| Hotline: 0983.970.780

Số người thiệt mạng do thiên tai tăng 30%

Thứ Hai 15/07/2024 , 16:26 (GMT+7)

Mặc dù các dự báo ngắn hạn ngày càng chính xác hơn, số người thiệt mạng do thiên tai lại gia tăng. So với cùng kỳ năm trước, số người thiệt mạng đã tăng 30%, từ 52 lên 68 người.

Cuộc họp về ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn diễn ra sáng 15/7 tại Bộ NN-PTNT. Ảnh: Đức Minh.

Cuộc họp về ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn diễn ra sáng 15/7 tại Bộ NN-PTNT. Ảnh: Đức Minh.

Chủ động ứng phó với mưa lớn

Ngày 15/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp về ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn.

Báo cáo tại buổi họp, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết, từ đầu tháng 7 đến 13/7, các tỉnh miền núi phía Bắc cục bộ có mưa to đến rất to, trong đó Hà Giang có mưa từ 400 - 600mm; đồng bằng Bắc bộ mưa 100 - 200mm. Mưa lớn gây sạt lở đất ngày 13/7 tại quốc lộ 34, huyện Bắc Mê (Hà Giang) làm 11 người chết, 4 người bị thương.

Dự báo từ ngày 15-17/7, Bắc và Trung Trung bộ có mưa phổ biến 70 - 150mm, cục bộ trên 250mm; đồng bằng và ven biển Bắc bộ, Tây Nguyên và Nam bộ phổ biến 50- 100mm, cục bộ trên 200mm. 

Trên các sông từ Thanh Hóa - Quảng Trị có khả năng xuất hiện một đợt lũ trên các sông suối nhỏ, các sông thượng lưu ở mức báo động 1, hạ lưu mức báo động 1; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị.

Hiện trưởng vụ sạt lở đất làm 11 người chết trên quốc lộ 34 ở Hà Giang. Ảnh: Hoàng Tuyến.

Hiện trưởng vụ sạt lở đất làm 11 người chết trên quốc lộ 34 ở Hà Giang. Ảnh: Hoàng Tuyến.

Dự báo thời tiết trong thời gian gần đây cho thấy, khả năng dự báo từ ngắn hạn đến dài hạn đều khá chính xác. Nếu các dự báo tiếp theo cho đến hết mùa mưa vẫn duy trì độ chính xác như hiện tại, thì công tác chỉ đạo và quản lý thiên tai sẽ được đánh giá là thành công, nhờ vào sự chủ động trong dự báo và phản ứng.

Mặc dù các dự báo ngắn hạn ngày càng chính xác hơn, số người thiệt mạng do thiên tai lại gia tăng. So với cùng kỳ năm trước, số người thiệt mạng đã tăng 30%, từ 52 lên 68 người. Điều này đặt ra vấn đề nghiêm trọng trong công tác quản lý và ứng phó thiên tai.

Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, ngay sau các công điện của Trung ương, EVN đã lập tức ban hành công điện chỉ đạo các đơn vị thành viên chủ động các phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn.

Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian nhanh nhất.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, cần phải phân tích kỹ hơn về nguyên nhân và cách thức các vụ tai nạn xảy ra để có thể đưa ra các chỉ đạo và giải pháp phòng ngừa hiệu quả. Dự báo cho biết sẽ có nhiều cơn bão mạnh đổ bộ vào Việt Nam trong thời gian tới, với 5 - 6 cơn bão có hình thái cực đoan ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

“Điều này đặt ra một thách thức lớn cho các cơ quan chức năng, đặc biệt là Cục Đê điều và Phòng chống thiên tai, để chuẩn bị và phản ứng kịp thời trước khi bão đổ bộ. Việc này càng trở nên cấp bách hơn khi có khả năng xuất hiện các hiện tượng thiên nhiên cực đoan, mà trong quá khứ, đã từng gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với đất nước”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu chỉ đạo.

Đưa ra kịch bản cụ thể cho từng địa phương

Hiện nay, ngập úng đô thị là một trong những vấn đề lớn. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu ví dụ, Đà Nẵng đã có hai trận lụt khủng khiếp gần đây. Chính quyền địa phương đã gấp rút vào cuộc, rà soát toàn bộ hệ thống cống dẫn và đặc biệt là các cửa thoát nước và kiểm tra tất cả các cống rãnh ở Đà Nẵng. Đến nay, toàn bộ hệ thống đã được khơi thông.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu: “Chúng ta cần chỉ đạo các đô thị học tập kinh nghiệm của Đà Nẵng, rà soát toàn bộ hệ thống cống dẫn và đặc biệt là các cửa thoát nước”.

Hiện tượng ngập úng đô thị ở Đà Nẵng ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ảnh: A.N.

Hiện tượng ngập úng đô thị ở Đà Nẵng ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ảnh: A.N.

Về vấn đề sạt lở đất và lũ quét ở miền Trung và miền núi phía Bắc, Việt Nam đã có kinh nghiệm phòng chống, nhưng công nghệ hiện đại vẫn chưa dự báo được chính xác vị trí xảy ra lũ quét. Bộ NN-PTNT đã yêu cầu các địa phương rà soát tổng thể nguy cơ sạt lở, đặc biệt là các dòng chảy đầu nguồn, tận dụng nguồn lực và tri thức bản địa để đánh giá nguy cơ xảy ra tai nạn.

Liên quan đến vụ sạt lở đất làm 11 người chết trên quốc lộ 34 ở Hà Giang, cơ quan chức năng đã cấm đường một ngày để dọn dẹp. Tuy vậy, sau khi thông đường, đến đêm khi xe đi vào thì xảy ra sạt lở dẫn đến sự việc đáng tiếc. 

Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu thêm các giải pháp cấm, hạn chế đường có nguy cơ sạt lở vào ban đêm để có những chỉ đạo các đơn vị, địa phương.

Trong quá trình rà soát, cần chú trọng đến các bãi thải và hồ chứa nhỏ. Đây là những điểm có nguy cơ cao bị vỡ, gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Vụ vỡ bãi thải ở Lào Cai gần đây là một minh chứng rõ ràng cho nguy cơ này. Các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ để rà soát và gia cố các bãi thải, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Việc vận hành hồ chứa cũng cần được điều hành cẩn thận, thông báo rõ ràng đến các khu vực bị ảnh hưởng bởi xả lũ. Các quy trình và quy định về thông báo phải được tuân thủ nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho người dân.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: 'Công tác phòng, chống thiên tai phải cẩn trọng trước hiện tượng thiên nhiên cực đoan'. Ảnh: Đức Minh.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: "Công tác phòng, chống thiên tai phải cẩn trọng trước hiện tượng thiên nhiên cực đoan". Ảnh: Đức Minh.

Ngoài ra, lúa ở khu vực Đồng bằng Bắc bộ đang trong giai đoạn trổ đòng, nên việc tiêu úng cần được thực hiện chính xác để bảo vệ mùa màng. Yêu cầu tiêu úng phải đạt chuẩn để tránh ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Quan điểm của lãnh đạo Bộ NN-PTNT là đảm bảo an toàn nhưng cũng phải cung cấp đủ nước cho sản xuất. Việc xả nước cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo không thiếu nước cho sản xuất sau này.

Trong khi chờ hoàn thiện quy trình xả nước, Bộ NN-PTNT sẽ điều hành hồ chứa theo kế hoạch dài hạn. “Điều này nghĩa là chúng ta có thể tích nước sớm hơn để đảm bảo kết thúc mùa lũ, các hồ chứa sẽ tích đủ nước. Tuy nhiên, hiện tại, chúng ta vẫn phải điều hành sao cho an toàn”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh và yêu cầu, khi các hồ chứa xả nước phải có thông báo rõ ràng đến các địa chỉ bị ảnh hưởng. 

Ngoài việc đối phó với áp thấp nhiệt đới và các hiện tượng thời tiết cực đoan, cần có kế hoạch phòng ngừa và ứng phó lâu dài. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phải có phương án chuẩn bị trước mắt và lâu dài để đảm bảo an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Khỉ hoang phá hoại cây trồng ở Bình Sơn

Quảng Ngãi Người dân huyện Bình Sơn lo lắng vì nhiều tuần qua, đàn khỉ hoang liên tục xuất hiện tàn phá cây trồng...