặc biệt là mỏ than. Bởi trước đây các đội cứu hộ hầm mỏ chủ yếu sử dụng robot dò bom, quá nặng và khó di chuyển trong các đường hầm chật hẹp.
Một ví dụ điển hình là robot Gemini Scout của hãng Sandia National Labs (Mỹ). Tuy nhiên giáo sư Celeste Monforton thuộc ĐH George Washington, cựu cố vấn Cơ quan An toàn mỏ Mỹ, khẳng định điều quan trọng nhất để ngăn chặn các vụ tai nạn hầm mỏ vẫn là thắt chặt các quy định an toàn.
Chiến dịch giải cứu hầm mỏ nổi tiếng nhất trong thời gian qua là vụ tai nạn mỏ vàng San Jose tại thành phố Copiapo ở miền bắc Chile năm 2010. Ngày 5-8-2010, vụ sập hầm mỏ khiến 33 công nhân mắc kẹt bên trong lòng đất. Họ bị nhốt bên trong một khoảng không gian ở độ sâu 700m dưới lòng đất.
Trong vòng 17 ngày, không ai trên mặt đất biết số phận họ ra sao. Nhà chức trách khoan tám lỗ xuống mặt đất để tìm dấu vết các công nhân và phát hiện mẩu giấy viết: “Chúng tôi còn sống và đang trú ẩn, cả 33 người”.
Phép màu ở Chile
Một chiếc máy quay tuồn xuống dưới lòng đất cũng quay được hình ảnh của các công nhân. Cả đất nước Chile vỡ òa trong hạnh phúc và người dân yêu cầu chính phủ phải giải cứu cho bằng được họ. Chính quyền Chile lập kế hoạch giải cứu, bao gồm việc triển khai ba đội khoan quốc tế cùng sự hỗ trợ của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Trong khi các mũi khoan bắt đầu cắm xuống lòng đất, các kỹ sư Chile đã chế tạo ba khoang cứu hộ bằng thép để đưa các công nhân lên mặt đất, được mệnh danh là Phượng hoàng. Các khoang Phượng hoàng đều được trang bị bánh xe để di chuyển dễ dàng trong lỗ khoan, có hệ thống cung cấp oxy, đèn, thiết bị liên lạc.
Vỏ khoang được cường lực để chống nguy cơ đá rơi. Và cuối cùng ngày 13-10-2010, chiếc khoang Phượng hoàng 3 đã đưa cả 33 công nhân thoát khỏi địa ngục dưới lòng đất trong chiến dịch kéo dài 22 giờ. Ông Luis Urzua, người nắm quyền lãnh đạo và tổ chức cuộc sống của các công nhân trong lòng đất, là người lên sau cùng.
Cuộc giải cứu Chile trở thành sự kiện truyền thông toàn cầu và phản ánh rõ mức độ nguy hiểm của công việc trong các hầm mỏ. Một cuộc giải cứu thành công khác là chiến dịch mỏ Quecreek ở hạt Somerset, bang Pennsylvania (Mỹ) hồi tháng 7-2002. Khi đó chín thợ mỏ được giải cứu sau khi bị mắc kẹt trong lòng đất 77 giờ.
Hầm bị ngập đe dọa tính mạng các thợ mỏ. Nhà chức trách đã mở chiến dịch khoan vào hầm và đưa một khoang cứu hộ bằng thép với đồ tiếp tế xuống tới chỗ các thợ mỏ. Và tất cả đều đã thoát chết một cách ngoạn mục.