Chủ nhân của tác phẩm độc đáo này là anh Phạm Văn Hoàn, sinh năm 1988 (xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Anh Hoàn vốn là kiến trúc sư, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội. Sinh ra ở đất hoa cây cảnh Văn Giang ngay cửa ngõ Thủ đô, anh quyết định dừng nghề thiết kế xây dựng để tập trung theo đuổi đam mê nghề cây.
Được đào tạo bài bản, chuyên ngành, với sự tinh tế và năng khiếu vốn có, Hoàn không khó khăn khi thiết kế một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo để mỗi chậu cảnh không đứng riêng rẽ, đơn điệu mà được phối trong một quần thể.
"Tôi bắt đầu thiết kế những tác phẩm cây Tết “siêu to, siêu khổng lồ” từ năm 2018. Một chậu cây cảnh đứng đơn lẻ dễ tạo sự đơn điệu, nhàm chán. Nếu phối chúng với nhau thành một quần thể, thêm vào đó là các họa tiết trang trí sẽ sinh động, đẹp mắt hơn”, anh Hoàn chia sẻ.
Tác phẩm “Ngũ phúc” đón Tết Ất Tỵ 2025 của anh Hoàn là một trong số những tác phẩm tiêu biểu theo tư duy như thế. Bắt đầu từ việc tạo tác chiếc bể bê-tông có kích thước khổng lồ: dài 7m, rộng 3m; trong lòng bể là những khối bê-tông được sắp xếp so le, chồng lên nhau theo kiểu tạo dựng giả hòn non bộ.
5 khối bê-tông được đúc thành chậu với mục đích trồng 5 cây cảnh chủ đạo bên trong. Các khe nhỏ cũng được đổ đất để trồng những cây hoa khác với màu sắc sặc sỡ như cây son môi, tía tô cảnh, cỏ Nhật… để phối cảnh. Chiếc bể dưới cùng là một chiếc bể chứa nước có tác dụng làm mát các chậu đất bên trong, vừa có ý nghĩa phong thủy - theo tư duy của người phương Đông.
Sau khi các khối bê-tông đã hoàn thành, anh Hoàn quét lớp sơn giả đá bên ngoài, đồng thời sơn màu xanh giả rêu (giới chuyên môn gọi là giả sơn -PV) khiến những khối bê-tông xám xịt trở nên có hồn, bắt mắt.
“Tôi phải thiết kế trên máy tính, sau đó mới triển khai tạo tác bên ngoài. Để hoàn thành chiếc bể bê-tông khổng lồ này thời gian mất gần một tháng vì đợi cho bê-tông khô, sau đó mới tiến hành các bước sơn, sửa tiếp theo”, anh Hoàn cho hay.
Với kích thước khổng lồ, chiếc bể cảnh “có một không hai” này có trọng lượng lên tới trên 3 tấn, phải dùng cẩu cỡ lớn mới có thể nâng lên được.
Tiếp đến là việc chọn cây để phối cảnh. Anh Hoàn lựa chọn 5 cây quất cảnh có chiều cao trên 2m, tán rộng 3m. Nếu mỗi cây quất này trồng riêng ra một chiếc chậu cũng đã là một tác phẩm khổng lồ.
Kỳ công hơn, những cây quất này đều được tạo tác, đan cành thành tay bông ngay từ đầu chứ không để phát triển tự nhiên. Nhìn kỹ sẽ thấy những tay cành này giống như cánh quạt lớn, vỉ ruồi hay giống như những cánh chim, mỗi tàn quất to cỡ chiếc nia.
Việc tạo tay bông của mỗi cây quất đều khác nhau chứ không được giống nhau, bởi khi đặt chúng gần nhau, tay nọ sẽ che tay kia từ đó sẽ lấp hết dáng của cây khác. Mỗi cây một dáng, nhưng khi đặt cạnh nhau chúng sẽ là một phần của tác phẩm, cây nọ tôn dáng của cây kia. Quan trọng nhất, nó sẽ tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh.
“Mỗi cây quất giống như một mâm xôi khổng lồ. Khi đặt cạnh nhau, tàn của nó giống như một cây nấm hay một chiếc ô lớn xếp chồng lên nhau, tàn nọ tiếp tàn kia theo thứ tự rất bắt mắt. Sinh động nhất là lớp quả sai, to, đều, bóng và chín cùng một lúc. Những lớp quả chín vàng trải đều lên trên bề mặt, nhìn như một thảm vàng khổng lồ”.
Tin tưởng rằng, theo tín ngưỡng của người phương Đông, khởi đầu của một năm ai cũng muốn có những biểu tượng tốt lành, may mắn và thịnh vượng cho một năm mới trong không gian ngôi nhà của mình. Anh Hoàn khẳng định, chậu quất Tết khổng lồ này sẽ là biểu tượng của sự viên mãn.
“Nó không phải là một cây cảnh chơi Tết thông thường, nó là một tác phẩm nghệ thuật đẳng cấp, độc, lạ, có tính mỹ thuật và biểu tượng cao”,anh Hoàn tự hào.
Anh Hoàn cho biết, tác phẩm này anh đang đưa ra mức giá là 200 triệu đồng cho người sở hữu. Nhìn tận mắt và thấy được cả một quá trình dài để tạo tác, đó là số tiền hoàn toàn xứng đáng.
“Mỗi năm tôi thiết kế từ 10 - 20 chậu cảnh siêu to, siêu khổng lồ này, mỗi tác phẩm là một công trình nghệ thuật riêng biệt, không lặp lại. Điều này đã giúp tôi tạo nên thương hiệu riêng của nhà vườn ở đất hoa cây cảnh Văn Giang”, anh Hoàn nói.